Snowden và cuộc chiến dành quyền tự do

22/09/2016 - 15:13

PNO - Sau bộ phim tài liệu Citizenfour, đạo diễn Oliver Stone mang đến bộ phim truyện phác họa rõ hơn chân dung "kẻ tội đồ" của chính phủ Mỹ, hay nói cách khác là " người thổi còi của thời đại công nghệ.

Snowden (Mật vụ Snowden) ra rạp Việt Nam từ 16/9. Trước khi có Snowden, khán giả toàn cầu từng biết đến bộ phim tài liệu dài gần hai giờ Citizenfour đoạt giải Oscar năm 2014 của nữ đạo diễn Laura Poitras.

Tác phẩm này gắn với sự kiện chấn động vào tháng 6/2013 khi thông tin về những chương trình giám sát toàn cầu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) bị phanh phui trên tờ Guardian (Anh), sau đó lan truyền chóng mặt. Ngay sau đó, 12 phút ghi hình của Laura Poitras được tung lên trang online của tờ báo.

Lúc này, cả thế giới biết đến Edward Snowden với mật danh Citizen Four (là cách chơi chữ từ Fourth Estate, tức quyền lực thứ tư). “Kẻ tội đồ” lúc này đã cư trú bí mật ở Nga sau khi đào thoát khỏi Mỹ.

Nhà làm phim Laura Poitras ghi những hình ảnh về nhân vật của mình tại Hồng Kông, trước khi Snowden tới Nga, vượt qua yêu cầu dẫn độ của chính phủ Mỹ. Sau khi những thước phim “gây sốc” được tung ra theo cách chính thống, báo chí Mỹ cũng vào cuộc.

Snowden va cuoc chien danh quyen tu do
Diễn viên Joseph Gordon-Levitt có thêm một vai diễn đáng nhớ với Snowden

Câu chuyện về nữ đạo diễn Laura Poitras và bộ phim tài liệu công bố “danh sách quản lý” gồm 1,2 triệu công dân Mỹ bị theo dõi được tái hiện trong Snowden - tác phẩm điện ảnh có lời mào đầu rằng “đây là bộ phim được hư cấu từ những câu chuyện có thật”.

Phong cách “giả tài liệu” được đạo diễn Oliver Stone lựa chọn thể hiện ngay ở đoạn đầu phim với bối cảnh diễn ra trong phòng của khách sạn Mira ở Hồng Kông - nơi trước kia Laura Poitras phỏng vấn và ghi hình Snowden.

Vào vai nhà làm phim dũng cảm người Mỹ trong phim truyện của Oliver Stone là nữ diễn viên Melissa Leo. Còn sắm vai Snowden là nam diễn viên tài năng Joseph Gordon-Levitt. Như vậy, phim Snowden của vị đạo diễn chuyên trị dòng phim tâm lý chính trị Oliver Stone như một sự tiếp nối của Citizenfour khi khắc họa sâu sắc hơn về kẻ bị chính phủ Mỹ truy lùng.

Theo đó, chân dung Snowden hiện lên qua hai tuyến truyện song song, đó là chuyện đời và con đường hành nghiệp của viên cựu mật vụ NSA. Ở khía cạnh nghề nghiệp, Snowden tập trung vào cuộc truy đuổi qua gần một vòng quả đất giữa “kẻ phản quốc bất đắc dĩ” và lực lượng tình báo tinh nhuệ Mỹ.

Những mối quan hệ về công việc của Snowden với các cơ quan NSA, CIA, FBI được diễn giải khá kỹ ở phần đầu. Phần này được Oliver Stone miêu tả khá dài, vì thế dễ khiến khán giả cảm thấy “hơi mệt”. Tuy nhiên, yếu tố ly kỳ dồn dập tăng dần, nên nửa sau của Snowden mới là những thước phim đặc sắc.

Những phút cuối giàu ngôn ngữ điện ảnh, thể hiện rõ tài năng của nhà làm phim lão làng có thể được so sánh với nửa cuối của một phim tâm lý chính trị khác từng đoạt giải Oscar là Argo (Điệp vụ Argo) với diễn xuất của tài tử Ben Affleck trong vai nhà ngoại giao tìm cách giải thoát sáu người Mỹ khỏi Iran.

Điểm nổi bật về tay nghề ở hai phim là việc làm chủ nhịp và tiết tấu phim, tạo nên những phút kịch tính mà vẫn nuột nà, tự nhiên. Để tăng độ chân thực, Snowden được đạo diễn Oliver Stone tổ chức quay ngoại cảnh ở các nơi mà nhân vật chính đi qua, bao gồm thủ đô Washington, đảo Hawaii (Hoa Kỳ), Munich (Đức), Moscow (Nga) và Hồng Kông.

Hành trình trốn chạy và lan truyền những tài liệu mật mà Snowden thu thập được cũng là hành trình Snowden đeo đuổi những giá trị về quyền tự do riêng tư của mỗi công dân trong bối cảnh mà bộ phim nói là “chiến trường của thời hiện đại nằm ở khắp mọi nơi”. Bên cạnh việc “vén màn” những hoạt động do thám của NSA và FBI, Snowden đem đến những thước phim “tĩnh” hơn về đời sống cá nhân của nhân vật chính, trong đó nhấn mạnh vào mối quan hệ tình cảm của Snowden với vũ công xinh đẹp Lindsay Mills (Sheilene Woodley).

Trong phim, chính mối quan hệ của họ cũng là “nạn nhân” của hành vi do thám. Đoạn đối thoại đánh dấu cuộc gặp của đôi bạn trẻ về hoài bão cá nhân trước khi bước vào cuộc tình nhiều biến động có thể là đoạn thoại hay nhất phim. Khi đó, cô gái nói với Snowden: “Không, em không ngây thơ đâu. Em chỉ đang chất vấn chính quyền của chúng ta. Đó là quyền cơ bản. Tại sao không thể chất vấn trên phương tiện truyền thông chứ?”.

Với Snowden, đây là sự trở lại ấn tượng của tài tử sinh năm 1981 Joseph Gordon-Levitt trong vai trò diễn viên khi anh biểu đạt xuất sắc những sắc thái tình cảm khác nhau của nhân vật vốn đầy rẫy bí ẩn.

Có một điều thú vị là bất chấp mọi phản đối lẫn đe dọa từ NSA, Snowden đã xuất hiện trong buổi họp báo bộ phim tại thành phố New York vào ngày 14/9 thông qua hệ thống thu phát hình trực tuyến vệ tinh từ Moscow. Đây được xem là hành động thách thức chính phủ Hoa Kỳ: “Nếu nước Mỹ thật sự tự do, hãy để tôi xuất hiện”.

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI