Số ca tử vong tăng mạnh ở Indonesia khiến nhiều nước lo lắng

29/06/2021 - 13:32

PNO - Ít nhất 10 trong số 26 bác sĩ Indonesia đã tử vong do COVID-19 trong tháng này mặc dù đã được tiêm vắc xin Sinovac đầy đủ, khiến các nhà chức trách ở một số quốc gia đang lệ thuộc và đã sử dụng loại vắc xin này đang xem xét lại về tính hiệu quả, cũng như cân nhắc tiêm bổ sung các loại vắc xin khác cho những người đã được tiêm Sinovac.

Indonesia là quốc gia chủ yếu sử dụng vắc xin do Trung Quốc sản xuất để tiêm cho đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế. Hiện, nước này đang phải vật lộn với một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới, với số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh mỗi ngày.

Chỉ riêng ngày 28/6, Indonesia đã công bố 20.694 ca nhiễm mới.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Jakarta, Indonesia
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Jakarta, Indonesia - Ảnh: Reuters

Từ tháng 3/2020 đến ngày 26/6/2021, 949 nhân viên y tế ở Indonesia đã tử vong vì COVID-19. 

Chỉ riêng tại Kudus, một thị trấn ở miền Trung Java, hơn 500 nhân viên y tế đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong hai tuần qua, trong số đó có một bác sĩ đã tử vong, mặc dù tất cả đều đã được tiêm vắc xin Sinovac đầy đủ.

Trong tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấp thuận đưa Sinovac vào danh sách các loại vắc xin COVID-19 được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.

Tổ chức này cho biết Sinovac đã được chứng minh đạt hiệu quả 51% trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm COVID-19 với triệu chứng nhẹ đối với những người được tiêm chủng, và hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa dịch bệnh này với các triệu chứng nặng hoặc phải nhập viện, xét trên số người được tham gia thử nghiệm.

Tháng trước, Bộ Y tế Philippines cho biết người dân nước này sẽ không được thông báo trước họ sẽ được tiêm loại vắc xin nào, sau khi nhiều người xếp hàng từ 2g sáng để chờ tiêm tại một địa điểm mà họ tin rằng đang sử dụng vắc xin Pfizer.

Trong khi đó, nhóm giảm thiểu rủi ro của Hiệp hội y khoa Indonesia cho biết họ tin rằng, nhìn chung, bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào được WHO và các cơ quan chức năng Indonesia phê duyệt đều có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm căn bệnh này ở cấp độ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhóm này cũng cho biết đang thảo luận về việc liệu có nên tiêm bổ sung cho các nhân viên y tế của Indonesia một liều vắc xin khác hay không.

“Chúng tôi nhận thấy một số quốc gia đang ủng hộ việc tiêm chủng kết hợp nhiều loại vắc xin khác nhau để tăng cường khả năng miễn dịch cho nhân viên y tế. Nhưng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là mọi người cũng nên tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe ngay cả khi đã được tiêm vắc xin”, bác sĩ Adib Khumaidi - người đứng đầu nhóm giảm thiểu rủi ro - khuyên. 

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI