Câu chuyện về cách đánh vần dành cho học sinh lớp Một từ sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại đang làm nổi sóng dư luận mấy ngày qua và chưa có dấu hiệu dừng lại; còn Bộ Giáo dục - Đào tạo thì vẫn tiếp tục... im lặng, khi chưa "đón" được "hơi gió" để đăng đàn.
Tất cả xuất phát từ việc các em sẽ học cấu trúc ngữ âm của tiếng, không phải đi từ chữ rồi trở lại âm như chương trình hiện hành, mà từ âm đến chữ. Khi đọc lên, các em chưa biết “tiếng” đó gồm những thành phần gì, thì sẽ phải học vần gồm những âm nào, thanh điệu gì, từ đó sẽ hiểu được tiếng, tức là đi từ khái niệm trừu tượng đến hiểu cụ thể.
Đây là chuyện chuyên môn, nhưng cuốn hút đông đảo dân ngoại đạo, kéo luôn những người có chuyên môn vào cuộc, mà đại đa số là phản ứng dữ dội cách dạy trên. Dễ dàng tìm thấy những cụm từ “hoang mang”, “ngớ ngẩn”, “tào lao”, “khốn nạn”, những bài xích nặng nề, lên án lối dạy dỗ “ngược đời”, “phi giáo dục”, thậm chí có ý kiến quy kết đây là một kiểu tiếp tay cho… nước lạ.
Ngày 29/8 vừa qua, Đại học Duy Tân (TP.Đà Nẵng) và Viện Văn học tổ chức hội thảo về thơ Lưu Quang Vũ. Đúng ngày đó, 30 năm trước, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cùng đứa con của họ, để lại nỗi đau ngơ ngác và kinh hoàng, mà đến giờ, khi có dịp, người ta lại nhắc, như lời buồn bã tuyệt vọng trước số kiếp, nhưng lại tràn trề hy vọng về cứu cánh của vẻ đẹp nghệ thuật trước đêm tối của đời sống tâm hồn.
Trong lời chào mừng, nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Duy Tân, nói ngắn gọn, rằng tại Đại học Duy Tân, sinh viên năm thứ nhất, bất luận ngành nghề gì, đều phải nhập môn bằng môn giáo dục công dân. Lúc đó, bạn đã 18 tuổi, là tuổi trưởng thành, bắt đầu chịu trách nhiệm xã hội, nên bắt buộc phải biết quyền lợi và trách nhiệm công dân. Học để ra trường đi tìm việc làm, chưa đủ, cần phải thấy trách nhiệm xã hội của mình.
Một người có học là người phải biết sự cống hiến cho xã hội bao giờ cũng mang vẻ đẹp lấp lánh, vượt lên những lề thói tầm thường, những lợi ích nhỏ nhen; phải thấy và luôn đặt mình vào những vấn đề bức thiết của đời sống và cùng nhau giải quyết…
Chính vì thế, gần 10 năm qua, ngoài việc dạy và học, Đại học Duy Tân còn cho ra mắt tủ sách “Đáp lời sông núi”, in lại những hồi ký, suy ngẫm, tự thuật của lớp sinh viên tranh đấu một thời quên mình vì nghĩa lớn; những tấm gương học tốt, làm việc tốt trong xã hội ta… để sinh viên tìm hiểu. Việc tổ chức hội thảo về thơ Lưu Quang Vũ, theo nhà giáo Lê Công Cơ, nhà trường không mong gì hơn, là một lần nữa hy vọng giá trị nhân văn trong sáng tác của Lưu Quang Vũ sẽ được thầy cô giáo, sinh viên đón nhận và suy ngẫm.
“Thơ tôi là mây trắng đời tôi”. Lưu Quang Vũ đã đi qua cuộc đời này bằng tuyên ngôn như thế. Kịch ông dữ dội, tiên tri, gai góc, buốt nhức rớm máu các vấn đề lớn lao trong xã hội đến những tiếng nổ bị nén lại trong tâm hồn. Còn thơ ông là tiếng nói lạc lõng, bơ vơ, cô độc của kẻ bộ hành đi trong ngổn ngang giông bão mà ở đó chỉ có mình ông lên tiếng. Chở trên vai điệu buồn như khói thuốc lào quánh đặc sương khuya và mưa phùn gió bấc, nhưng toàn bộ thơ ông, dẫu có buồn đến cay đắng, vẫn không hề thấy ở đó sự giận dữ ghét đời, thù người.
Đã mấy chục mùa mây trắng đi qua, kể từ ngày Lưu Quang Vũ ra đi. Chuyện dâng hiến tất cả cho nhân quần, chẳng cầu mong danh vọng, tiền tài là hằng số ở những tâm hồn và trí tuệ lớn. Hình như ở họ, thiết lập ban đầu, rồi trở thành kim chỉ nam xuyên suốt hành trình làm người, là con số 0. Họ không vướng gì cả. Vào đời tay không, ra đi tay trắng. Chính vì thế, họ đi đến tận cùng của sự cho, xem khổ đau tàn kiệt của mình là chuyện đương nhiên, nhưng họ lại nhẹ nhõm, khi con số 0 mỉm cười ngay cả trong giấc ngủ. Điều này một lần nữa hiện lên trong tôi, khi bất ngờ gặp khẳng định của một thầy giáo.
|
|
Anh dạy toán gần 30 năm ở trường huyện, được đồng nghiệp đánh giá là cực giỏi. Nhưng anh coi bộ phớt lờ. Học trò anh đi thi học sinh giỏi, chẳng may không được giải, bị chê, anh cũng cười, điềm tĩnh phân tích vì sao như thế, để cuối cùng người ra đề chấp nhận rằng họ đã sai. Anh không dạy thêm. Giờ rảnh, với anh là… giải toán và rong chơi. Anh nói: với mình, con số 0 là con số đẹp nhất. Vì sao? Đứng ở vị trí số 0, bạn sẽ thấy dương vô cùng và âm vô cùng. Nó không phải là số nhỏ nhất, không có giá trị, bởi tất cả đều khởi đầu từ 0.
Mình bao lần một mình lang thang với số 0, tự đoán, tự xem, tự giải bài toán hóc búa, điều kỳ lạ là thấy số 0 đứng đằng sau những đáp số… Từ đó, mình chơi triết lý số 0 khi dạy học trò, rằng học tốt, giải đúng, mới chỉ là khởi đề mà thôi, hãy quyết tâm học để hiểu biết, nhưng đừng coi thường con số 0, cũng đừng ngồi im lấy nó mà hành xử, bởi vô tri vô minh cũng từ đó mà ra, mà hãy lấy nó lận lưng làm vốn khi vào đời.
Anh không nói nữa, nhưng tôi ngầm hiểu, câu chuyện trang bị cho học trò một triết lý học như thế, quá thú vị. Học để điểm cao, để nắm kiến thức, ra đời đi làm, nuôi sống mình và gia đình, đóng góp cho xã hội, con đường này sẽ rất nhiều chông gai khi mình buộc phải hòa nhập, chen lấn, tiến, lùi, có thể được cho mình mà mất của người, có thể thành ông chủ hoặc người làm công… Tất cả là gánh nặng. Nhưng dù làm gì đi nữa, danh phận ra sao, phải biết rằng, mọi thứ đều có thể phù du. Trang bị được điều đó, bạn sẽ lên đường với tâm thế nhẹ nhõm, bản lĩnh.
Một học sinh, một lớp học, một lứa học trò được trang bị một triết lý giáo dục, rằng học để đi tới những chân trời tri thức, làm việc với tất cả năng lực của mình, nhưng phải giữ mình, bởi bóng ma của sự vô nghĩa luôn rình rập, cái đó không gì khác chính là đừng để những con số luôn ẩn chứa những vẩn đục, hiểm nguy cám dỗ lôi kéo; làm thế nào để lúc nào ta cũng có thể, dẫu thất bại hay thành công, đều mỉm cười nhẹ nhõm.
Có được điều đó, chuyện học và dạy trở nên quá nhẹ nhàng. Sản phẩm của triết lý này của thầy giáo kia, có khác gì mây trắng đâu. Một vẻ đẹp vĩnh cửu…
Trung Việt