Sinh viên tạo sản phẩm diệt khuẩn an toàn từ lá chè già

21/12/2023 - 06:11

PNO - Nhóm 5 sinh viên Trường đại học Công Thương TPHCM đã nghiên cứu sản xuất dung dịch nano diệt vi khuẩn và nấm gây bệnh cho cây trồng từ lá chè già bị thải loại. Hiện sản phẩm đang được ứng dụng ở một số đơn vị sản xuất thực phẩm, trồng trọt…

Giúp giảm tồn dư kháng sinh

Trong cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2023 vừa được Trường đại học Công Thương TPHCM tổ chức, đề tài “Nano Silver - Dung dịch nano diệt vi khuẩn và nấm gây bệnh cho cây trồng” của nhóm 5 sinh viên Khoa Công nghệ hóa học đã xuất sắc đoạt giải thưởng Sản phẩm được bình chọn nhiều nhất.

Nhóm sinh viên cùng tiến sĩ Lê Thị Hồng Thúy (bìa trái) - giảng viên hướng dẫn đề tài
Nhóm sinh viên cùng tiến sĩ Lê Thị Hồng Thúy (bìa trái) - giảng viên hướng dẫn đề tài

“Sản phẩm này độc đáo so với các sản phẩm trên thị trường ở khả năng phòng, chống hiệu quả. Các sản phẩm bảo vệ thực vật trên thị trường chỉ ưu thế về phần chống, từ đó dễ gây ra tồn dư kháng sinh” - Phạm Thị Khánh Ly - Trưởng nhóm đề tài - giới thiệu. 

Theo đó, sản phẩm có cốt lõi là các hạt nano bạc được tạo thành từ dịch chiết polyphenol từ lá chè già. Nano bạc có khả năng kháng khuẩn, nấm mốc, vi rút, phòng lây lan và rất an toàn với con người. Với kích thước nhỏ, nano bạc dễ dàng được hấp thụ và lưu dẫn vào sâu bên trong thân cây, một mặt giúp cây tiêu diệt các mầm ẩn có hại, mặt khác giúp phục hồi cho cây trồng.

Nguyễn Vy Thiện Thảo - thành viên nhóm - chia sẻ thêm: “Sản phẩm có khả năng tăng cường hoạt tính kháng khuẩn bảo vệ cây trồng, là chế phẩm xanh thay thế cho các kháng sinh”. Nhóm mong muốn tính độc đáo này sẽ đưa sản phẩm hòa nhịp vào sự phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta. Bên cạnh đó, tình trạng tồn dư kháng sinh trong nông nghiệp sẽ không còn là nguy cơ cho người tiêu dùng cũng như môi trường đất, nước và không khí.

Lợi ích của sản phẩm được đánh giá rất cao bởi chi phí sản xuất thấp, dung dịch an toàn đến mức có thể trực tiếp sử dụng mà không cần đồ bảo hộ, hoàn toàn yên tâm nếu sử dụng số lượng lớn dung dịch mà không sợ dư thừa, kéo dài thời gian bảo quản nông sản sau thu hoạch… Cách sử dụng sản phẩm rất dễ dàng, tương tự như những sản phẩm dùng trong nông nghiệp từ trước đến nay: phun dung dịch đã pha loãng ướt đều thân - cành - lá, các vị trí bị nhiễm bệnh cần phun kỹ hơn. Tưới từ gốc nếu cây bị nhiễm bệnh từ rễ.

Tận dụng nguyên liệu bị bỏ đi

2 năm trước, trong một chuyến đi đến TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), nhóm sinh viên được quan sát một nhà vườn thu hái chè. Khi đó, một lượng lớn cành, lá chè già bị đốn bỏ nhằm giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hái. 

Lá chè - vốn được xem như chất kháng sinh tự nhiên - đã được dân gian sử dụng từ rất lâu. Khi nhìn thấy lá chè già chứa hàm lượng polyphenol cao, có khả năng chống ô xy hóa nhưng lại bị bỏ lãng phí như thế, nhóm nảy ra ý tưởng tận dụng, cho chúng một vòng tuần hoàn mới để tối ưu hóa giá trị lá. Cùng sự hứng thú đặc biệt với nano bạc trong những tiết học trên lớp, các bạn tìm cách tạo ra dịch chiết này từ lá chè già. 

“Lúc đó, chúng tôi thấy một nguyên liệu giá trị như vậy mà phải thải loại thì thật đáng tiếc. Xuất phát từ đó, nhóm bắt tay vào nghiên cứu cách chiết xuất polyphenol từ lá chè già làm tác nhân tạo ra nano bạc - “phù thủy” của lĩnh vực diệt và kháng khuẩn” - Khánh Ly kể về cảm hứng cho ra đời dự án.

Tiến sĩ Lê Thị Hồng Thúy - giảng viên Khoa Công nghệ hóa học Trường đại học Công Thương TPHCM, người hướng dẫn đề tài của nhóm sinh viên - nhận xét: “Điều đáng quý ở các sinh viên này là khả năng tự tìm tòi, hiện thực hóa ý tưởng từ mong muốn của bản thân. Về mặt chuyên môn, tính nghiên cứu của nhóm nằm ở khả năng tạo ra sản phẩm nano bạc chiết xuất từ nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên, biến sản phẩm trở thành một chế phẩm xanh có lợi cho môi trường. Để có được chế phẩm nano bạc, nhóm đã phải thử đi thử lại rất nhiều lần, trải qua vài thất bại mới đến được ngày hôm nay”.

Thời gian đầu, khi các bạn liên tục thử nghiệm để cho ra chất lượng như mong muốn là chuỗi ngày đáng nhớ nhất. Cô Hồng Thúy nhớ lại: “Các bạn cứ ăn, ngủ và làm việc tù tì trong phòng thí nghiệm mấy ngày trời liên tục. Có hôm, khuya rồi nhưng các bạn vẫn họp với cô để báo cáo tiến độ, nghĩ lại thấy thương lắm”. Với những nỗ lực như vậy, sản phẩm của nhóm sinh viên đã dành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khác như Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp… Sắp tới, dự án của nhóm được nhà trường cử đi tham gia Cuộc thi khởi nghiệp cấp Bộ GD-ĐT. 

“Sản phẩm dung dịch nano diệt vi khuẩn và nấm gây bệnh cho cây trồng của nhóm hiện đang được 2 công ty chuyên ngành thực phẩm ứng dụng trong dây chuyền sản xuất. Một số nhà vườn ở Đắk Nông đã mua về sử dụng hoàn toàn cho cây trồng (cây công nghiệp, cây ăn quả), rau màu, hoa… Nhiều doanh nghiệp cũng đã ngỏ ý đầu tư vào sản phẩm” - trưởng nhóm vui mừng chia sẻ. 

Ngoài sản phẩm chính là dung dịch nano sử dụng cho cây trồng kể trên, nhóm còn có nhiều sản phẩm ứng dụng nano bạc như nước dưỡng hoa giữ cho hoa tươi lâu, nước rửa rau củ, dung dịch nano bạc gốc. Đặc biệt, sản phẩm nước rửa rau củ có ý nghĩa thực tiễn lớn, hiện trên thị trường vẫn chưa có đơn vị nào sản xuất sản phẩm này.

Gia Phúc 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI