Số ca COVID-19 tăng nhanh nhưng không nên hoang mang

18/05/2021 - 06:03

PNO - Đó là khẳng định của các chuyên gia dịch tễ trong bối cảnh số ca mắc tại Việt Nam liên tục tăng mạnh trong vài ngày gần đây.

Số ca mắc kỷ lục nhưng vẫn trong tầm kiểm soát 

Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng “chóng mặt” trên cả nước. Ngày 15/5, theo thống kê của Bộ Y tế, đã ghi nhận đến 165 bệnh nhân trong nước, đây là số ca mắc kỷ lục trong ngày kể từ lần đầu tiên dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. Sáng 16/5, số ca COVID-19 vẫn tiếp tục tăng, ghi nhận thêm tới 127 trường hợp. Thậm chí, các chuyên gia dự báo, con số này chưa dừng lại trong một vài ngày tới. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, dù số ca mắc cao nhưng COVID-19 ở Việt Nam vẫn đang được kiểm soát. “Số ca bệnh ghi nhận trong những ngày qua đều là các trường hợp F1, đã được khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu từ những ngày trước đó, nên khả năng lây ra cộng đồng thấp. Do Việt Nam truy vết thần tốc, số F1 đông, nhưng năng lực xét nghiệm của địa phương có dịch chưa theo kịp dẫn đến công bố kết quả xét nghiệm chậm”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lý giải. Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, trong sáng 16/5, trong số 127 trường hợp mắc, có 29 ca trong khu cách ly và 98 ca trong khu vực được phong tỏa và không phát sinh ổ dịch mới. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, dù số ca mắc cao nhưng COVID-19 ở Việt Nam vẫn đang được kiểm soát
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, dù số ca mắc cao nhưng COVID-19 ở Việt Nam vẫn đang được kiểm soát

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cũng phân tích thêm, số ca mắc đang tăng mạnh ở khu vực miền Bắc, song các ổ dịch ở đây đều đã xác định được nguồn lây, ví dụ như liên quan tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, người về từ Đà Nẵng… Do đó, người dân không nên hoang mang, lo lắng về tình hình dịch hiện nay. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, không vì thế mà mọi người có tâm lý chủ quan, cần nâng cao cảnh giác, nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. 

Lý giải về việc các F1 phát hiện dương tính trong khu cách ly tập trung khó có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, dù trước đó, từ thời điểm tiếp xúc với F0, họ vẫn đi làm hoặc giao tiếp với nhiều người, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho hay: “Khi virus xâm nhập cơ thể, phải có thời gian nhân lên trong tế bào. Thời gian ủ bệnh trung bình từ ngày thứ hai - ngày 14. Thời gian ủ bệnh tùy theo từng người, sự cảm nhiễm của cơ thể, do chủng virus… Khả năng khởi bệnh khác nhau. Trong giai đoạn ủ bệnh, virus nhân lên trong tế bào âm thầm, chưa đủ giải phóng ra ở dịch mũi họng, như vậy chưa có khả năng “gây hại” cho người khác. Nói cách khác, người tiếp xúc với các F1 trước thời điểm họ được xét nghiệm và cho kết quả âm tính khó có khả năng mắc COVID-19”. 

Dồn lực kiểm soát dịch tại điểm nóng Bắc Giang

Một trong những điểm nóng hiện nay của cả nước là tỉnh Bắc Giang với số ca nhiễm liên tục ghi nhận ở mức cao. Trong sáng 16/5, địa phương này có 98 ca mắc mới, liên quan đến ổ dịch Công ty Hosiden và khu công nghiệp Quang Châu. Các chuyên gia nhận định, tại những khu vực này, do vấn đề giãn cách, vệ sinh môi trường lao động, quá trình đưa đón công nhân có đoạn đường di chuyển dài, môi trường kín khiến dịch lây lan và diễn biến phức tạp. 

Các ổ dịch COVID-19 tại Việt Nam đều đã được kiểm soát
Các ổ dịch COVID-19 đều xác định được nguồn lây

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, dù đã vào cuộc tích cực, song tỉnh Bắc Giang chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch. Do đó, Bộ Y tế đã cử chuyên gia đầu ngành xuống địa phương truy vết, rà soát kỹ đối tượng có nguy cơ, đặc biệt là các trường hợp F1, F2; lập danh sách tất cả công nhân của nhà máy, đang cư trú tại địa phương để các địa phương quản; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc theo quy định, rà soát chống dịch tại các cơ quan phòng, chống dịch… Trong hai ngày qua, ngoài các đoàn làm việc của Bộ Y tế, các địa phương cũng đang dốc sức giúp cho tỉnh Bắc Giang chống dịch. 

Chiều 16/5, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội sẽ cử đoàn công tác hỗ trợ tỉnh Bắc Giang. Đoàn gồm 16 chuyên gia y tế do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn, lên đường ngay trong chiều 16/5 đến khu công nghiệp Vân Trung - quy mô gần 100.000 công nhân nhằm hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch COVID-19.

Đoàn chuyên gia của Hà Nội sẽ tham gia bảo đảm vệ sinh môi trường, khử khuẩn toàn bộ khu công nghiệp, tổ chức lấy mẫu và xét nghiệm tại chỗ… Cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng hỗ trợ xét nghiệm hơn 10.000 mẫu RT-PCR cho tỉnh Bắc Giang. Với kinh nghiệm chống dịch tại địa phương, một đoàn chuyên gia của tỉnh Hải Dương cũng sẽ có mặt tại tỉnh Bắc Giang vào ngày 17/5. Trước đó, 200 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển đã lên đường đến Bắc Giang để chi viện.

Tại buổi làm việc ngày 16/5 của Bộ Y tế với tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo bộ này yêu cầu ngành y tế tỉnh Bắc Giang phải có kế hoạch chi tiết về xét nghiệm, giao một đầu mối điều phối và tổng hợp công tác xét nghiệm. Tại khu cách ly, để phòng chống lây nhiễm chéo, cần lắp đặt hệ thống camera hành lang để kiểm soát việc giao lưu, với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia từ Trung ương.

Các bệnh viện của tỉnh cũng phải đảm bảo nguyên tắc không “rải mành mành” bệnh nhân COVID-19 ra nhiều bệnh viện, không điều trị xen lẫn nhau để phòng lây nhiễm sang bệnh nhân thường. Tỉnh Bắc Giang cũng đang lên kế hoạch bố trí thêm tám khu cách ly tập trung và thiết lập thêm bệnh viện dã chiến tại Nhà thi đấu Bắc Giang với công suất 700-800 giường để chủ động ứng phó với kịch bản số ca mắc tăng cao.

Với việc chuyển từ thế bị động sang chủ động chống COVID-19, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, cộng với việc đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tin tưởng: “Trong vài ba ngày tới, tình hình dịch tại tỉnh Bắc Giang có thể kiểm soát được”. 

Sẽ có đường dây nóng để người dân khai báo y tế

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, dịch lây lan nhanh ở Bắc Giang là do đặc thù khu công nghiệp đông người, làm việc trong môi trường kín và biến chủng vi-rút lây lan rất nhanh. Đến nay, dù đã cơ bản kiểm soát được ổ dịch nhưng chưa thể chủ quan. Tỉnh Bắc Giang cần tập trung cao độ công tác phòng chống dịch, tinh thần là kiểm soát cho bằng được, các ổ dịch. 

Phó thủ tướng cũng lưu ý, việc áp dụng biện pháp giãn cách, cách ly xã hội giúp làm chậm lại và tiến tới cắt đứt nguồn lây. Tuy nhiên, các địa phương không thể giãn cách xã hội liên tục, đây chỉ là giải pháp tạm thời và hoàn toàn có thể lặp lại nếu không nghiêm túc thực hiện các biện pháp 5K để phòng dịch. Phó thủ tướng chỉ ra, hiện nay có một số nơi quản lý không chặt vùng phong tỏa, do đó cần chấn chỉnh. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã phân công từng thành viên theo dõi các địa bàn để giám sát việc thực hiện.  

Liên quan việc khai báo y tế, Phó thủ tướng cho rằng, việc khai báo trên thiết bị di động khiến nhiều người dân không quen, do đó, vô tình có những người vi phạm vì không khai báo y tế. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập đường dây nóng miễn phí cho người dân khai báo y tế. Cụ thể, dành một số điện thoại miễn phí và tổ chức mạng lưới tình nguyện viên để tiếp nhận thông tin từ người dân.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 giao Bộ Y tế khẩn trương ban hành tiêu chí đánh giá các nơi có nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao đối với các địa bàn và quy định các đối tượng phải khai báo y tế bắt buộc, phù hợp tình hình chống dịch.

Minh Quang

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI