Món “nợ” này không chỉ khiến SV không thể chạm tay vào tấm bằng ĐH, mà còn cản trở cơ hội làm việc của không ít SV. Tuy nhiên, cải thiện tình trạng này vẫn là vấn đề nan giải.
“Mắc kẹt” vì nợ môn tiếng Anh
P.V. - cựu SV ngành báo chí truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM - cho biết, V. học khóa 2010-2014. Bạn bè cùng khóa phần lớn đã nhận bằng tốt nghiệp và đi làm ổn định ở nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông, còn V. do nợ môn tiếng Anh, chưa có bằng ĐH, nên chỉ có thể làm cộng tác viên hết báo này đến báo khác.
Tình trạng “nợ” môn tiếng Anh như V. hiện không hiếm. Tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, từng xảy ra vụ trò tạt axít thầy gây chấn động dư luận. Nguyên nhân là do trong quá trình học tập, một sinh viên (SV) thi mãi không đạt môn tiếng Anh chuyên ngành, nên không được bằng tốt nghiệp và có nguy cơ không được ký hợp đồng làm việc; SV này quay lại trường xin thầy “cho qua” nhưng thầy lắc đầu. Bức bí, trong tình trạng mất kiểm soát cảm xúc, SV này đã tạt axít thầy.
|
SV Trường ĐH Kinha tế - Tài chính TP.HCM trong giờ học tiếng Anh |
Vào tháng 2/2017, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng đã kỷ luật đình chỉ học tập 15 SV do nhờ người thi hộ trong kỳ thi kiểm tra đánh giá chuẩn đầu ra tiếng Anh B1. Hầu hết số SV vi phạm này sắp hết thời gian học tập tại trường, do lo sợ rớt sẽ mất cơ hội được ra trường nên nhờ người thi hộ.
Chuyện SV nhờ người thi hộ để đối phó với “món nợ” này không còn xa lạ, bởi ngay năm học 2014-2015 cũng có 31 SV chọn cách gian lận này để mong trả xong “món nợ” tiếng Anh. Tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, số SV của khóa 2013 trở về trước, tức đã hết bốn năm học, còn kẹt lại (phần lớn do nợ môn tiếng Anh) là hơn 1.800 SV, xấp xỉ 20%.
Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết, trường còn thực hiện theo chuẩn Việt Nam nên tỷ lệ SV nợ môn tiếng Anh cũng chưa đến nỗi quá nhiều. Nếu áp chuẩn quốc tế, cần phải có lộ trình phù hợp và nhất thiết phải thay đổi chương trình tiếng Anh cho SV trong nhà trường.
Song song đó là khả năng tự ý thức, tự học của SV phải cao. SV hầu hết chờ “ nước đến chân mới nhảy”, tới học kỳ cuối mới lo đi kiếm chứng chỉ trả nợ. Số SV “nợ” chứng chỉ tiếng Anh của trường này hiện chiếm khoảng 10% tổng số SV đến hạn tốt nghiệp.
Tại Trường ĐH Mở TP.HCM, theo thống kê, tỷ lệ SV “mắc kẹt” lại trường do nợ chứng chỉ ngoại ngữ chiếm khoảng 20% tổng SV cùng khóa.
Cải thiện năng lực ngoại ngữ cho SV: bài toán khó
Sau ngần ấy năm học tiếng Anh, SV thi mãi vẫn không vượt qua được “cửa ải” ngoại ngữ với bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; ra trường cũng không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
Nguyên nhân phải kể đến là chương trình giảng dạy tiếng Anh ở nhiều trường không phù hợp. Nguyễn Thanh T. - SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - “tố” lâu nay vẫn sử dụng giáo trình American Headway, một giáo trình không phù hợp để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc của Đại học Quốc gia TP.HCM; nhiều kiến thức trong giáo trình này lặp lại kiến thức ở bậc phổ thông; phương pháp dạy của giảng viên cũng rất lạc hậu khiến SV chán nản, bỏ lớp rất đông…
Ở các trường ĐH, hầu hết SV khi vào trường có điểm bình quân ngoại ngữ chưa đạt đến 350 điểm TOEIC. Với trình độ này, phải cần hơn 400 tiết đào tạo để đáp ứng được chuẩn đầu ra ở mức 400 đến 500 điểm TOEIC. Thế nhưng, chương trình đào tạo tiếng Anh trong các trường ĐH hiện chỉ khoảng trên dưới 100 tiết.
Một nữ giảng viên ngoại ngữ của Trường ĐH Sài Gòn cho biết, việc dạy tiếng Anh cho SV không chuyên ngữ rất khó; trình độ tiếng Anh của SV không đồng đều, chỉ một số ít SV giao tiếp được, nếu dạy theo số ít này thì đa số SV sẽ chán nản, buộc lòng giảng viên phải chọn phương pháp an toàn nhất: dạy tiếng Anh bằng tiếng Việt. Thành thử, SV sau quá trình học không thể thành thạo bốn kỹ năng, thi không đạt chứng chỉ quốc tế cũng là điều dễ hiểu.
Với thời lượng này, việc dạy và học nếu thật sự có chất lượng (lớp ít SV, giảng viên có kỹ năng, trang thiết bị phục vụ việc dạy - học tốt, SV thật sự học tốt), cũng chỉ có thể cải thiện phần nào, giúp giảm khoảng cách với chuẩn đầu ra cho SV, chứ không thể giúp SV đạt chuẩn theo yêu cầu là chứng chỉ B1 khung tham chiếu châu Âu theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Thực tế này đã được chứng minh: năm 2016, Trường ĐH Luật TP.HCM ban hành quy định chuẩn để xét công nhận tốt nghiệp cho SV hệ chính quy là tiếng Anh theo chuẩn TOEIC quốc tế từ 450 - 600 điểm (hoặc TOEFL, IELTS tương đương) hoặc tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dùng cho Việt Nam. Nhưng cùng lúc, nhà trường phải giảm chuẩn tiếng Anh cho những SV diện ưu tiên trong tuyển sinh đối với các khóa học đã kết thúc.
Để nâng cao năng lực tiếng Anh cho SV, gần đây Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã thay đổi giáo viên, mở các lớp luyện thi giúp SV rèn luyện để đáp ứng các kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đưa ra nhiều phương án để nâng cao năng lực tiếng Anh cho SV như mở thêm những tổ hợp xét tuyển có điểm môn tiếng Anh ở đầu vào, những thí sinh trúng tuyển sẽ phải qua kỳ sát hạch tiếng Anh, nếu đủ chuẩn mới được tham gia học chương trình tiếng Anh của trường, nếu chưa đạt thì phải tự tích lũy cho đạt mới vào học…
Tuy nhiên, tiếng Anh là môn học thuộc về năng khiếu, nó rất khó với không ít người, cho nên nhất thiết SV phải ý thức được tầm quan trọng của môn học này trong thời kỳ hội nhập để chủ động và tự giác trong học tập thì mới hy vọng có được kết quả tốt.
Tiêu Hà - Minh Nhật