Số ca mắc COVID-19 tại TPHCM tăng nhẹ, xuất hiện biến thể phụ

14/04/2023 - 09:05

PNO - Kết quả giải trình tự gene ở các ca mắc COVID-19 mới, các chuyên gia đã phát hiện biến thể phụ XBB.1.5.

COVID-19 tăng nhẹ, theo dõi chặt chẽ biến thể phụ XBB.1.5

Hiện tại, dịch COVID-19 tại TPHCM đang được kiểm soát với 12 bệnh nhân nhập viện điều trị, không có ca bệnh nặng phải thở máy. Theo Sở Y tế TPHCM, tính từ đầu tháng 3/2023 đến nay số ca mắc COVID-19 mới trung bình dưới 3 ca/ngày. Đến ngày 12/4, TPHCM ghi nhận 3 ca mắc mới/ngày. 

Theo báo cáo của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tiến hành giải trình tự SARS-CoV-2 từ các F0 trong giai đoạn từ ngày 11/1 đến 20/3/2023, kết quả có 5 mẫu được giải mã thành công. Trong số này có 2 chủng thuộc biến thể phụ BA.5, 1 mẫu BA.2.75, 1 mẫu XBB.1 và 1 mẫu XBB.1.5.

Vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông tin biến thể XBB.1.5 hiện đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu với tỉ lệ 47,1% số trường hợp trong tháng 3/2023, được phát hiện ở 94 quốc gia. Theo các báo cáo, phân tích từ các chuyên gia trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng so với các biến thể đang lưu hành, cũng như sự gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong ở các khoa ICU do bất kỳ biến thể từ dòng XBB.

Mặc dù vậy, WHO vẫn xếp biến thể XBB.1.5 vào nhóm đáng quan tâm, khuyến cáo các quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ cùng 7 biến thể khác bao gồm BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBF, XBB, XBB.1.16 và XBB.1.9.1. 

“Như vậy, hiện nay chưa xuất hiện biến thể thuộc nhóm biến thể đáng lo ngại hoặc biến thể gây hậu quả nghiêm trọng”, Sở Y tế TPHCM nêu rõ.

Người dân nên tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để phòng ngừa COVID-19
Người dân nên tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để phòng ngừa COVID-19

Các bệnh viện tại TPHCM chưa ghi nhận bất thường

Các bệnh viện tại TPHCM như Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, Bệnh viện Chợ Rẫy… chưa có bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, liên tục nhiều tháng không có trẻ bị mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị, riêng ngày 12/4 vừa qua có một bé (7 tháng tuổi, ở TPHCM) dương tính với SARS-CoV-2. Khai thác bệnh sử, được biết em bé bị lây bệnh từ người chăm sóc trong gia đình.

“Do bé có bệnh nền teo ống mật đã phẫu thuật, và đang mắc COVID-19 nên bé phải nhập viện để được theo dõi tốt hơn. Hiện sức khỏe của bé đang ổn định”, bác sĩ Việt nói.

Mặc dù dịch COVID-19 tại phía Nam vẫn chưa có chuyển biến xấu, tuy nhiên các bác sĩ cũng cảnh báo người dân không nên chủ quan, hãy giữ thói quen đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên và không tụ tập nơi đông người. 

Đặc biệt, trong gia đình có người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em,… phải thận trọng. Người thường xuyên ra ngoài cần thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, vệ sinh sạch sẽ, đề cao cảnh giác tránh trở thành nguồn lây cho gia đình.

Theo phó giáo sư, bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, dù số ca COVID-19 đang tăng trở lại nhưng không đáng lo bởi số lượng bệnh nhân nằm trong dao động bình thường, giống với các quốc gia khác. Thêm phần, ở các ca mắc mới không phải do nhiễm biến chủng vi rút mới, mà có thể người dân đã “quá quen” với bệnh này nên không ngừa bệnh nghiêm ngặt.

Ngoài ra, bác sĩ Dũng cho rằng nếu mọi người đã tiêm ngừa đầy đủ vắc xin COVID-19 thì vẫn đủ miễn dịch, vì vậy không nên quá lo ngại, kể cả trẻ em đang đi học ở trường.

Hiện nay, các quốc gia chỉ khuyến cáo người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh nền cần tiêm ngừa vắc xin COVID-19 nhắc lại để tăng cường miễn dịch, riêng các đối tượng khác, nếu đã tiêm vắc xin đầy đủ thì không khuyến cáo tiêm nhắc lại.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI