Phóng viên: Khi chuyển từ ban thành sở, công tác quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP) chắc hẳn sẽ thuận lợi hơn, thưa bà?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Thực tiễn cho thấy, công tác quản lý ATTP đòi hỏi phải có sự đầu tư. Chúng ta đã có hơn 6 năm thí điểm hoạt động Ban Quản lý ATTP TPHCM nhưng rõ ràng mô hình thí điểm “không có trong luật” gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý, đặc biệt là trong việc xử phạt. Với việc thành lập sở, mọi thứ từ tên gọi, bộ máy cho đến chức năng, nhiệm vụ đều được chính thức hóa, vận hành như các sở chuyên môn khác, chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND thành phố và triển khai pháp luật về đảm bảo ATTP.
* Xin bà cho biết, trước mắt, sở sẽ ưu tiên những hoạt động gì?
- Trước mắt, chúng tôi không để xảy ra “khoảng trống” về mặt quản lý khi chuyển giao các quy trình, thủ tục. Đã có gần 6 tháng tính từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 cho phép HĐND TPHCM thành lập Sở ATTP. Chúng tôi đã rất lo âu về khoảng trống quyền lực khi việc thành lập sở còn chưa ngã ngũ mà ban quản lý lại chấm dứt hoạt động nên đã ưu tiên chuẩn bị tất cả, từ con người cho tới phương tiện, kế hoạch, để phân công làm việc xuyên suốt. Nghĩa là nếu có sự thay đổi nào thì công tác kiểm tra, thanh tra vẫn được duy trì xuyên suốt.
* Sở ATTP TPHCM là sở đầu tiên của cả nước chuyên trách về ATTP. Bà tiên liệu thế nào về những áp lực, thách thức?
- Thách thức rất nhiều. Từ ban chuyển thành sở thì vai trò đã được nâng lên mức độ cao hơn nên đòi hỏi cũng nhiều hơn, đặc biệt từ phía cộng đồng xã hội. Có thể cùng một công việc, một mức độ hoàn thành nhưng nếu là ban thì dễ được thông cảm hơn vì dù sao ban cũng chỉ là đơn vị thí điểm, còn khi đã là sở thì hoạt động phải chuyên nghiệp hơn, hiệu quả phải cao hơn. Khi được chuyển thành sở, các vấn đề pháp lý rõ ràng hơn, chính thức hơn, nhưng phương tiện, biên chế vẫn giữ nguyên, trong khi thị trường lại luôn biến động, những vụ việc vi phạm xảy ra phức tạp hơn. Đấy chính là những thách thức mà chúng tôi đang đối mặt.
* Bà từng cho rằng hình thức thanh tra theo kế hoạch có nhiều hạn chế. Vậy sắp tới, sở sẽ có gì đột phá không, thưa bà?
- Việc thanh tra phải tuân thủ Luật Thanh tra. Tôi đã từng đóng góp ý kiến ở nghị trường Quốc hội khi xây dựng luật này. Đôi khi chúng ta xây dựng các quy định chỉ để đề phòng sự tiêu cực của thanh tra nhưng lại quên mất cái cần đầu tiên là làm sao đạt hiệu quả công tác, kịp thời phát hiện, xử lý và răn đe các vi phạm, còn vấn đề tiêu cực của thanh tra là chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta có thể giải quyết điều đó bằng cách đãi ngộ tương xứng, luân chuyển và giám sát.
|
Việc nâng cấp từ Ban lên Sở An toàn thực phẩm được kỳ vọng sẽ đảm bảo tốt hơn vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe cho người dân TPHCM |
Tôi vẫn cho rằng, việc thanh tra theo kế hoạch rất hình thức. Nhưng thanh tra đột xuất cũng có những khó khăn riêng, như phải giải trình lý do, chứng cứ và chỉ được thanh tra chỗ nào được cấp phép thôi.
Trở lại vấn đề của sở sắp tới, tôi nghĩ vấn đề nằm ở ý thức của người đứng đầu. Công việc vẫn được tiến hành bài bản.
Bên cạnh thanh tra theo kế hoạch, chúng tôi vẫn hết sức chú trọng thanh tra đột xuất, đặc biệt là thanh tra theo tin báo của người dân và phản ánh của báo chí. Tuy nhiên, đa số các tin báo thường nặc danh. Nếu nặc danh nhưng có địa chỉ vi phạm rõ ràng, chúng tôi vẫn âm thầm xác minh, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm thì sẽ kiểm tra và xử lý. Số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận tin báo vẫn được giữ nguyên là 028.39301714.
* Với việc thành lập sở, trong cương vị mới, bà còn trăn trở gì về vấn đề đảm bảo ATTP?
- Quan điểm của tôi là lên sở cũng làm, không lên sở vẫn làm. Sở hay ban thì cũng phải làm đúng luật định. Sở ATTP là sở chuyên trách về ATTP. Thời gian qua, ban đã phối hợp với các sở, ngành phòng, chống ngộ độc hiệu quả tại các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học… Nhưng đó chỉ là ngộ độc cấp tính. Điều tôi lo lắng hơn là ngộ độc trường diễn, tức là những chất độc hại, tích tụ được ăn vào cơ thể, sau nhiều năm mới phát tác. Mình phải thấy trách nhiệm của mình ngay từ lúc này.
Hiện đã có nhiều tiến bộ trong quản lý hóa chất, trong đó có phụ gia thực phẩm. Mặt hàng này trong siêu thị lẫn chợ đều phải có nhãn mác, được kiểm nghiệm thường xuyên. Nhưng việc quản lý hóa chất công nghiệp vẫn chưa triệt để. Chúng tôi chỉ quản phụ gia thực phẩm, còn hóa chất và các phụ gia thay cho phụ gia thực phẩm nằm ngoài tầm quản lý. Mà tôi thấy không đâu được buôn bán hóa chất tự do như ở xứ mình, có tiền là mua được. Hiện ngành công thương vẫn còn “nợ” UBND TPHCM đề án về trung tâm hương liệu hóa chất, chưa có chuyển động gì. Quy hoạch này rất cần thiết để buộc thương nhân vào đó hoạt động với giấy tờ, hóa đơn đầy đủ, nhằm kiểm soát hóa chất chặt chẽ hơn.
* Xin cảm ơn bà.
Quan trọng là thẩm quyền xử phạt Phóng viên: Bà có cho rằng sở cần không gian pháp lý, chính sách phù hợp hơn với tính chất công việc phức tạp của nó? Bà Phạm Khánh Phong Lan: Mọi người thường nói luật đang thiếu thứ này, thứ kia nhưng theo tôi, chỉ cần các ngành, các cấp thực hiện đúng những cái đã có trong luật là mừng lắm rồi. Hiện nay, ngoài phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND, HĐND TPHCM về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến điều cực kỳ quan trọng là quyền thanh tra. Quản lý nhà nước luôn phải cân xứng giữa hoạt động tham mưu về chính sách với việc kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Lúc mới thành lập, Ban Quản lý ATTP đã tập hợp được lực lượng từ 3 ngành gồm y tế, nông nghiệp, công thương để tạo ra hệ thống quản lý thực phẩm đến tận tuyến quận huyện, phường xã và các chợ đầu mối. 10 đội quản lý ATTP vừa là thanh tra của ban, vừa gắn kết với địa phương để nắm bắt tình hình, giải quyết sự vụ. Nhưng ban vẫn chịu nhiều hạn chế, như khi đi thanh kiểm tra, anh em trong ban không được công nhận là thanh tra viên và thanh tra của ban chỉ có thể hoạt động khi có quyết định thành lập đoàn của trưởng ban; ban đi thanh tra nhưng phải chuyển biên bản cho UBND cấp quận ra quyết định xử phạt… Do đó, sắp tới, công tác thanh tra sẽ thuận lợi hơn và tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động này. Quan trọng là thẩm quyền xử phạt chứ không phải là chức danh chánh thanh tra hay thanh tra viên. Do thực chất công việc, chúng tôi sẽ giữ 10 đội quản lý ATTP trực thuộc Phòng Thanh tra của sở. Lực lượng này được đào tạo bài bản về chuyên môn ATTP, do sở quản lý nhưng lại được bố trí ở các quận huyện và cũng là thành viên của ban chỉ đạo liên ngành ATTP địa phương. 10 đội này không chỉ làm công tác thanh tra mà còn đại diện cho sở ở địa phương, hỗ trợ cho cấp quận khi cần, đồng thời chịu trách nhiệm về bất kỳ vấn đề gì liên quan đến ATTP ở địa phương. Ví dụ, nếu xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, các đội sẽ phối hợp phòng y tế cấp quận xử lý công việc, lấy mẫu kiểm nghiệm. Hiện biên chế của các đội vẫn chưa được như mong muốn; nếu nhân sự đông hơn, sẽ tốt hơn. Trước mắt, chúng tôi cân đối nhân sự 10 đội bằng cách giảm tối đa số lượng phòng chuyên môn. Khi thành lập Ban Quản lý ATTP, chúng tôi được giao 488 biên chế từ 3 sở, ngành nhưng hiện chỉ có 369 người. Chúng tôi không đề nghị tăng mà chỉ mong giữ mức biên chế như lúc trước. |
Quốc Ngọc (thực hiện)