Sinh viên nghèo bị cắt vay vốn, ngân hàng lập lờ

25/07/2014 - 11:58

PNO - PNO – Nhiều sinh viên ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định thuộc diện nghèo bỗng dưng bị cắt vốn vay chương trình tín dụng sinh viên, khiến đường học hết sức trầy trật.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sinh vien ngheo bi cat vay von, ngan hang lap lo

Mẹ của sinh viên Đinh Bác Ái trình bày sự việc với phóng viên.

Năm 2008, sinh viên Đinh Bác Ái (SN 1989, ngụ tại khu vực Kim Châu, P. Bình Định, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định), trúng tuyển vào ngành mỹ thuật công nghiệp Trường Đại học Văn Lang (TP.HCM), theo học 4 năm.

Ba năm đầu, Bác Ái được làm thủ tục vay vốn sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) An Nhơn. Hết năm thứ 3, Đinh Bác Ái làm đơn bảo lưu kết quả từ tháng 9/2011 - 9/2012 với lý do “điều kiện gia đình khó khăn, không thể hoàn thành các khoản tiền trong năm học”. Sau khi bảo lưu, Ái làm thêm kiếm khoản tiền nhập học cho năm sau.

Bà Đ.T.B.N., mẹ của sinh viên Đinh Bác Ái trình bày: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nuôi một đứa con bệnh tật nữa, rất khó khăn. Năm 2008, thằng Ái đỗ đại học, tôi vừa mừng vừa lo. Nhưng biết có chương trình vay vốn tín dụng cho sinh viên, mẹ con tôi rất mừng. Ba năm đầu, tôi làm thủ tục vay vốn cho con đầy đủ. Đến khi lên năm 3, bỗng dưng tổ vay vốn nói ở trên có quy định cắt vay vốn sinh viên, vì thế chúng tôi không tiếp tục được vay nữa. Khó khăn quá, thằng Ái chỉ học hết năm 3 đành xin bảo lưu kết quả 1 năm, cháu nó ra ngoài kiếm tiền. Mất 1 năm sau, nó mới quay lại trường học. Đáng lý nó chỉ học 4 năm nhưng do hoàn cảnh, thời gian học kéo dài 5 năm rưỡi”.

Sinh vien ngheo bi cat vay von, ngan hang lap lo

Đơn bảo lưu kết quả của sinh viên Đinh Bác Ái.

Tương tự, gia đình ông Phan Văn Tạo (khu vực Kim Châu, P. Bình Định, TX An Nhơn) thuộc diện khó khăn, có hai con cùng theo học đại học nhưng không được vay vốn sinh viên. Ông Tạo cho kể, vợ đau yếu, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều nhờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của ông. Khi con gái là Thiên Lý đỗ đại học năm 2009, nhờ vốn tín dụng sinh viên, ông bà có tiền lo học phí hàng năm cho con đi học. Ngoài khoản học phí cố định nhờ vay vốn, con gái ông cũng tự làm thêm lo chi phí ăn ở.

Năm 2010, con trai ông bà là Phan Lê Quỳnh đỗ đại học ... Học 1 năm, Quỳnh thi lại vào một trường khác. Khi làm thủ tục vay vốn, NHCSXH An Nhơn yêu cầu trả tiền gốc mà cháu Quỳnh đã vay 1 năm trước đó mới được làm thủ tục vay vốn mới. Vì không đủ tiền trả nợ gốc, Quỳnh không được vay vốn mới. Thế nhưng, chị Quỳnh là Thiên Lý mới học xong năm 3 khoa ngữ văn - ngoại ngữ Đại học Công nghiệp TP.HCM cũng bị cắt vốn vay sinh viên vì số nợ của em trai. Không đủ tiền theo học, Lý phải nghỉ học giữa chừng kiếm tiền nuôi thằng Quỳnh đi học.

Một số trường hợp khác cũng gặp vướng mắc theo QĐ 157- TTg, khiến gia đình phải vay vốn tín dụng bên ngoài với lãi suất cao hơn để chi trả cho việc học tập của con cái.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Khu vực trưởng khu vực Kim Châu (P. Bình Định, TX An Nhơn), xác nhận: “Trong khoảng thời gian năm 2010 - 2011, tôi cũng có nghe thông tin về các trường hợp không được cho vay vốn tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo QĐ 157- TTg. Còn nguyên nhân vì sao thì tôi không rõ”.

Ông Phạm Văn Thi - Giám đốc NHCSXH thị xã An Nhơn, trả lời khá… lập lờ, có lúc ông cho rằng việc giải ngân cho các đối tượng vay vốn theo QĐ 157- TTg được ủy thác qua các tổ chức, hội đoàn thể tại thôn, khu vực để bầu xét hàng năm xem có đủ tiêu chuẩn được tiếp tục vay hay không; lúc thì ông lại nói việc cho vay vốn chỉ cần bình xét một lần vào thời điểm đi vay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thúc Diệu, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Định, khẳng định “Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên được thực hiện xuyên suốt, đều đặn, không bị gián đoạn; trình tự và thủ tục cho vay được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi hơn so với thời gian đầu mới triển khai”.

Theo QĐ 157-TTg, đối tượng được vay vốn tín dụng là học sinh, sinh viên đang học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở đào tạo nghề hoạt động theo pháp luật nhưng có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; gia đình hộ nghèo hoặc có mức thu nhập bình quân đầu người bằng 150% của hộ nghèo; gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của chính quyền địa phương. Hiện nay, mức vốn vay là 1.100.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên với lãi suất ưu đãi là 0,6%/tháng.

Thu Dịu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI