Số ca mắc cúm A tăng, giá thuốc và kit xét nghiệm “nhảy múa”

25/07/2022 - 06:20

PNO - Trong những ngày gần đây, kit xét nghiệm cúm A và thuốc Tamiflu trở thành mặt hàng “hot” được nhiều người tìm mua trước số ca đang ngày một tăng ở Hà Nội. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, nên ứng xử bình tĩnh với cúm A như nhiều căn bệnh viêm đường hô hấp trên khác.

Nóng giá thuốc 

Mặc dù trái mùa song tại Hà Nội, số ca mắc cúm A hiện đang tăng mạnh. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp mắc cúm. Nếu như từ tháng 1-4/2022, số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng thì từ tháng 5/2022, số mắc tăng cao. Đặc biệt trong tháng 6/2022 ghi nhận có đến 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với tháng Năm (556 ca). Trong hai tuần đầu tháng 7, riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đã tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm. 

Thuốc Tamiflu tại một số cửa hàng thuốc đã “cháy hàng” - ảnh: H.A.
Thuốc Tamiflu tại một số cửa hàng thuốc đã “cháy hàng” - Ảnh: H.A

Số ca cúm A tăng cao khiến nhiều gia đình, phụ huynh lo lắng. Trên thị trường, các giao dịch kit xét nghiệm, thuốc điều trị cúm Tamiflu cũng tăng cao. Trên các chợ thuốc online, hai mặt hàng này gần như “phủ sóng” trong những ngày gân đây. Vài tuần trước, một số chủ hàng vẫn cung cấp Tamiflu với mức giá 480.000 -500.000 đồng/hộp thì hiện tại, mức giá dao động từ 530.000-580.000 đồng/hộp. Thậm chí, nhiều nơi, một hộp Tamiflu được quảng cáo “hàng công ty” đã được bán với giá tới 650.000 đồng/hộp. 

Chủ một cửa hàng thuốc tại Q.Hà Đông, TP.Hà Nội cho biết, trước tháng 7, giá thuốc Tamiflu là 450.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, 2-3 tuần nay, giá thuốc bắt đầu “nhảy múa”. Hiện tại, thuốc tại cửa hàng này đã hết và chưa biết bao giờ có trở lại. Người bán hàng cũng cho hay, giá thuốc cao không phải do hãng cung cấp mà do tình trạng các mối buôn ôm hàng, tác động tới thị trường. 

Không chỉ thuốc Tamiflu, kit xét nghiệm cúm A cũng được rao bán nhan nhản trên các chợ thuốc online với giá từ 70.000-80.000 đồng/hộp. Chủ một hàng thuốc tại Xuân Đỉnh (Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) cho biết, mỗi ngày, cửa hàng này bán 40-60 kit test, thậm chí nhiều thời điểm hết hàng. Chị Lan Phượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, con gái bảy tuổi của chị sốt cao hai ngày và đáp ứng với thuốc hạ sốt kém. Chị phải đi tới cửa hàng thứ ba mới mua được kit test cúm A để làm xét nghiệm tại nhà.

Không nên tự ý dùng thuốc Tamiflu 

Diễn biến cúm A gia tăng không chỉ tại Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - cho rằng không thể xem đây là loại cúm mới hay cúm lạ. Việc số lượng lớn bệnh nhân cúm A được xác định xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng thấp do trẻ trong hơn hai năm qua ít mắc bệnh, nhiều gia đình cũng không tiêm ngừa vắc xin cúm. Thứ hai, trước đây kit test không được dùng đại trà như bây giờ nên có thể không “vạch mặt, chỉ tên” các ca mắc cúm A.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, không nên quá lo lắng về cúm A mà hãy ứng xử với căn bệnh này như khi trẻ sốt, viêm đường hô hấp trên thông thường: “Cha mẹ cần theo dõi, nếu trẻ tỉnh táo, bệnh có thể tự hết. Nếu ho nhiều, sốt cao thì phải đưa đi bác sĩ để thăm khám. Cúm A hay không cúm A không quan trọng, cuối cùng vẫn phải theo dõi sát diễn biến bệnh ở trẻ và tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ”.

Vị chuyên gia cũng chia sẻ, nhiều phụ huynh chụp hình thuốc Tamiflu và hỏi ý kiến ông có nên cho con uống hay không. Tuy nhiên, ông lưu ý, việc sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ bởi thuốc này thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng. “Thuốc Tamiflu không dùng đại trà vì đa số tự hết. Cần hết sức cẩn thận vì có tác dụng phụ”, bác sĩ Khanh khuyến cáo. Ông cũng cho rằng không nên lạm dụng mua kit test để kiểm tra tại nhà vì không cần thiết. 

Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) - cũng khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu cho trẻ sử dụng. Thuốc Tamiflu dùng để ức chế vi-rút nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của vi-rút ở đường hô hấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào dịch cúm A H1N1 năm 2009 cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ kể từ lúc có triệu chứng sốt thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng. Cách đây vài năm, tại một hội nghị cúm ở Singapore, một báo cáo cho biết, sau năm ngày dùng Tamiflu, vẫn có tới gần 60% số em bé có vi-rút cúm ở trong họng, sau mười ngày vẫn còn 30-40%. 

Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Thiện Hải lưu ý, vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm A là phải chú ý hạ sốt cho trẻ, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế người lớn tiếp xúc với em bé làm bé có bội nhiễm cao hơn. Bên cạnh đó, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng đề kháng ở trẻ. 

Huyền Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI