Sợ bị con bỏ rơi

19/06/2024 - 10:00

PNO - Trong hoàn cảnh của chị, anh nhà đã mất, nếu các con khôn lớn bay nhảy hết, chiếc tổ ấm ngày xưa chỉ còn lại một mình chị, nỗi buồn, sự trống vắng là điều không tránh khỏi.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi có 2 con gái và con trai út. Cả 3 đều được nuôi ăn học tới nơi tới chốn, ra trường đi làm công việc đàng hoàng. 2 con gái tôi lấy chồng, sống riêng, tôi hiểu và cũng mừng cho các con. Nhưng con trai út sắp cưới vợ cũng định sẽ sống riêng, tôi cảm thấy buồn quá.

Tuần trước, con nói với tôi quyết định này. Tôi nói không được, con là con trai duy nhất, bàn thờ ba đang để ở nhà này, con ở nơi khác lấy ai hương khói. Suốt mấy tháng nay, 2 nhà gặp gỡ lo chuyện đám cưới, tôi vẫn nghĩ cưới xong vợ chồng con trai sẽ ở với tôi.

Chồng tôi mất cách đây 4 năm, nhà rộng, nhiều tầng, các con có ở cũng không đến nỗi phải chật hẹp chung đụng. Vậy mà nay con nói cưới xong sẽ đi thuê nhà ở, tôi nghĩ đó là áp lực từ phía vợ sắp cưới của con, chứ con trai tôi bao lâu nay gần gũi với mẹ, chắc không có ý nghĩ đó.

Cảnh nhà 1 mẹ 1 con. 2 con gái cũng bận rộn cuộc sống riêng, nhiều khi cả tháng mới về 1 lần. Nay con trai út đòi ra riêng, tôi thấy mình như bị bỏ rơi, cô độc.

Tính tôi ít giao du, cũng không có nhiều bạn bè, chỉ tập trung lo cho gia đình, con cái, dọn dẹp nhà cửa. Nhiều bữa lau hết nhà trên nhà dưới, nhà sạch tinh tươm mà không có một bóng người, chỉ một mình đi vô đi ra, tôi thấy việc dọn dẹp của mình thật vô nghĩa. Cơm nước nấu nướng rồi cũng ngồi chờ, có con về mới vui, chứ mình tôi thì ăn uống bao nhiêu mà bày vẽ.

Tôi có nên gọi con dâu tương lai về nói chuyện, để con thay đổi suy nghĩ, cưới xong về nhà sống chung? Tôi không phải kiểu người khó khăn, nhưng cũng ngại nếu mình mở lời trước, mình sẽ mất cái thế của mình. Con trai mấy nay cũng im lặng không nói chuyện này, ngày đám cưới gần tới mà lòng tôi rối quá.

Thu Hạnh (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Thu Hạnh mến,

Hội chứng “cái tổ trống” thường ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ. Trong hoàn cảnh của chị, anh nhà đã mất, nếu các con khôn lớn bay nhảy hết, chiếc tổ ấm ngày xưa chỉ còn lại một mình chị, nỗi buồn, sự trống vắng là điều không tránh khỏi.

Nhưng thay đổi này là tất yếu. Giai đoạn này cũng là một trong những quy luật của cuộc sống, mình không thể cưỡng lại được. Có nhiều cách để giảm bớt tác động tiêu cực của nó, miễn ta đừng quá định kiến.

Chị cứ thoải mái, mạnh dạn mở lời nói chuyện với cả hai con. Hãy lắng nghe các con nói về kế hoạch cuộc sống sau đám cưới. Khi thực sự lắng nghe, chị sẽ thấy các con cũng có những lý do nhất định để chọn sống riêng chứ không phải chỉ vì chị, vì chuyện “làm dâu”, chuyện “sợ mẹ chồng”.

Chị hãy bày tỏ mong muốn của mình, đồng thời cũng tôn trọng ý kiến của con. Mình có thể bàn với các con: mẹ hiểu và mong muốn 2 con có cuộc sống tự do, ngọt ngào sau đám cưới. Lúc này, mẹ cũng đang còn khỏe, các con cứ sống riêng; nhưng nếu các con muốn trở về nhà, các con cũng sẽ có không gian riêng của mình…

Khi các bạn trẻ được trao đổi một cách rõ ràng, cởi mở, họ mới có thể thoải mái cân nhắc, quyết định.vChị đừng buộc các con phải thay đổi ngay lập tức và nhất là đừng ra điều kiện kiểu “nếu không thì…”. Các con chị có thể ở riêng một thời gian ngắn sau đám cưới, sau đó sẽ có thể chọn về với mẹ. Biết đâu chị sẽ sớm có cháu nội.

Trong thời gian “ở nhà một mình”, chị có thể sắp xếp lại cuộc sống. Mình đã bước sang một giai đoạn mới, chị bớt thời gian dọn dẹp nấu nướng, dành thời gian tập thể dục, tham gia hoạt động chung của cộng đồng, đi du lịch, thăm các con…

Nói chung, cả hai phía đều cần có những điều chỉnh nhất định. Có thể coi đám cưới của con trai út là một cột mốc, chị sẽ thấy mình cần thay đổi, cho chính mình và cho cả các con nữa. Chúc chị bình an, vui sống cùng với những thay đổi tích cực của đời mình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI