Không đơn thuần là vật dụng bảo vệ chân hoặc tạo điểm nhấn cho trang phục, sneaker - vốn xuất phát từ văn hóa đường phố - đã và đang trở thành nỗi khao khát của nhiều người, hệt như việc được sở hữu một món đồ quý giá. Tuy nhiên, giá trị của sneaker chưa dừng lại ở đó…
|
Một mẩu quảng cáo của Keds vào năm 1957 - Ảnh: Picture Post |
Sneaker (giày thể thao) còn trở thành mảnh ghép của ngành thời trang và là một biểu tượng khó thay thế của văn hóa đường phố. Người ta có thể nhìn thấy ở các đôi giày thể thao niềm vui, những giấc mơ hoang đường và đậm chất thời đại nhất.
Từ một triển lãm
Ngày 25/2, Bảo tàng ArtScience tại Singapore sẽ trở thành tâm điểm của nghệ thuật, thời trang và văn hóa khi triển lãm Sneakertopia chính thức mở cửa với quy mô lớn nhất từ trước đến nay về giày thể thao. Sneakertopia từng thành công tại Mỹ vào năm 2019. Ý tưởng về cuộc triển lãm ra đời từ tình yêu giày thể thao cuồng nhiệt của Steve Harris (nhà sản xuất từng đạt giải Emmy) và Steve Brown (doanh nhân lĩnh vực công nghệ ở thung lũng Silicon). Thay vì chỉ sưu tầm giày như nhiều người chơi giày khác, họ quyết định bắt tay nhau tạo ra một nền tảng nhằm chia sẻ niềm đam mê này đến cộng đồng chơi giày toàn cầu.
Sneakertopia lần này sẽ mang đến hơi thở mới mẻ hơn khi không chỉ quy tụ những người mê giày mà còn có sự tham gia của các nhà sáng tạo và nghệ sĩ. Trong số 16 nhà sáng tạo sẽ góp mặt, có những cái tên đình đám như Jahan Loh, Sam Lo, Soph O, Kristal Melson, Juls… Đặc biệt, Mr. Sabotage (nghệ sĩ sneaker kiêm nhà thiết kế thời trang đường phố) sẽ giới thiệu bộ sưu tập cá nhân Air Jordan Ones cổ điển và trọn bộ Dunks nguyên bản của anh.
Triển lãm cũng sẽ giới thiệu các tác phẩm của 13 nhà sáng tạo hàng đầu Hoa Kỳ như McFlyy, Michael Murphy, Mimi Yoon - những người khám phá văn hóa đại chúng và đường phố Mỹ… Bên cạnh 50 bức tranh tường và các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, thiết kế, mô hình liên quan đến giải trí, thể thao, triển lãm còn giới thiệu hơn 100 đôi giày thể thao phiên bản giới hạn từ một số thương hiệu đã trở thành biểu tượng.
|
Đôi chunky sneaker xuất hiện trong bộ phim sitcom The Fresh Prince of Bel-Air - Ảnh: NBC |
Honor Harger - Phó chủ tịch Bảo tàng ArtScience - nói rằng Sneakertopia có thể được coi là phần tiếp theo của triển lãm Art from the Streets (năm 2017). Đây sẽ là một cuộc khảo sát lớn về nghệ thuật đường phố. Bà Harger cũng nói thêm rằng triển lãm còn khám phá ý nghĩa văn hóa của giày thể thao, cách chúng được khao khát và truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trên toàn cầu.
Nhìn lại lịch sử
Wait Webster là người tạo ra đôi sneaker đầu tiên trên thế giới (năm 1870). Đến nay, sneaker đã có hơn 150 năm phát triển với lịch sử thú vị.
Tiền thân của sneaker là plimsoll - ra đời vào cuối thế kỷ XIX. Cách gọi sneaker cũng xuất phát từ đặc điểm này của đôi giày (đi rón rén, không phát ra âm thanh). Trên thân plimsoll có một vạch ngang như vạch mực nước tối đa trên thân tàu. Khi mực nước vượt qua vạch này, giày sẽ bị ướt. Nhờ các đặc tính ưu việt đó, plimsoll nhanh chóng được ưa chuộng và là sự lựa chọn phổ biến của giới trẻ suốt đầu những năm 1900.
Trong khi đó, năm 1892, hãng cao su Goodyear cho ra mắt mẫu giày mới có tên là Keds, dựa trên thiết kế của những đôi plimsoll nhưng phần vải mỏng được thay bằng vải canvas và có phần đế dày hơn, đi kèm là phần dây giày.
Thế kỷ XX được xem như cột mốc lịch sử của giày thể thao khi nhiều công ty sản xuất giày bắt đầu xuất hiện và tạo dựng tên tuổi đến tận ngày nay. Đến năm 1917, Keds bắt đầu sản xuất hàng loạt đôi sneaker và trở thành thương hiệu chiếm lĩnh nhiều thị phần nhất trên thị trường giày thể thao. Các mẩu quảng cáo giày Keds xuất hiện khắp nơi. Từ Anh và Mỹ, cơn sóng sneaker lan rộng toàn thế giới.
|
D-Gragon và mẫu “Para-Noise” Air Force 1 đình đám |
Bước sang thập niên 1920 - thời điểm môn boxing và điền kinh được cực kỳ ưa chuộng - các hãng giày cũng tích cực dịch chuyển để thiết kế của các đôi giày hỗ trợ tối đa hoạt động của vận động viên. Năm 1925, hai anh em người Đức là Adi và Rudolph Dassler thành lập adidas. Thương hiệu này nhanh chóng thống trị thị trường Đức và trở thành hãng giày thể thao nổi tiếng nhất thế giới. Dù vậy, hơn 10 năm sau đó, adidas mới được đón nhận rộng rãi khi vận động viên Jesse Owens - chủ nhân tấm Huy chương Vàng Olympic - mang một đôi giày của Dassler trong các trận đấu tại Olympic 1936.
Đến thập niên 1930, trước nhu cầu ngày càng cao của người mang, các đôi sneaker tiếp tục được cải tiến. Sự thay đổi trong kiểu dáng, chi tiết phần thân và gót giày được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tăng độ bám cũng như giữ được sự thoải mái cho đôi chân. Những đôi sneaker giai đoạn này có mẫu mã tiệm cận với ngày nay.
Năm 1984, mẫu giày Air Jordan lần đầu tiên được sản xuất dành riêng cho huyền thoại bóng rổ Michael Jordan, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa Nike và Jordan đến nay. Đợt phát hành 1 năm sau đó tạo nên cơn sốt lớn, biến Nike Air Jordan trở thành một trong những mẫu giày giá trị nhất thế giới.
Trở thành biểu tượng văn hoá
Theo thời gian, sneaker dần vượt ra khỏi ranh giới của một đôi giày phục vụ cho các vận động viên thể thao. Chúng được sử dụng cho nhiều nhu cầu, trong nhiều bối cảnh, từ đời sống hằng ngày đến… trên sân khấu. Bạn có thể mặc váy và mang sneaker bởi đó chính là tuyên ngôn thời trang của bạn.
|
Nhóm nhạc Run-D.M.C quảng bá cho một mẫu giày adidas vào năm 1985 - Ảnh: Oliver Morris |
Các hãng giày không đứng ngoài dòng chảy hợp tác với các ngôi sao đình đám ở nhiều lĩnh vực, tạo ra mẫu giày giới hạn khiến nhiều người khao khát. Các sàn diễn thời trang cũng tích cực lăng xê sneaker như một biểu tượng bứt phá khỏi các giới hạn thông thường.
Những đôi chunky sneaker (giày thể thao quá khổ) đang trở thành xu hướng ở thời điểm hiện tại. Nhiều người cho rằng chính sự phát triển của mạng xã hội, sự gia nhập và phổ biến của văn hóa street style (phong cách đường phố) Âu Mỹ thông qua hip hop, break dance hay trượt ván cũng như sự trưởng thành của thế hệ Millennial đã thúc đẩy trào lưu mang giày thể thao phát triển.
Quan trọng hơn, giờ đây, giày thể thao đã trở thành biểu tượng của văn hóa đường phố nói riêng và cá tính người trẻ nói chung. Với các tín đồ thời trang hay các nhà sưu tầm, đó không chỉ là một thú vui mà còn là sự lưu giữ dày công những giá trị lịch sử bất biến trước thời gian.
|
Travis Scott mang thiết kế giày thể thao Air Jordan 4 Retro Black/Red trên sân khấu - Ảnh: Internet |
Nhã Ca