Số ca chết não hiến mô tạng đạt mức kỷ lục

11/10/2024 - 13:41

PNO - Trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có 25 ca chết não hiến mô tạng, trong khi đó chỉ có 14 ca ghi nhận năm 2023.

Ghép đồng thời tim và gan cho người bệnh từ nguồn hiến chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - ảnh BVCC
Ghép đồng thời tim và gan cho người bệnh từ nguồn hiến chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - ảnh BVCC

Sáng 11/10, tại Hội thảo khoa học về hiến tặng mô, tạng Việt Nam, PGS TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia - cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có 25 ca chết não hiến mô tạng. Đây là con số kỷ lục ghi nhận trong thời gian qua. Năm 2023, con số này chỉ có 14 ca.

“Đây cũng được coi là số kỷ lục của Việt Nam, vì trước đây, tỉ lệ tạng hiến từ người chết não khoảng 5-6%, nhưng năm 2024 đã tăng lên 10,49%”, PGS TS Đồng Văn Hệ nói.

Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng. Năm 2023, 1.000 người tại Việt Nam được ghép tạng, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, số người được ghép này chủ yếu lấy từ nguồn tạng của người hiến còn sống, còn nguồn tạng lấy từ người chết não chỉ có 12 người.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, để hệ thống hiến mô tạng ngày càng phát triển bền vững, nền tảng quan trọng là phải thực hiện tốt công tác vận động hiến mô, tạng. Việc thuyết phục người dân không chỉ ủng hộ bằng lời nói, mà còn qua hành động đăng ký hiến mô, tạng. Ông hy vọng, truyền thông cùng những thay đổi về luật pháp sẽ tiếp tục làm tốt công tác này, để có thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ kỹ thuật ghép mô, tạng.

Theo PGS TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam - thực tế người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, đứng thứ 3 từ dưới lên.

Trong khi đó, các quy định pháp luật hiện hành còn đang tạo ra nhiều rào cản, khó khăn. Cụ thể như các quy định về hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng, chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép.

Bên cạnh đó, nguồn chi trả từ bảo hiểm y tế cho ghép tạng tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 40% tổng chi phí, từ đó tạo gánh nặng cho người dân.

Trong thời gian từ ngày 7 - 12/10, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, phối hợp với Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam; Hội Ghép tạng Việt Nam và Học viện Quân y lần đầu tiên tổ chức “Tuần lễ hiến ghép mô tạng Việt Nam 2024”. Tuần lễ bao gồm các khoá đào tạo về hiến và ghép tạng (CME); Tổ chức hội nghị quốc tế về hiến mô tạng lần thứ 2; Tổ chức hội nghị ghép tạng lần thứ 9..

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI