Số ca nhiễm tăng nhanh tại Trung Quốc dù vẫn chưa ghi nhận biến thể Omicron

01/12/2021 - 14:41

PNO - Ngày 1/12, Trung Quốc báo cáo 91 trường hợp nhiễm COVID-19 mới tại một thành phố biên giới ở Nội Mông.

Trong khi hầu hết các nước trên thế giới hiện đang tập trung vào thiệt hại tiềm tàng từ biến thể Omicron được xác định vào tuần trước ở miền nam châu Phi, Trung Quốc vẫn tận tâm với nhiệm vụ ngày càng khó khăn là ngăn chặn virus theo chính sách “zero COVID”.

Tất cả 91 trường hợp lây truyền cộng đồng có triệu chứng được báo cáo ở khu vực Nội Mông, phía bắc Trung Quốc.

Dữ liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia cho thấy Nội Mông đã báo cáo tổng cộng 132 ca nhiễm có triệu chứng tại địa phương trong khoảng thời gian từ ngày 28/11 đến ngày 30/11, hơn 70% trong số đó ở Mãn Châu Lý (Manzhouli), một thành phố nhỏ cạnh biên giới với Nga.

Mặc dù số ca nhiễm còn thấp so với nhiều đợt bùng phát bên ngoài Trung Quốc, Mãn Châu Lý đã nhanh chóng cấm người dân rời khỏi thành phố, tạm dừng một số hoạt động nhập khẩu không container bằng đường sắt và đóng cửa hàng loạt địa điểm công cộng, đảm bảo áp dụng cách tiếp cận không khoan nhượng với việc để bệnh lây lan.

Cụm lây nhiễm mới xuất hiện chỉ vài tuần sau khi Nội Mông ghi nhận đợt bùng phát biến chủng Delta lớn nhất Trung Quốc, từ giữa tháng Mười đến giữa tháng Mười Một.

Tính đến ngày 30/11, Trung Quốc đã xác nhận 98.824 ca nhiễm có triệu chứng, bao gồm cả trong nước và những người đến từ nước ngoài. Số người tử vong là 4.636 người.

Người dân xếp hàng bên ngoài một điểm tiêm chủng sau khi Bắc Kinh bắt đầu cung cấp các mũi tiêm nhắc vào tháng Mười
Người dân xếp hàng bên ngoài một điểm tiêm chủng sau khi Bắc Kinh bắt đầu cung cấp các mũi tiêm nhắc vào tháng Mười

Khi các quốc gia khôi phục các hạn chế biên giới, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng cách tiếp cận của họ là đúng đắn, gạt bỏ ý tưởng về những thay đổi mạnh mẽ để chống lại Omicron.

Cố vấn chính phủ Trung Nam Sơn - chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm - cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương rằng, Trung Quốc khó có hành động đáng kể nào khác cho đến khi có thêm kết quả xét nghiệm. Riêng Ủy ban Y tế Quốc gia tuyên bố rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đủ để ngăn ngừa Omicron.

Mặc dù 76% dân số của đất nước đã được tiêm phòng đầy đủ, Trung Quốc có vẫn giữ chiến lược “zero COVID”. Mark Williams - nhà kinh tế trưởng khu vực Đông Á tại tổ chức Capital Economics – nhận định: "Chính sách sẽ duy trì cho đến khi các quan chức tin tưởng hơn rằng việc lây nhiễm lan rộng sẽ không làm căng thẳng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe, hoặc dịch bệnh trở nên không thể kiểm soát được thông qua một biến thể dễ lây lan hơn".

Một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc công bố vào tuần trước rất ủng hộ việc không thay đổi chính sách. Báo cáo phát hiện ra rằng việc áp dụng chiến lược “sống chung với COVID” sẽ dẫn đến số ca nhiễm nghiêm trọng vượt quá đỉnh đầu năm 2020 trong vòng một đến hai ngày và có “tác động tàn khốc lên hệ thống y tế của Trung Quốc, gây ra một thảm họa lớn”.

Linh La (theo Bloomberg, Washington Post, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI