Sinh viên Việt thổi kèn tự chế

01/11/2013 - 14:15

PNO - PNO - Chỉ một ống nhựa dài, một cái phễu, và một chiếc lưỡi gà cũng có thể tạo nên nhữngâm thanh kỳ diệu. Đây là bài học thú vị do các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Malaysia(MPO) hướng dẫn trong chương trình Giai điệu trẻ tháng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sinh vien Viet thoi ken tu che

“Ai muốn thử nào?” - James Schumacher, nghệ sĩ kèn horn hỏi? Nhiều cánh tay hào hứng giơ lên. Hai bạn nữ được chọn. Những hơi thổi ban đầu còn hơi dè dặt, vô chừng, chỉ nghe tiếng gió rít qua lưỡi gà. Sau khi học cách kiểm soát hơi thổi, những thanh âm nhẹ nhè vang lên, từa tựa tiếng tù và, có độ khuếch tán rộng nhờ vào chiếc phễu nhựa mà mọi thường chỉ được dùng để gom chất lỏng.

Nhiều tiếng “ồ, à” thích thú bật lên. Ít ai nghĩ những vật dụng đơn giản thế này khi kết hợp có thể phát ra những âm thanh như của một nhạc cụ thứ thiệt. James nói, chỉ cần kiên nhẫn mày mò và học cách điều khiển sẽ tạo nên được giai điệu. Dĩ nhiên, nó không thể là nhạc cụ thay thế, nhưng lại là phương tiện truyền tải niềm đam mê âm nhạc độc đáo của các nghệ sĩ Malaysia.

Khác với nhiều dàn nhạc danh tiếng khác, MPO không chỉ gói ghém âm thanh hàn lâm của mình trong các nhà hát, ở những buổi hòa nhạc sang trọng, mà còn tung tẩy nó ở các trường học, bệnh viện, nơi rất cần những liệu pháp tinh thần để khơi dậy niềm lạc quan và sự hứng khởi. Tại Malaysia, đây là hoạt động thường xuyên của MPO. Sang Việt Nam lưu diễn từ 29/10 đến 3/11, họ không quên phát huy nét văn hóa đáng quý này tại trường THCS Colette (TP.HCM, sáng 29/10) và THCS Tô Hoàng (Hà Nội, 2/11).

Sinh vien Viet thoi ken tu che

Phiên bản MPO trình diễn trong Giai điệu trẻ chiều 31/10 tại Nhà hát TP.HCM khá tinh giản, gồm tứ tấu đàn dây, tứ tấu kèn gỗ và tam tấu kèn đồng, chủ yếu chơi các trích đoạn quen thuộc như Bản giao hưởng số 5 cung Đô thứ, op. 67 (Ludwig van Beethoven), Peter và con sói, op. 67 (Sergei Prokofiev), Báo hồng (Henry Mancini), Kìa con bướm vàng (Frère Jacques, dân ca Pháp) để khán giả nhận diện chủ đề và tác phẩm, gam màu của các nhạc cụ.

Phiên bản hoàn chỉnh của MPO lên đến gần 90 người, xuất hiện hùng hậu trong đêm diễn cùng ngày, cũng tại Nhà hát TP.HCM, mới thực sự phô diễn đẳng cấp của họ.

Lần lượt các tác phẩm Concerto cho piano số 2 cung Sol thứ (một trong những bản concerto nổi tiếng và cực kỳ khó chơi của nhà soạn nhạc người Nga Sergei Prokofiev), Bản giao hưởng số 9 - From the new world (của nhà soạn nhạc người Tiệp Khắc Antonín Dvořák, cuốn hút bởi dàn kèn uy nghi và bão táp), We are one (của nhà soạn nhạc người Mã Lai Datuk Mokhzani Ismail) và làn điệu dân ca Lý hoài nam (nhạc sĩ Ngô Hoàng Quân chuyển soạn) được chơi, rất đa dạng về chất liệu và màu sắc, cho thấy sự tinh tế trong việc lựa chọn nhạc mục của MPO để quảng bá thế mạnh của họ, đặc biệt là thần đồng dương cầm 15 tuổi Tengku Ahmad Irfan.

MPO sẽ còn diễn một buổi nữa tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tối 3/11.

Sinh vien Viet thoi ken tu che

Tối 30/10, công chúng yêu nhạc cổ điển TP.HCM hết sức mãn nguyện với phần trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Paris trong khuôn khổ chuyến lưu diễn châu Á. Điểm rơi của Năm Pháp tại Việt Nam 2013 mang đến cho giới mộ điệu trong nước cơ hội có một không hai để thực mục sở thị dàn nhạc này, thay vì bị “bỏ quên” như các chuyến lưu diễn hàng năm (qua Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Mã Lai… nhưng không có Việt Nam). Khán phòng Nhà hát TP.HCM chật kín khán giả cho thấy sức hấp dẫn thực sự của một trong những dàn nhạc lâu đời và đẳng cấp nhất thế giới.

Đến Việt Nam lần này, tuy Dàn nhạc Giao hưởng Paris chỉ xuất hiện với biên chế tinh gọn gồm hơn 30 người, nhưng vẫn hoàn toàn làm người xem hài lòng. Cảm xúc biến thiên liên tục từ rộn ràng trong Tổ khúc Holberg (Edvard Grieg), bay bổng trong Khúc phóng tác cho sáo flute và dành nhạc cung Mi thứ, op. 79 (Gabriel Fauré), sang rượt đuổi trong Bản giao hưởng op. 52 (Albert Roussel), lãng mạn trong Bản giao hưởng số 83 cung Sol thứ - Con gà mái (Joseph Haydn) và dập dìu trong Bản giao hưởng số 33 cung Si giáng (Wolfgang Mozart).

Đáp lại tràng vỗ tay không dứt của khán giả, nhạc trưởng Paavo Järvi chơi “bis” thêm bản nhạc vui nhộn Gollingwogg’s cake-walk, trích từ tác phẩm Children’s corner được Claude Debussy viết tặng con gái ba tuổi của ông. Một bữa tiệc âm nhạc đúng nghĩa, ngon miệng và đẳng cấp!

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Từ khóa Giai điệu trẻ
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI