Số ca mắc COVID-19 tăng trở lại: Thành phố kêu gọi người dân không chủ quan

15/11/2021 - 07:15

PNO - Gần đây, số ca mắc COVID-19 ở TPHCM có xu hướng gia tăng, nhất là ở các quận ven, huyện ngoại thành.

Mỗi ngày, huyện Nhà Bè có hơn 100 bệnh nhân mới

Theo Bộ Y tế, trong ngày 13/11, cả nước có 8.467 ca mắc COVID-19 (F0) ở 57 tỉnh, thành và TPHCM vẫn là địa phương có nhiều ca nhất với 1.240 ca. Trong tuần qua, mỗi ngày, TPHCM có thêm bình quân 1.000 F0 mới và có từ 20-40 ca tử vong. Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Q.12 là những quận, huyện có F0 trong cộng đồng tăng đáng kể dù không gian thoáng đãng hơn so với khu vực trung tâm TPHCM. 

 

Dịch vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng nhiều người vẫn còn chủ quan, không mang khẩu trang, tụ tập đông người ẢNH: TAM NGUYÊN
Dịch vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng nhiều người vẫn còn chủ quan, không mang khẩu trang, tụ tập đông người - Ảnh: Tam Nguyên

Lý giải về tình trạng này, ông Võ Phan Lê Nguyễn - Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè - thông tin, từ ngày 5 - 9/11, toàn huyện có thêm 543 ca mắc COVID-19, tức mỗi ngày có thêm hơn 100 ca. Gần 50% số ca mắc mới xuất phát từ khu công nghiệp, khu chế xuất (250 ca). Khi đi khảo sát, cơ quan chức năng địa phương phát hiện một số doanh nghiệp (DN) chưa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

“Có DN khi xét nghiệm ra trường hợp dương tính thì không thông báo cho cơ quan y tế địa phương mà để công nhân tự xử lý. Có công nhân mắc COVID-19 chủ động ra trạm y tế khai báo nhưng cũng có công nhân lo sợ nên trở về nhà trọ. Nhà trọ thì chật hẹp nên lây lan dịch rất nhanh” - ông Võ Phan Lê Nguyễn nói. Cũng theo ông Lê Nguyễn, sau thời gian giãn cách xã hội, việc lưu thông cũng như tiếp xúc của người dân tăng lên nhưng không ít người chủ quan trong phòng, chống dịch. Một số người cho rằng đã tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 thì không lo mắc bệnh nữa nên lơ là phòng dịch. 

Trước thực tiễn dịch bệnh như trên, ngoài thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, cách ly, điều trị các ca mắc mới phù hợp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19  huyện Nhà Bè còn yêu cầu các chủ nhà trọ dành 50% công suất của nhà trọ để cách ly nếu phát hiện người thuê trọ dương tính với virus SARS-CoV-2, yêu cầu người lưu trú phải cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về lịch sử tiếp xúc. 

Ông Lê Nguyễn nói thêm: “Sau khi rà soát, chúng tôi huy động mọi nguồn lực chăm lo an sinh cho người dân, đặc biệt là các ca F0 đang được cách ly tại nhà, tiếp tục củng cố các trạm y tế xã, thị trấn. Ngày 9/11, chúng tôi đã làm việc với Ban Quản lý Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Long Hậu để có các giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch”.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Nhà Bè và Ban Quản lý Khu công nghiệp Hiệp Phước đã nhất trí thành lập khu cách ly trong khu công nghiệp, không để F0 quay về nhà trọ, cộng đồng; mở trạm y tế lưu động để kịp thời xử lý F0; ký kết quy chế chi tiết để phối hợp hành động khi phát hiện F0. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Nhà Bè và Ban Quản lý Khu công nghiệp Long Hậu cũng thiết lập đường dây nóng để nắm bắt thông tin khi phát sinh ca F0 để có sự chuẩn bị tiếp nhận, cách ly, điều trị. 

Tại huyện Hóc Môn, mỗi tuần, có thêm hơn 300 ca mắc COVID-19 mới; riêng ngày 10/11, có đến 633 ca mắc trong cộng đồng. Tính đến ngày 13/11, toàn huyện có hơn 6.600 F0 đang điều trị, cách ly tại nhà. Theo bà Lê Thụy Mỹ Châu - Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn - trước ngày 30/9, dịch COVID-19 ở huyện này về cơ bản đã được kiểm soát và UBND TPHCM đã công nhận Hóc Môn đạt sáu tiêu chí trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 có chiều hướng tăng. 

Theo bà Mỹ Châu, huyện Hóc Môn rộng nhưng dân đông, người trong họ hàng, bà con thường sống tập trung theo khu vực nên có sự thăm hỏi, tiếp xúc thường xuyên, rất dễ lây lan dịch. Việc phục hồi sản xuất cũng khiến lượng công nhân đổ về địa phương tăng trong khi việc quản lý của các chủ DN còn chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng công nhân bị dương tính với virus quay về cộng đồng. Các xã Xuân Thới Thượng, Bà Điểm ở gần khu công nghiệp, nhà trọ nhiều thì số ca nhiễm đang tăng lên.

“Nhân sự quá mỏng nên địa phương khó tổ chức ra quân đồng loạt để kiểm tra, nhắc nhở, xử lý người dân cũng như các hộ kinh doanh lơ là chống dịch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ca mắc mới bắt đầu tăng” - bà Mỹ Châu nhìn nhận.

Tái lập trạm y tế lưu động 

Để kiểm soát dịch, UBND huyện Hóc Môn xác định phải xây dựng bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường; duy trì hoạt động giao ban cấp huyện với cấp xã, thị trấn hằng ngày; ban hành lược đồ, quy trình chăm sóc, quản lý F0 tại cộng đồng; phối hợp với cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tăng cường khoanh vùng, xét nghiệm có trọng tâm để xử lý nhanh, dứt điểm các ổ dịch phát sinh. 

 

Nhân viên trạm y tế địa phương chuẩn bị đi thăm khám và phát thuốc cho F0 cách ly tại nhà - ảnh: Phạm An
Nhân viên trạm y tế địa phương chuẩn bị đi thăm khám và phát thuốc cho F0 cách ly tại nhà - Ảnh: Phạm An

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, HCDC đã thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch nhằm nắm bắt thông tin, tư vấn, lên kế hoạch giúp UBND 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức chủ động kiểm soát, ngăn chặn cũng như dập các ổ dịch, đẩy lùi COVID-19. Phó giám đốc điều hành HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết, ban đầu, đội đặc nhiệm có hơn 20 thành viên, chia thành tám đội để ứng phó nhanh nhất với dịch COVID-19, thời gian tới sẽ tăng cường thêm nhân sự.

Sở Y tế TPHCM cũng vừa kích hoạt lại đội phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động, mạng lưới thầy thuốc đồng hành nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các F0 đang cách ly, điều trị tại nhà, có phương án hỗ trợ các tỉnh, thành lân cận điều trị bệnh, kiểm soát dịch.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, tháng 10/2021 dịch COVID-19 dần được kiểm soát nhưng hiện đang có dấu hiệu căng hơn. Quan trọng là phải tổng kiểm tra, rà soát, tiêm vét cho những ai chưa tiêm và tiêm tăng cường vắc xin cho ba nhóm có nguy cơ cao là người lớn tuổi, bệnh nhân nằm liệt, người có bệnh nền.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng nói thêm, tính từ ngày 1/10 đến ngày 12/11, số F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng, các ca chuyển nặng cần nhập viện giảm và đang ở mức thấp. Ngoài ra, số trường hợp thở máy xâm lấn ở mức ổn định, các ca thở máy không xâm lấn và thở oxy giảm nhẹ.

Để sớm kiểm soát được dịch COVID-19, toàn dân phải chung sức, đồng lòng, phải chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhanh chóng liên hệ với địa phương để được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch dù đã được tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19. Khi mắc COVID-19, người dân nên báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hỗ trợ, hướng dẫn về quy định cách ly, góp phần làm giảm sự lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. 

Tính đến ngày 13/11, TPHCM đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 1 cho 99,82% và tiêm đủ 2 mũi cho 82,53% người trên 18 tuổi; đã tiêm đủ 2 mũi cho 96,35% người trên 65 tuổi và 96,69% người trên 50 tuổi; đã tiêm vắc xin mũi 1 cho 662.838 người từ 12-17 tuổi.

 Phạm An

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI