Số ca sốt xuất huyết tăng nhanh, thuốc đặc trị cạn dần

30/06/2022 - 06:27

PNO - Những ngày qua, bệnh sốt xuất huyết hoành hành ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM. Tại các bệnh viện tuyến cuối, số bệnh nhân nhập viện liên tục tăng trong khi thuốc điều trị đang cạn dần.

Bệnh nhân nhiều gấp đôi các năm

Trong sáu tháng đầu năm nay, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) tiếp nhận và điều trị hơn 4.000 trẻ mắc sốt xuất huyết (SXH), nhiều gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước. Trong đó, có 369 trẻ bị sốc SXH, 7 trẻ tử vong. Các bác sĩ cho biết, trong năm 2019, khi SXH lên đến đỉnh dịch, cũng chỉ có 20 ca sốc SXH mỗi tháng. Nhưng trong hai tháng 5 - 6/2022, số bị sốc SXH là 100 ca/tháng.

Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - ẢNH: PHẠM AN
Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: Phạm An

Theo tiến sĩ - bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, nếu SXH diễn biến nghiêm trọng, Khoa Hồi sức COVID-19 - Nhiễm của bệnh viện sẽ chia 120 giường điều trị, 30 giường hồi sức để phục vụ bệnh nhi SXH đồng thời sẽ điều động bác sĩ nội trú tăng cường, đề xuất Sở Y tế TPHCM hỗ trợ máy thở.

Trước tình trạng gia tăng số ca mắc SXH, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) cũng tăng số giường xếp cho khoa tiếp nhận, lập hệ thống lọc bệnh SXH từ ngoài phòng khám để đảm bảo có đủ giường cho bệnh nhi. Với những trẻ phục hồi tốt, hết bệnh, bệnh viện sẵn sàng cho xuất viện sớm. Bác sĩ của bệnh viện này cho biết, số trẻ mắc bệnh nền, béo phì bị SXH đang tăng nhanh, rất đáng lo ngại.

Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - cho biết, số bệnh nhân (là người lớn) đang điều trị tại đây tăng gấp bốn lần so với đầu năm. Bệnh viện được phân công điều trị bệnh truyền nhiễm với 550 giường, nhưng hiện đang phải điều trị cho 739 ca mắc SXH. Số bệnh nhân bị SXH nặng cũng tăng nhanh và đã có người tử vong. Trong sáu tháng qua, đã có 7 bệnh nhân mắc SXH nặng xin về, 3 ca tử vong. Bệnh viện đã trưng dụng nhiều khoa - kể cả Khoa Nhiễm D, vốn là nơi cách ly, điều trị bệnh COVID-19 - cùng tiếp nhận bệnh nhân SXH. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, tình trạng quá tải điều trị do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các bệnh viện tuyến dưới chuyển bệnh nhân đến quá đông. Vì vậy, bệnh viện kiến nghị Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM đề ra phương án giảm tải để bệnh viện tuyến cuối tập trung điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Ông cũng đề nghị các bệnh viện tuyến dưới chỉ chuyển viện khi bệnh nhân mắc SXH nặng, vượt quá năng lực điều trị.

Thiếu kinh phí, thiếu thuốc điều trị

Theo lãnh đạo các bệnh viện, hiện tại, nhân sự, thiết bị, thuốc điều trị SXH còn ít nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu điều trị, nhưng trong ba tháng tới, khi dịch SXH lên đến đỉnh điểm, số ca bệnh sẽ vượt khả năng đáp ứng của nguồn lực y tế.

Hiện tại, thuốc vận mạch Dopamin dùng trong hồi sức SXH của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang dần hết, bệnh viện phải dùng Adrenalin và thuốc kết hợp khác để thay thế. Bên cạnh đó, nguồn dung dịch cao phân tử Dextran 40, HES 200.000 dùng cho bệnh nhân sốc SXH trên thị trường thế giới đang ít dần. Bộ Y tế đã đồng ý cho các bệnh viện thay thế bằng dung dịch cao phân tử HES 130.000. 

Ngày 27/6, trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn về công tác phòng chống, điều trị SXH tại các bệnh viện ở TPHCM, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho rằng, cần phải xác định việc điều trị SXH là lâu dài, do đó không nên dùng thuốc thay thế tạm thời. Bên cạnh đó, dung dịch cao phân tử HES 130.000 chưa được bảo hiểm y tế thanh toán. Ông đề xuất Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm có quy định thanh toán bảo hiểm y tế đối với dịch truyền HES 130.000 để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân điều trị SXH nặng.

Theo lãnh đạo các bệnh viện, sau một thời gian phòng, chống dịch COVID-19, một số bác sĩ “quên bài” điều trị SXH, bác sĩ trẻ lại chưa có kinh nghiệm điều trị SXH. Do đó, bệnh viện tuyến trên cần mở lớp đào tạo, tập huấn cho các bác sĩ, bệnh viện. Tuy nhiên, kinh phí tổ chức tập huấn đang là vấn đề nan giải bởi phòng, chống SXH không còn là chương trình quốc gia.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, ngay từ tháng 4/2022, sở đã họp với các chuyên gia phòng, chống SXH của nhiều bệnh viện nhằm điều chỉnh phác đồ điều trị trong bối cảnh thiếu nguồn cung ứng thuốc. Tuy nhiên, do một số thuốc thay thế không nằm trong phác đồ chính thức của Bộ Y tế nên các bệnh viện gặp khó trong thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh.

Ông Vĩnh Châu thông tin thêm: “Sở Y tế cũng mời những cơ sở y tế có trường hợp tử vong do SXH họp phân tích, rút kinh nghiệm trong điều trị. Trong các trường hợp diễn tiến bệnh nặng, có nhóm trẻ em béo phì, phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai là nhóm chưa có hướng dẫn quốc gia về điều trị SXH. Vì vậy, sở đã giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM chủ trì, phối hợp với các bệnh viện phụ sản, các khoa hồi sức sơ sinh xây dựng chương trình điều trị, chăm sóc riêng cho nhóm này”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng - Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - từ đầu năm 2022 đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận hơn 56.000 ca mắc SXH Dengue, trong đó có 42 ca tử vong. Ông cho biết, chỉ số về muỗi, lăng quăng ở TPHCM cao hơn so với những năm trước đây. Nếu không có biện pháp y tế dự phòng tích cực thì số ca mắc SXH sẽ tiếp tục tăng, kéo theo số ca nặng và tử vong cũng tăng. Do đó, các hộ dân, các cơ sở y tế, xây dựng phải tích cực diệt muỗi, diệt ổ lăng quăng, không để nước tù đọng. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI