PNO - Nhiều sinh viên phải vừa học, vừa đi làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống và rèn giũa các kỹ năng. Không ít sinh viên bị buộc làm nhiều việc khác bên cạnh việc chính, chấp nhận làm công việc nguy hiểm đến tính mạng nhưng tiền công hết sức bọt bèo. Họ dường như chẳng được ai bảo vệ…
Theo quy định hiện hành, mức lương tối thiểu mà các cơ sở kinh doanh phải trả cho sinh viên làm thêm giờ ở TPHCM là từ 20.000-22.500 đồng/giờ nhưng rất ít nơi tuân thủ. Trong ảnh: Các em sinh viên đang phục vụ trong một quán ăn ở khu vực Đại học Quốc gia TPHCM - Ảnh: Trang Thư
Việc nhiều, tiền công rẻ mạt
Được cha mẹ hỗ trợ học phí nhưng mỗi tháng, Đinh Văn Phương - sinh viên Trường đại học Sư phạm TPHCM - cũng tiêu tốn hơn 4 triệu đồng tiền ăn uống, thuê nhà trọ và chi phí học tập. Mỗi tuần, Phương làm việc ít nhất 35 giờ, mỗi giờ được trả 17.000 đồng nên thu nhập mỗi tháng cũng chỉ hơn 2,4 triệu đồng. Những hôm lịch học trống, Phương phải tranh thủ làm 2 ca. “Cha mẹ tôi ở quê chỉ làm rẫy nên thu nhập theo mùa, không ổn định, lại phải lo cho em tôi học cấp III. Bởi vậy, tôi phải đi làm thêm, chấp nhận mức tiền công thấp” - Phương tâm sự.
Vừa bước vào năm thứ ba, Thanh Thư - sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM - lên mạng xã hội để tìm kiếm công việc phù hợp. Thấy một trung tâm tiếng Anh đăng tuyển người phụ trách tư vấn khóa học, xếp lớp cho học viên, Thư liền đăng ký. Khi đi làm chính thức, Thư mới nhận ra mình gần như bị lừa. Mỗi buổi, Thư phải đến sớm để quét dọn trung tâm từ trong ra ngoài, bao gồm 3 phòng học ở tầng 1 và phòng làm việc ở tầng trệt, đổ rác, lau bảng, pha trà, pha cà phê.
Sau đó, Thư mới được làm công việc đúng như mô tả trong mẩu tuyển dụng là kiểm tra tin nhắn và trả lời học viên, đăng bài, tương tác trên fanpage của trung tâm. “Việc quét dọn trung tâm khá cực nhọc, việc trực fanpage ngốn rất nhiều thời gian. Tôi phải trả lời học viên mọi lúc kể cả sau 23g khuya, nhưng không được tính thêm lương” - Thanh Thư kể.
Bích Ngọc - sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học ở TP Thủ Đức - thì bị quản lý cửa hàng bắt tăng ca, hăm he trừ lương, đuổi việc ngay từ tháng đầu tiên đi làm. Mỗi ca làm, Ngọc phải lau sàn, dọn nhà vệ sinh, chỗ ngồi của khách và cả những khu vực sân xung quanh quán, sau đó nấu thức ăn và nhận điện thoại gọi món từ khách hàng. Làm việc không ngơi tay nhưng Ngọc chỉ nhận được mức tiền công 18.000 đồng/giờ. Ngọc không được ký hợp đồng mà chỉ được quản lý quán thông báo miệng về tiền công, giờ làm.
Làm trên cao nhưng không có đồ bảo hộ
Không có lịch học sáng thứ Bảy nhưng Huy Hoàng - sinh viên Trường đại học Công nghiệp TPHCM - vẫn thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị sân khấu cho một đơn vị tổ chức sự kiện. 7g, Hoàng chạy xe máy từ quận Gò Vấp sang quận 5 và bắt đầu công việc lúc 8g.
Một nam sinh chọn làm thêm ở quán giải khát gần Đại học Quốc gia TPHCM vào buổi tối để có thêm tiền trang trải cuộc sống - Ảnh: Trang Thư
Cứ mỗi giờ làm việc, Hoàng được trả 25.000 đồng. Ban đầu, nghe con số này, Hoàng rất háo hức bởi nó cao hơn so với những công việc mà Hoàng đang làm hoặc từng làm. Nhưng khi thực sự trải nghiệm, Hoàng mới biết công việc này rất cực nhọc và nguy hiểm. Không chỉ sắp xếp bàn ghế, trang trí bối cảnh, Hoàng còn phải mang, vác bàn ghế, phông màn, khung kèo từ xe tải vào nơi tổ chức sự kiện.
Có khi, Hoàng phải vác những thứ này lên những tầng cao - nơi thang máy không đến được - rồi leo trèo, đứng cheo leo để lắp bóng đèn, màn hình hoặc phông nền sân khấu. Khi tổ chức sự kiện ngoài trời, Hoàng phải làm việc liên tục ngoài nắng từ sáng sớm cho đến 14 - 15g. Mỗi tuần, Hoàng làm công việc này 1 ngày (8-10 giờ), tiền công từ 200.000-250.000 đồng/ngày.
“Làm công việc này vừa mệt, vừa nguy hiểm. Tôi phải cẩn thận từng chút, chứ lỡ trèo cao mà té thì chắc chắn chấn thương nặng. Mình chỉ đăng ký làm qua người quen hoặc qua Facebook chứ không có hợp đồng gì, cũng không có dụng cụ bảo hộ lao động nên lỡ gặp sự cố là mình lãnh đủ” - Hoàng nói.
Ngoài công việc trên, Hoàng còn tranh thủ thời gian rảnh để làm nhân viên phục vụ quán nước với thu nhập 18.000 đồng/giờ và nhân viên tiếp thị sản phẩm cho một công ty sản xuất mì gói với thu nhập 20.000 đồng/giờ. 2 công việc này khá nhẹ nhàng, lương cũng không cao nhưng bổ trợ được phần nào cho việc học quản trị kinh doanh của Hoàng. Công việc cứ xoay vòng mỗi tuần, mỗi tháng, đủ để Hoàng tự lo được cho cuộc sống của mình. Tháng nào có lịch học dày hoặc phải làm bài kiểm tra, Hoàng sẽ tạm ngưng công việc để tập trung cho việc học.
Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội soạn, sinh viên được làm thêm không quá 20 giờ/tuần và các trường đại học phải kiểm soát việc này. Theo sinh viên, với mức tiền công bèo bọt, số giờ làm thêm theo dự thảo luật sẽ không mang lại bao nhiêu tiền.
Ông Châu Lê - Nhà sáng lập F&B Insider Hub - cho hay, đa số doanh nghiệp F&B (food and beverage service, tức nhà hàng, quán nước) có quy mô nhỏ hoặc vừa; chủ doanh nghiệp thường không làm đúng luật lao động khiến sinh viên thiệt thòi khi vào làm thêm. Chẳng hạn, họ áp dụng chế tài phạt tiền, không ký hợp đồng lao động, không đảm bảo các quyền lợi cho người lao động, không có các phúc lợi như ngày phép, nghỉ bệnh, an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Có trường hợp sinh viên đóng cửa hàng sớm 1 phút bị phạt 300.000 đồng, cái này là sai luật, không có luật nào quy định được phạt tiền người lao động, nhưng phép vua thì thua lệ làng” - ông nói.
Theo luật sư Trương Hồng Điền, sinh viên nên dựa vào nhu cầu và khả năng của mình để chọn công việc làm thêm phù hợp. Trong trường hợp bị bóc lột, sinh viên cần ưu tiên bảo vệ các quyền cơ bản của mình về thân thể, sức khỏe, danh dự, không ngại nghỉ làm và tìm môi trường khác. Nếu bị đe dọa hoặc bị giam lương, sinh viên có thể liên hệ phòng lao động cấp quận, công an cấp phường để nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi.
Theo luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TPHCM), khoản 1, điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định, mức lương tối thiểu theo giờ ở vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Ở TPHCM, chỉ có huyện Cần Giờ thuộc vùng II, còn lại đều thuộc vùng I. Như vậy, mức lương tối thiểu mà các cơ sở kinh doanh phải trả cho sinh viên làm thêm giờ ở TPHCM là từ 20.000-22.500 đồng/giờ. Các cơ sở trả dưới mức lương tối thiểu trên đều làm trái quy định, nhưng hầu như không đơn vị nào kiểm tra.
“Làm thêm giúp tôi dạn dĩ, linh hoạt hơn”
Mỗi ngày, trước 7g sáng, Phạm Văn Hải - sinh viên năm cuối ngành xây dựng, Trường đại học Tôn Đức Thắng - có mặt ở tiệm giặt sấy để mở cửa, quét dọn rồi đón khách. Mỗi ngày thường, tiệm nhận khoảng 50kg quần áo, cuối tuần thì nhận khoảng 70 - 80kg. Đến 9g, Hải giao lại việc giặt sấy cho 1 nhân viên nữ, còn mình làm vệ sinh giày, mỗi ngày từ 10-15 đôi.
Công việc làm thêm ở tiệm giặt sấy giúp Hải vừa có thêm thu nhập, vừa dạn dĩ, năng động hơn - Ảnh: Thu Lê
Hải làm việc ở tiệm này gần 2 năm qua, tiền công ban đầu 20.000 đồng/giờ, sau 3 tháng thử việc thì tăng lên 25.000 đồng/giờ và hiện nay là 6 triệu đồng/tháng. Để nhận được mức tiền công này, ngoài việc giặt sấy, vệ sinh giày dép, Hải còn viết mỗi tuần 2 bài quảng cáo đăng lên Facebook, tư vấn khách hàng qua mạng và báo cáo doanh thu hằng tuần của tiệm cho chủ. Ngày thường, Hải làm việc khoảng 5 giờ/ngày, ngày cuối tuần phải làm 7 giờ mới hết việc. Tính ra mỗi tuần, Hải làm khoảng 40 giờ. Lịch học không cố định nên Hải tự chia ca với 2 sinh viên đang làm chung. Những ngày có sự kiện quan trọng ở lớp, Hải báo trước để chủ tiệm tiện bề sắp xếp. Hải cho biết, khá hài lòng với công việc hiện tại. Gia đình Hải ở TPHCM, kinh tế không quá khó khăn nhưng cha mẹ khuyến khích Hải làm thêm để rèn kỹ năng giao tiếp do tính cậu khá nhút nhát. Theo Hải, sau 2 năm làm thêm, ngoài thu nhập, cậu cũng dạn dĩ hơn, giao tiếp tốt hơn và đặc biệt là linh hoạt hơn trong xử lý các tình huống. Hải nói: “Hồi mới đến làm, cái gì em cũng không biết, nhưng bây giờ thì cái gì em cũng làm được, từ chạy quảng cáo cho đến tư vấn khách hàng, giải quyết các vấn đề của tiệm”.
Tìm hiểu kỹ về công việc để tránh thiệt thòi Việc đi làm thêm tạo cho sinh viên môi trường để giao tiếp với xã hội. Nếu chỉ đóng khung trong việc học thì kỹ năng giao tiếp sẽ hạn chế, nhất là với sinh viên khối ngành kỹ thuật. Đi làm, được va chạm với các tình huống thực tế, kỹ năng của sinh viên sẽ tốt hơn, nhanh nhẹn, hoạt bát và sẵn sàng hơn cho các công việc sau này. Đi làm cũng rèn cho sinh viên tính kỷ luật, tuân thủ giờ giấc, quy định của nơi làm việc, biết hợp tác với người khác và cuối cùng là có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, thu nhập khi làm thêm của sinh viên không tốt, chưa tương xứng với công sức mà các em bỏ ra, trừ dịp lễ tết. Thậm chí, một số nơi còn tìm cách quỵt lương sinh viên. Các doanh nghiệp tuyển sinh viên thường chỉ muốn tận dụng sức lao động chứ không muốn huấn luyện, đào tạo nhiều nên sinh viên cũng khó học thêm được nhiều kỹ năng, tính chuyên nghiệp. Nhiều sinh viên chạy xe ôm công nghệ, thu nhập tốt nhưng rất vất vả, ngốn hết thời gian, bỏ bê việc học hành. Do đó, sinh viên cần tìm hiểu rõ về nơi làm, giờ giấc, thu nhập, môi trường làm việc… trước khi dự tuyển. Có thể tìm hiểu qua trung tâm dịch vụ việc làm, qua trang web của nhà tuyển dụng, qua đánh giá của dư luận hoặc qua những người đang làm, từng làm ở công ty mà mình ứng tuyển. Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Đình Vũ - Giám đốc Trung tâm Kết nối doanh nghiệp và Giới thiệu việc làm, Trường đại học Công nghiệp TPHCM
Năm 2023, giới thiệu hơn 23.480 chỗ làm cho sinh viên Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM đã triển khai có hiệu quả hoạt động giới thiệu việc làm cho sinh viên, trở thành cầu nối giữa sinh viên và doanh nghiệp. Hiện nay, các đầu việc bán thời gian, toàn thời gian, việc làm chuyên môn được trung tâm đăng tải trên fanpage SAC-Việc làm (https://www.facebook.com/sac.vieclam/), ứng dụng việc làm (app.sac.vn/việc làm). Trong năm 2023, trung tâm giới thiệu gần 23.480 đầu việc cho sinh viên với các công việc giản đơn như nhân viên phục vụ (20.000-35.000 đồng/giờ), phụ việc nhà (50.000-80.000 đồng/giờ), nhân viên tiếp thị (30.000-50.000 đồng/giờ), cộng tác viên đánh máy, thống kê, viết bài website (20.000-80.000 đồng/giờ), gia sư (120.000-300.000 đồng/giờ); các công việc đòi hỏi chuyên môn như nhân viên kinh doanh, nhân viên phát triển thị trường, nhân viên tư vấn bán hàng, lương từ 6,5 triệu đồng trở lên mỗi tháng. Trung tâm thỏa thuận mức lương tối thiểu với nhà tuyển dụng để đảm bảo quyền lợi của sinh viên. Toàn bộ thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp đều được công khai trên website, fanpage để sinh viên tham khảo trước khi ứng tuyển. Ông Lê Nguyễn Nam - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM
Nên tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên tư vấn việc làm Khi đi làm thêm, rất nhiều sinh viên không được ký hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận miệng nên nếu họ bị sa vào mạng lưới đa cấp trá hình hoặc bị quỵt tiền công thì rất khó đòi lại tiền. Do đó, cần có những quy định chặt chẽ về hợp đồng lao động, cơ chế thanh tra, kiểm tra để tránh trường hợp sinh viên bị lừa, mất niềm tin vào cuộc sống và học tập. Các thầy cô làm việc ở trung tâm giới thiệu việc làm của các trường phần lớn là nhân viên tự học thêm về kỹ năng tư vấn nhưng thường không nắm hết các quy định của pháp luật về lao động để đưa ra lời khuyên đúng cho sinh viên. Do đó, nên có chương trình tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ này để tư vấn tốt hơn, đồng thời nên kết nối các trung tâm với nhau để tận dụng các nguồn lực chung. Ví dụ, một doanh nghiệp khi đến một trường chuyên đào tạo ngành xã hội tuyển nhân sự liên quan đến công nghệ thông tin thì trung tâm giới thiệu việc làm ở đó có thể giới thiệu sang các trường chuyên đào tạo về công nghệ thông tin. Các trung tâm có thể tạo khung dữ liệu dùng chung, giúp sinh viên tiếp cận nguồn công việc nhiều hơn. Thạc sĩ Trần Nam - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM
ĐBQH Nguyễn Quang Huân băn khoăn, liệu đã thích hợp để phát triển điện hạt nhân hay nên tập trung phát triển điện năng lượng tái tạo để đảm bảo nguồn cung.
Chiều 7/11, UV Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Mạnh Cường có buổi tiếp đoàn đại biểu Đội cận vệ trẻ Đảng nước Nga thống nhất.