'Skype dads' & những khoảng cách còn lại

08/06/2015 - 10:25

PNO - PN - Sáu giờ tối vào mỗi thứ Tư, anh William Church lại nhấp nhổm trước màn hình vi tính để thấy con trai qua công cụ trực tuyến Skype. Sau lưng cậu bé bốn tuổi là màn hình ti vi đang mở to làm William khó nghe nổi những gì con bi bô.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đôi mắt xanh của cậu bé bừng sáng khi thấy gương mặt bố nhấp nháy. William vừa mở cuốn truyện James yêu thích, định đọc cho bé nghe, màn hình bỗng nhì nhằng. Khi mạng ổn định trở lại, cậu bé đã bị phân tâm vào việc khác và chạy ra sân chơi. William lại chờ cho đến thứ Tư tuần sau để gặp con bằng Skype.

Kể từ khi hôn nhân của anh William và chị Sue - mẹ bé James, đổ vỡ vào năm 2013, William đã trở thành ông bố Skype bất đắc dĩ khi Sue dẫn con sang sinh sống ở thành phố khác cách William hơn 500 dặm. Một tiếng một tuần qua Skype là khoảng thời gian quý báu anh có thể “gặp” con. Theo quy định của tòa án, mỗi tháng William được gặp con một tuần, nhưng có khi Sue cho con ra sân bay trễ và thế là tháng đó, cơ hội gặp nhau đã bị vuột mất.

Trường hợp của William không phải là cá biệt. Năm 2011, hiện tượng “Skype dads” đã trở nên phổ biến từ khi thẩm phán gia đình Sir Nicholas Wall cho phép một bà mẹ mang hai con đi định cư ở Úc, và ông bố ở lại nước Anh. Thẩm phán Nicholas Wall cho rằng, các ông bố vẫn có thể liên hệ với con qua màn hình hay tin nhắn. Quyết định này đã làm các ông bố nổi giận. Nhưng thật ra, “Skype dads” đã bắt nguồn và lan rộng tại Mỹ và Canada từ năm 2002.

'Skype dads' & nhung khoang cach con lai

Sự ra đời của các công cụ trực tuyến giúp cho sự liên kết đường dài ngày càng thuận lợi, nhưng các chuyên gia gia đình đang lo ngại rằng, liên hệ qua màn hình kỹ thuật số không thể thay thế được sự gặp mặt ngoài đời.

Khi các cuộc hôn nhân khác quốc tịch đổ vỡ, điều đầu tiên trong suy nghĩ của nhiều bà mẹ là mang con trở về quê hương. Trường hợp của Adam Gigante không ngoại lệ. Vợ cũ của anh người Úc, đã mang theo bé Luca về Úc sau khi hai người ly hôn, lúc cậu bé mới hai tuổi. Tòa án quyết định cho Adam được ở với Luca 20 đêm mỗi năm, 10 đêm ở Anh và 10 đêm ở Úc cùng với việc “gặp mặt” qua Skype mỗi tuần. Dù rất muốn ôm con trong vòng tay,

Adam không phủ nhận mặt tích cực của Skype: “Skype tốt hơn nhiều so với điện thoại, tôi có thể đọc sách cho con nghe, nhìn con lớn lên, theo dõi hành vi, cử chỉ của bé để kịp thời uốn nắn. Tôi cũng không sợ con quên mặt mình”. Adam biết anh vẫn còn may mắn vì nhận được sự hợp tác từ vợ cũ. “Tôi biết nhiều trường hợp bị gây khó dễ từ “người xưa”. Mẹ của Luca luôn dạy con tập trung mỗi khi nói chuyện với tôi, thành thật mà nói, nếu bé không có thói quen “gặp” tôi trên Skype, thì tôi cũng không thể làm gì”.

Michael Robinson, tác giả cuốn The Custody Minefield, sách hướng dẫn cho các bậc phụ huynh sau ly hôn cho biết, rất hiếm mà có được mối quan hệ tốt giữa cha mẹ và con cái qua Skype. “Để con nhỏ tập trung trước màn hình nhiều giờ đồng hồ là việc khó và mạng thì không phải lúc nào cũng ổn”.

Ông kêu gọi những người xử phiên tòa ly hôn nên đặt lợi ích của đứa trẻ lên hàng ưu tiên. Sự thiếu hiện diện của cha hoặc mẹ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ. Theo nghiên cứu, 40% trẻ bị trầm cảm khi sống không có cha.

William đang lo sợ con mình sẽ là một trong số những đứa trẻ bị trầm cảm. Tức giận với thời hạn được “gặp” con qua Skype, anh đã đệ đơn lên tòa án để xem xét lại. “James rất bối rối với những gì đang xảy ra.

Một ngày nào đó, bé sẽ muốn biết việc gì đã xảy ra giữa tôi và mẹ nó, lúc đó, tôi có thể ngẩng cao đầu nói với bé rằng bố đã làm đủ mọi cách để được gần và nói chuyện với con. Tôi cố gắng mỗi ngày để được gần con, có nhiều cách lắm so với chỉ nói “bố yêu con” qua màn hình”, anh nói.

PHAN QUỲNH DAO 

(Theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI