Tại Hà Nội, dù lãnh đạo ngành y tế cho rằng đã huy động tốt các nguồn lực cũng như cảnh báo bệnh dịch tới cộng đồng, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là vì sao dịch bệnh SXH vẫn chưa thể kiểm soát?
|
Tại Bệnh viện Bạch Mai, hai - ba bệnh nhân SXH phải nằm chung giường |
Hà Nội: Hai ngày hai ca tử vong
Sáng 10/8, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa có thêm một bệnh nhân tử vong vì SXH. Đây là ca tử vong thứ sáu tại Hà Nội. Trước đó hai ngày, một nữ bệnh nhân 36 tuổi (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cũng tử vong vì căn bệnh này.
Diễn biến phức tạp của SXH tại Hà Nội khiến người dân hoang mang, lo lắng. Hiện địa phương này đã ghi nhận gần 14.000 ca bệnh. Điều đáng nói, số người mắc bệnh vẫn đang tăng theo từng ngày. Chỉ riêng BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, sáng 9/8 đã có tới 500 bệnh nhân đến khám SXH. BV này phải đặt thêm giường bệnh tại hội trường. Tình trạng quá tải, nằm ghép cũng đang trở thành vấn đề nhức nhối tại nhiều BV do lượng bệnh nhân nhập viện quá đông.
Tương tự, tại TP.HCM, SXH vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Trong quần qua, TP ghi nhận 456 ca nhập viện, tăng 32% so với trung bình bốn tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, có hơn 16.500 ca, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều quận, huyện có số ca bệnh tăng cao và vượt mức báo động dịch như: Q.10, Q.11, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức…
Dịch bệnh vẫn ngoài vòng kiểm soát?
Trước thực tế báo động này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải công bố dịch tại hai trung tâm “đầu não” của cả nước nhằm thực hiện những biện pháp hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh. Giải đáp thắc mắc về vấn đề đang xôn xao dư luận này, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, việc công bố dịch nhằm hai mục đích. Thứ nhất là công khai dịch bệnh để người dân biết. Thứ hai, tăng cường huy động nguồn lực tham gia phòng chống dịch. Việc công bố dịch sẽ cân nhắc trên cơ sở tình hình chung để phòng chống dịch bệnh tốt, nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tương tự, theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hà Nội, việc công bố dịch không còn là vấn đề quan trọng, bởi Hà Nội đã làm rất tốt việc huy động nguồn lực tham gia - không chỉ kinh phí mà còn cả sự quyết liệt của chính quyền và cán bộ y tế.
Tuy nhiên, câu trả lời này từ lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hà Nội vẫn khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Hà Nội đã huy động tối đa các nguồn lực, như vậy, đâu là lý do khiến căn bệnh này vẫn chưa thể kiểm soát?
Năm 2015, Hà Nội cũng có tới 15.000 ca sốt xuất huyết nhưng không có người tử vong. Trong khi đó, tính tới thời điểm hiện tại, ngoài sáu ca tử vong như đã phản ánh, BV Nhiệt đới Trung ương cho biết thêm, tại BV này còn có 2 - 3 ca bệnh khác đang ở thể nặng và tiên lượng khó qua khỏi.
Tuấn Minh
TS-BS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng: Cần mời chuyên gia độc lập đánh giá dịch bệnh
Khi công bố dịch, lực lượng y tế sẽ đóng vai trò trụ cột, ra các quyết định, điều hành đối với cộng đồng. Họ được phép chủ động can thiệp, thực hiện các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh. Ví dụ, lực lượng y tế có thể vào kiểm tra các khu vực công trường xây dựng về tình trạng rác thải, đọng nước, vệ sinh môi trường… mà không cần thông báo.
Như vậy, việc công bố dịch không chỉ có tác dụng cảnh báo cao hơn trong cộng đồng mà lực lượng chức năng có thể có những biện pháp can thiệp “mạnh tay”, mang tính chất cưỡng chế khi cần thiết. Tuy nhiên, để quyết định công bố dịch hay không phải căn cứ vào các dữ liệu khoa học về tính chất dịch tễ học của bệnh, so sánh về chủng vi rút, các biện pháp xử lý chủ động tới đâu, kiểm soát tới đâu…
Trong điều kiện hiện nay, Hà Nội nên tổ chức họp, mời các chuyên gia độc lập tham gia với ý kiến, đánh giá khách quan về các hoạt động mà ngành y tế đang triển khai để cùng đối phó với dịch bệnh.
|
Không công bố dịch vì sợ trách nhiệm?
Sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh, lan rộng cả nước. Trước diễn biến phức tạp này, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các cấp, các ngành tập trung nguồn lực tham gia xử lý dịch bệnh. Vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm là tại sao ngành y tế vẫn né tránh, không công bố dịch SXH? Phải chăng vì sợ trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ?...
Tại các bệnh viện, người mắc bệnh hoặc nghi mắc SXH vẫn dồn về khá đông. Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế vẫn đưa ra nhận định SXH đang trong vòng kiểm soát.
Theo chúng tôi, ngành y tế sớm xem xét công bố dịch SXH, trước hết có thể công bố ở những tỉnh, thành có bệnh nhân tăng cao, nguy cơ dịch lan rộng, phức tạp. Điều này giúp cơ quan chức năng có cơ sở tập trung, tăng cường nguồn nhân lực để phòng chống bệnh hiệu quả, ngăn ngừa dịch có thể bùng phát mạnh. Việc công bố dịch sẽ góp phần nâng cao ý thức người dân, tích cực áp dụng các biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng.
Vĩnh Linh (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)
|