Sinh viên nữ trong khối ngành STEM thậm chí xuất sắc hơn nam giới

15/12/2022 - 18:53

PNO - Ngày 15/12, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Đại học bang Arizona (Mỹ) phối hợp Trường đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) tổ chức diễn đàn quốc tế “Tăng cường vai trò của nữ giới trong khối ngành STEM”.

 

Diễn đàn với sự tham gia của đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế
Diễn đàn với sự tham gia của đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế

Tiến sĩ Lopa Basu - cố vấn cấp cao của USAID Việt Nam - chia sẻ, thời gian qua, USAID đã có dự án “Thúc đẩy hợp tác trường đại học - doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ” (gọi tắt BUILD-IT). Diễn đàn này nằm trong chuỗi hoạt động của BUILD-IT, phối hợp với các trường đại học tại Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai và TPHCM nhằm đưa ra các phương pháp hỗ trợ nữ giới trong ngành STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán). Trong đó có nhiều giải pháp đã được áp dụng hiệu quả tại các trường đối tác chiến lược của dự án BUILD-IT cũng như tại Đại học bang Arizona.

Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Đài - Chủ tịch hội đồng Trường đại học Lạc Hồng - cho biết hiện nay các lĩnh vực STEM  đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển toàn cầu. Nhu cầu chuyên gia trong lĩnh vực này ngày càng tăng nhưng thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nữ giới. Theo thống kê, tỷ lệ nữ giới trong khối ngành STEM chiếm khoảng 33% tại châu Âu, 34% tại Mỹ và Canada. Tại Anh, chỉ có 19% nữ sinh học ngành kỹ thuật, công nghệ và 18% nữ sinh học ngành máy tính. Theo khảo sát của UNESCO, chỉ có khoảng 28% phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, và ở Việt Nam tỉ lệ này thậm chí thấp hơn.

Tại Việt Nam, dù đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng vẫn tồn tại khoảng cách rõ ràng về giới liên quan đến cơ hội công việc và thu nhập. Theo dự báo, phụ nữ có khả năng bị thay thế bởi máy móc cao gấp 2,4 lần so với nam giới. 

Những lãnh đạo nữ thành công trong lĩnh vực STEM chia sẻ tại diễn đàn
Những lãnh đạo nữ thành công trong lĩnh vực STEM chia sẻ tại diễn đàn

Những con số này cho thấy đang có sự mất cân bằng về giới trong lĩnh vực STEM. Ở góc độ các trường học, nếu không có các giải pháp khuyến khích, thúc đẩy sinh viên nữ nghiên cứu STEM thì sẽ càng kéo rộng khoảng cách về giới trong tương lai.

Theo bà Đỗ Thị Lan Đài, những định kiến trong xã hội như nữ thì học nghệ thuật hay nhân văn, còn ngành khoa học, kỹ thuật chỉ phù hợp với nam giới. Một số cơ quan, doanh nghiệp còn nêu rõ ưu tiên nam giới trong tuyển dụng nhân sự. Chính những suy nghĩ của xã hội và ảnh hưởng của nó đối với thị trường lao động sẽ định hình thái độ và sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ. Định kiến khiến phụ nữ ngần ngại trong lựa chọn học và theo đuổi nghề nghiệp liên quan đến STEM.

“Các trường đại học Việt Nam cần tập trung định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp 3. Cần nâng cao nhận thức của người quản lý, giảng viên, sinh viên và phụ huynh về vai trò của phụ nữ trong STEM. Dùng các hình mẫu phụ nữ thành công trong lĩnh vực này để truyền cảm hứng và tạo động lực cho sinh viên nữ. Bên cạnh đó, xây dựng các cuộc thi, các học bổng cho sinh viên nữ theo lĩnh vực STEM trong các trường đại học, cao đẳng, các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước” - bà Đỗ Thị Lan Đài đề xuất.

Theo chuyên gia, quyền lực mềm của phụ nữ trong môi trường STEM rất có giá trị
Theo chuyên gia, "quyền lực mềm" của phụ nữ trong môi trường STEM rất có giá trị

Đại diện doanh nghiệp khối ngành STEM, bà Hồ Uyên - Giám đốc công chúng của Công ty Intel Việt Nam - khẳng định chính sách tuyển dụng của Intel không có sự phân biệt nam hay nữ, mà ưu tiên cho những người có năng lực. Hiện Intel có 34% nhân sự nữ, trong đó 33% nữ phụ trách kỹ thuật và công ty luôn cố gắng tăng tỷ lệ nữ.

Thực tế cho thấy các bạn nữ theo học và làm việc ở các khối ngành STEM đều rất giỏi, thậm chí vượt trội so với nam giới. Các doanh nghiệp STEM có nữ tham gia quản trị thì kết quả rất tốt so với doanh nghiệp có lãnh đạo chỉ toàn nam. 

“Ngay bản thân tôi tham gia Intel từ những ngày đầu và là 1 trong những quản lý nữ của công ty. “Quyền lực mềm” của phụ nữ trong môi trường kỹ thuật rất có giá trị. Do đó, sinh viên nữ đừng ngại khi nghĩ đến sẽ làm việc trong môi trường đa phần là nam giới. Các bạn nên tự tin vào bản thân, giới tính không phải là vấn đề, mà quan trọng là năng lực, đam mê, và cam kết của chính các bạn sẽ đi con đường này được đến đâu. Nếu tự ti rồi bỏ cuộc thì chính các bạn tạo rào cản cho mình chứ không phải gia đình hay xã hội” - lãnh đạo Intel đưa ra lời khuyên.

P.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI