Sinh viên Lào và Campuchia: Yêu Việt Nam như quê hương thứ hai của mình

04/11/2024 - 06:38

PNO - Ngày 2 và 3/11, tại TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Liên đoàn Lao động và Hội LHPN TPHCM phối hợp tổ chức chương trình đồng hành “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM”. Chương trình nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các gia đình Việt với sinh viên 2 nước bạn, thúc đẩy đối ngoại nhân dân và góp phần xây dựng tình hữu nghị bền vững giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Học thêm nhiều kiến thức lịch sử Việt Nam

Gần 40 gia đình Việt Nam và 79 bạn sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM đã tham gia chuyến đi với nhiều hoạt động ý nghĩa như dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Trường Dục Thanh - nơi Bác Hồ (khi đó là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành) từng dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước, giao lưu văn nghệ, tham gia cuộc thi “Hỏi đáp về cuộc đời và sự nghiệp của Bác”, trình diễn trang phục truyền thống của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Đến Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận để thắp hương tưởng niệm, bà Nguyễn Thị Ngọ (quận 6) nhắc 3 cô con gái nuôi - những sinh viên Lào mà bà nhận chăm sóc từ đầu năm 2024 qua chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia” - chỉnh trang lại trang phục.

Bà Nguyễn Thị Ngọ (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng 3 cô con gái nuôi  là sinh viên Lào tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận
Bà Nguyễn Thị Ngọ (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng 3 cô con gái nuôi là sinh viên Lào tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận

Bà ân cần nhắc các con cởi nón, đứng nghiêm trang trước tượng Bác. 3 bạn trẻ đứng nghiêm nghị, thành kính hướng về Bác. Sau đó, Kitikhammoun Manivone - sinh viên năm 3, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - chị lớn, nắm tay 2 em tiến đến thắp hương viếng Bác. Bà Ngọ trìu mến nhìn các con. Bà chia sẻ: “3 đứa con gái của tôi hiền lành, lễ phép và rất hiểu chuyện. Từ khi các con về nhà, không khí gia đình vui vẻ hẳn, mỗi tuần đều có tiếng cười, có người thủ thỉ bên tai”.

Các cô con gái của bà Ngọ gắn bó với bà như hình với bóng. Họ đã chụp nhiều ảnh lưu niệm cùng nhau và lưu lại hình ảnh các hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bảo tàng để tham khảo, phục vụ cho việc học tập. Tại đây, các bạn được nghe giới thiệu chi tiết về hành trình cuộc đời và những cống hiến của Bác Hồ qua các hiện vật trưng bày và nguồn tư liệu phong phú.

Kitikhammoun Manovone xúc động chia sẻ: “Em rất thích đến những nơi mang ý nghĩa lịch sử như thế này. Nhưng hơn 3 năm học tại TPHCM, em ít có dịp. Hôm nay được đi cùng mẹ Ngọ, em rất vui. Nhờ có mẹ giải thích và hướng dẫn, chúng em tự tin và học hỏi được nhiều kiến thức về lịch sử Việt Nam”.

Tiếp lời con, bà Ngọ kể, bà đã tham gia chương trình “Gia đình Việt và sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM” suốt 4 năm liền và nhận nuôi trên 10 bạn sinh viên. Bà thương yêu và đối đãi với các con như người một nhà, dạy con nói tiếng Việt, nấu món ăn Việt cũng như các phong tục tập quán của người Việt…

Cuối tuần, các con quây quần về họp mặt, nấu ăn, trò chuyện cùng nhau. “Chương trình là hoạt động rất ý nghĩa. Các con được hiểu thêm về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, ẩm thực Việt, còn chúng tôi lại có cơ hội được giao lưu, gắn kết tình hữu nghị và học hỏi các con những điệu múa, câu hát và văn hóa của nước bạn” - bà Ngọ chia sẻ.

Bà Phùng Thị Thùy Vân (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) nắm tay con gái nuôi Vanthavy Khamphien (sinh viên năm 4, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) vào tham quan Trường Dục Thanh. Thấy con có nhiều bỡ ngỡ, thắc mắc về ngôi trường và địa danh lịch sử này, bà Vân giải thích, tại đây, với tâm huyết và tình yêu quê hương, Bác đã truyền đạt kiến thức văn hóa và khơi dậy tinh thần yêu nước cho các học trò, trước khi Người vào Sài Gòn, ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Bà Vân cho biết, tham gia hoạt động của hội phụ nữ, bà được kết nối với chương trình. Ban đầu bà nghĩ sẽ rất khó khăn, nhưng khi tiếp xúc, bà được các bạn gọi là mẹ, nên mọi thứ dần trở nên gần gũi. “Tôi bắt đầu dạy các con về văn hóa Việt, từ cách đi đứng, giao tiếp đến tinh thần nhân ái, đoàn kết giúp đỡ nhau. Mỗi khi tham gia hoạt động hội, tôi thường dẫn con theo để con hiểu thêm về công việc của mình và con người Việt Nam. Tôi rất vui khi Vanthavy Khamphien rất ngoan ngoãn, lễ phép” - bà Vân chia sẻ.

Nghe mẹ Vân nói về mình, Vanthavy Khamphien xúc động: “Từ khi được các gia đình Việt, đặc biệt là má Vân nhận nuôi, em cảm thấy việc học tập và sinh hoạt tại Việt Nam trở nên gần gũi và ấm áp hơn. Mỗi khi vui hay buồn, em luôn có mẹ lắng nghe, chia sẻ, quan tâm và chỉ dạy. Từ đó, em càng thêm yêu nơi mình đang sống, học tập và thực sự coi đây là ngôi nhà thứ hai, là gia đình thứ hai của mình”.

Một phần của gia đình, truyền thống Việt

Ông Lonphanh Phaodavanh - Tổng lãnh sự quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại TPHCM - chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đồng hành cùng các gia đình Việt và sinh viên Lào, Campuchia tham gia chuyến đi nhằm gắn kết tình hữu nghị bền chặt giữa 3 quốc gia. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các sinh viên có cơ hội hiểu hơn về lịch sử đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, được tìm hiểu văn hóa truyền thống tốt đẹp và mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa các nước”.

Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM Trịnh Thị Thanh cho biết, chương trình lần này với các hoạt động dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan tìm hiểu Trường Dục Thanh… nhằm tăng cường giáo dục, quảng bá sâu sắc hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam.

Các đại biểu, gia đình Việt và sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM giao lưu văn hóa, văn nghệ
Các đại biểu, gia đình Việt và sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM giao lưu văn hóa, văn nghệ

Đặc biệt, ban tổ chức mong muốn truyền tải giá trị lịch sử của thời kỳ đấu tranh cách mạng và dấu ấn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình xây dựng đất nước, mang đến thông điệp cho thế hệ trẻ 3 nước là hãy quan tâm đến việc nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để đóng góp vào sự phát triển đất nước mình.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Phùng Thái Quang nhấn mạnh: tình hữu nghị giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia được xây dựng từ những năm tháng gian khó, khi 3 dân tộc cùng kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do. Từ những ngày ấy, mối gắn bó bền chặt đã trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết và thủy chung. Trong thời đại mới, tình cảm ấy tiếp tục được trao truyền, mở rộng.

Theo ông Phùng Thái Quang, chương trình “Gia đình Việt và sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM” không chỉ hỗ trợ vật chất mà còn là chỗ dựa tinh thần cho các bạn sinh viên xa nhà, giúp họ cảm nhận được tình yêu thương, sự gần gũi từ những người dân Việt Nam.

Tại đây, các bạn không chỉ được học hỏi mà còn nhận được sự sẻ chia, đồng cảm, trở thành một phần của các gia đình, một phần của truyền thống Việt Nam. Đó là minh chứng sống động cho tình đoàn kết hữu nghị xuyên biên giới.

Những buổi họp mặt, bữa cơm gia đình ấm cúng đã tiếp thêm nghị lực cho các bạn sinh viên vượt qua thử thách trên hành trình học tập tại Việt Nam. “Chúng tôi mong thế hệ trẻ sẽ tiếp tục vun đắp, giữ gìn tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp của 3 nước, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau” - ông Phùng Thái Quang nói.

Chương trình đồng hành “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM” năm 2024 nằm trong đề án cùng tên, giai đoạn 2021-2025, do Hội LHPN cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố phối hợp thực hiện.

Qua 3 năm (2022-2024), đã có 195 gia đình nhận đỡ đầu 257 sinh viên Lào và 55 sinh viên Campuchia.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI