Thú tội (confession) - một trào lưu thịnh hành trên mạng xã hội facebook ở các nước đang được nhiều sinh viên Việt Nam lợi dụng triệt để, biến thành nơi hài tội nhau, nói xấu trường, chỉ trích thầy cô, công khai tán tỉnh bạn học…
Công khai mạt sát, chim chuột nhau…
Rất nhiều học sinh - sinh viên (HS - SV) các trường ở TP.HCM, từ trung học phổ thông (THPT) lập ra các trang “thú tội” trên facebook. Không ít HS bậc trung học cơ sở (THCS) cũng nhanh chóng gia nhập vào cuộc chơi và độ “chịu chơi” không hề thua kém đàn anh đàn chị.
Lướt vào trang Nguyễn An Ninh TP.HCM Confessions do HS Trường THPT Nguyễn An Ninh lập, người xem khó lòng tìm thấy những câu chuyện dễ thương, hồn nhiên kiểu học trò, thay vào đó là những lời “thả thính”, “đẩy đưa” công khai: “Ad ơi cho em xin nick facebook của anh Thanh Ph. 12A10 với, hông biết anh có bạn gái chưa”.
Trang Trường Chinh Confession của HS Trường THCS Trường Chinh (Q.Tân Bình) hay trang Marie Curie HCM Confession (Q.3) cũng không hề kém cạnh. Hàng loạt bài viết trên hai trang này đều là những bài “tự giới thiệu” về chiều cao, cân nặng và sở thích… để tìm người yêu, hiếm thấy những bài viết về chuyện học hành, trường lớp, tình bạn trong sáng.
Các trang Confession của SV Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Văn Hiến, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM… mức độ “dạn dĩ” càng bá đạo hơn. Nơi “thú tội” giờ đây trở thành chốn mai mối, tiếp thị bản thân: “Em xin giới thiệu em K16, khoa Du lịch, cao 1m7, ngoại hình hơi xinh xinh. Em muốn làm quen với mấy anh để thoát ế ạ”.
Hoặc: “Cần tìm 1 bạn nữ chung sở thích. Thời gian rảnh rỗi có thể cùng nhau hẹn hò, ăn uống, chơi game các kiểu. Mình rất hiền, không ăn thịt hay bắt nạt các bạn đâu đừng sợ. Chống chỉ định hoa đã có chủ, mình sợ bị đánh ghen lắm” (trích từ VHU Confession).
Tuy nhiên, mai mối, tiếp thị bản thân để tìm “người yêu” cũng chỉ là chức năng phụ trên các trang “thú tội” của giới HS - SV, bởi nơi đây còn là nơi để các em nói xấu nhau, nói xấu thầy cô và nhà trường, thậm chí chửi thề rất… hợp trào lưu.
“Tình cờ vào các trang confession của mấy trường ĐH, tôi muốn té ngửa. Nó như nơi show hàng tìm người yêu, bày tỏ bức xúc, chửi rủa vô cùng bá đạo. Tôi cảm giác, chửi thề đang là trào lưu của các em, ai không chửi thề là lạc hậu. Như trang Cộng đồng SV HUTECH là nơi để SV kể tội nhà trường lẫn giảng viên với giọng điệu đầy mỉa mai, thô tục”, giảng viên một trường ĐH nhìn nhận.
Không chỉ vậy, những diễn đàn này cũng dễ dàng đăng tải những phát ngôn, hình ảnh có nội dung phản cảm. Diễn đàn của HS một trường THPT tại quận 12 có bài gây sốc: “Con nhỏ T.C. mặt thì như mặt c..., học thì ngu như heo mà suốt ngày cứ õng ẹo, đi giật bồ hết người này đến người khác”.
Kèm theo dòng trạng thái là hình ảnh công khai của cô bạn học. Đáng nói, bài viết này lại nhận được khá nhiều lượt thích, bình luận ném đá của các cô cậu học trò. “Axit mua chợ Kim Biên rẻ lắm ấy à”, “ngại gì mà không đánh nó cho chừa?”- các “anh hùng nhí” ra oai đậm chất giang hồ trong những lời bình luận.
Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Pew Research (một tổ chức chuyên thực hiện các khảo sát, nghiên cứu nhân khẩu học và nhiều vấn đề liên quan đến khoa học xã hội, Mỹ) cho thấy, có 41% người dân Mỹ đã và đang là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến.
Nghiên cứu này được tiến hành với hơn 4.000 người tham gia khảo sát. Theo thống kê, trong số 5 người Mỹ thì có 1 người bị tấn công bởi nhiều dạng bắt nạt trên internet như đe dọa, theo dõi, quấy rối...
Số còn lại ít nhiều có liên quan đến việc bị trêu chọc bằng tên gọi lố bịch hoặc cố tình làm cho xấu hổ. Bắt nạt trên mạng xã hội đặc biệt phổ biến ở giới trẻ, có đến 65% bạn trẻ từ 18-29 tuổi là nạn nhân.
Nguyễn Phạm
|
Bất lực?
Các chuyên gia học đường cho rằng, giới trẻ đang vin vào nhu cầu được tự do bày tỏ suy nghĩ, quan điểm để chửi bới, mạt sát nhau trên mạng xã hội. Tác hại của việc này đôi khi không thể lường hết, nhất là khi việc con trẻ sa đà, vượt tầm kiểm soát của cha mẹ, nhà trường.
Đáng lo ngại hơn khi trên những trang “thú tội” tại các trường học, nơi danh tính người gửi bài được giữ bí mật và đội ngũ quản lý trang đều ở độ tuổi HS - SV. Xã hội Trung Quốc, Hàn Quốc… từng chứng kiến những cái chết trẻ thương tâm do bạo lực tinh thần từ mạng xã hội.
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết: Hiện nay tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội đang trở nên phổ biến, không chỉ ở nước ngoài mà nó đang ăn sâu vào giới trẻ Việt Nam.
Các diễn đàn confession là nơi có nhiều trường hợp như vậy, sự bắt nạt được kéo dài từ mạng xã hội ra đến đời thực, mà ở đó cả người bắt nạt và người bị bắt nạt ở lứa tuổi vị thành niên đều chịu tổn hại nghiêm trọng.
Hiện ông đang tích cực cùng học trò thực hiện một dự án nhỏ “Phòng chống bắt nạt trên mạng xã hội” để các em hiểu và bảo vệ mình không rơi vào trạng thái nào, dù là người đi bắt nạt hay người bị bắt nạt.
Cõi mạng là ảo nhưng hậu quả của nó là thật. Nó đục khoét, ăn sâu vào tâm lý con người trong đời sống thực. T. A., cựu SV Trường ĐH Kinh tế, từng trải qua thời gian kinh hoàng khi rơi vào trạng thái mặc cảm, tự ti, có ý định bỏ học vì trở thành nạn nhân của trò mạt sát trên mạng xã hội.
“Một ngày tình cờ, em thấy mình được “gọi hồn” trên diễn đàn SV với lời lẽ xúc phạm: “A. à, làm sao để một cô gái có thể quen được chàng trai đúng chuẩn “sói ca” với mùi hương đậm tinh chất “phèn chua?”, kèm theo hình của em. Suốt thời gian dài em không dám đi học, em chỉ muốn độn thổ…”, A. kể.
Thực chất ngoài đời A. có ngoại hình không bắt mắt, thấp người, da đen và khi đến lớp thường nhễ nhại mồ hôi vì buổi trưa cậu phải đạp xe từ nơi dạy kèm về trường học. Không những không nhận được sự chia sẻ từ bạn bè mà A. còn bị trêu đùa công khai đầy ác ý.
ThS Nguyễn Văn Khả - Giám đốc Phân hiệu phổ thông thuộc Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - bày tỏ: “Hiện nay có rất nhiều diễn đàn confession do HS tự lập. Nhà trường không nắm quyền quản trị thì không thể can thiệp được nội dung. Tỏ tình, xúc phạm, tranh cãi đầy ra đó, HS lớp Sáu, lớp Bảy đã có những lời lẽ, chia sẻ câu chuyện mà người lớn nhiều khi không hình dung nổi.
Trường nào cũng nhắc nhở HS cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội. Biện pháp chủ yếu dựa vào sự nhắc nhở của người lớn, sự tự giác của các em, các quy định… để ngăn chặn, nhưng không hiệu quả”.
Tiêu Hà