Số 12 cho cuộc giải cứu đầy bi đát

14/06/2017 - 14:16

PNO - Những công cuộc giải cứu dưa hấu, trứng, ớt, thịt heo, bí đỏ diễn ra theo kiểu liên tiếp gối đầu cho thấy chúng ta cần những biện pháp căn cơ cho nền kinh tế nông nghiệp đang chờ giải cứu đầy bi đát.

Mới đây, Nghị quyết số 12-NQ/TW khẳng định cần phát huy mạnh vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng tại VN. Động thái này như một nỗ lực nữa của chính phủ, bên cạnh các chính sách tháo gỡ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. 

Những công cuộc giải cứu dưa hấu, trứng, ớt, thịt heo, bí đỏ diễn ra theo kiểu liên tiếp gối đầu cho thấy chúng ta cần những biện pháp căn cơ cho nền kinh tế nông nghiệp đang chờ giải cứu đầy bi đát. Liệu nghị quyết số 12-NQ/TW có đủ sức mạnh đi vào đời sống để người dân hân hoan thở phào chứ không phải thở dài?  

So 12 cho cuoc giai cuu day bi dat
Đoàn viên thanh niên mở điểm giải cứu dưa hấu.

Trên thực tế, từ lâu Chính phủ đã định hướng và chúng ta cũng đã có các DNNN ít nhiều được mặc định là những chủ chuỗi cung ứng lớn trên thị trường. TP.HCM có Satra, Saigon Co.op, Vissan… là những tên tuổi đáng kể trong vai trò nỗ lực gánh vác trách nhiệm này. Song nhìn kỹ vào các DN đó, chúng ta thấy vai trò của họ còn rất mờ nhạt, chưa đủ sức để tạo ra sự bình ổn trong những thời điểm thị trường có biến động mạnh.

Hầu hết, các công ty này chỉ lo kinh doanh chứ vẫn chưa tạo ra những chuỗi sản xuất và cung ứng hiệu quả cho thị trường. Họ chưa gánh vác vai trò xông pha, làm đầu tàu để quyết liệt lo trọn gói từ đầu tư, cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu. Trong khi đó nhiều năm qua, chính các DNNN đã được ưu đãi rất nhiều trong chính sách, nguồn vốn, đất đai và tài sản… 

Rõ ràng, để chấm dứt thảm cảnh hàng triệu nông dân phải loay hoay với tất cả những công đoạn và chuỗi sản xuất đơn lẻ khiến khủng hoảng thừa hay thiếu dễ dàng xảy ra; tiến tới hình thành mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng hiệu quả thì chúng ta phải có được những công ty, tập đoàn cỡ lớn. Và đó không chỉ là DN trong ngành nông nghiệp mà còn có DN từ nhiều ngành khác.

Tất cả cùng hợp tác nhằm có những hoạch định chiến lược lâu bền, quyết định trọn gói vòng đời của sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Đây là cả một công cuộc vận hành từ ý tưởng kinh doanh, đến nguồn đầu tư tài chính, giống cây trồng, vật tư… để cuối cùng chúng ta có sản phẩm đủ tiêu chuẩn bán cho thị trường trong nước và tham gia các thị trường lớn hơn, xuất khẩu ra nước ngoài.

So 12 cho cuoc giai cuu day bi dat
Thời gian gần đây, nhiều đơn vụi phát động chiến dịch "giải cứu lợn" để giúp người chăn nuôi.

Những DN đó cần được cạnh tranh trong việc tìm nguyên liệu tốt, giá thành phù hợp nhằm cung ứng tận tay khách hàng. Mấu chốt của việc tạo ra các DN đầu tàu này, trong thời điểm hiện nay, không đơn giản chỉ là thêm ưu đãi, mà trên hết chính là phải có tầm “nhìn xa, trông rộng”, nắm chắc công nghệ hiện đại và có quan hệ kinh doanh lâu bền với các đối tác trong nước, đặc biệt là đối tác quốc tế.

Vậy chúng ta có nên trao toàn bộ trách nhiệm mở đường này vào tay các DNNN, đối tượng đang nắm giữ tài sản, “nhận các ưu đãi khổng lồ mà chưa thật sự khỏe khoắn” hay không khi khu vực kinh tế tư nhân và các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang sở hữu những ưu thế này rất mạnh?

Vì vậy, các nhà quản lý cần cân nhắc về một giải pháp thông minh, tôn trọng sức mạnh cạnh tranh tự thân của các DN, đồng thời gắn chặt với các hoạch định chiến lược cơ bản từ Nhà nước trong mục tiêu mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng tại Việt Nam. 

Nguyễn Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI