Sinh viên không mặn mà chương trình trao đổi giữa các trường

13/04/2024 - 05:57

PNO - Nhiều trường đại học đã triển khai hợp tác, trong đó có việc công nhận tín chỉ lẫn nhau. Điều này mang lại lợi ích cho sinh viên như được tiếp cận môi trường học thuật mới, trải nghiệm văn hóa vùng miền… Nhưng sau nhiều năm, số sinh viên tham gia học trao đổi vẫn còn ít.

Nhiều sinh viên "chưa từng nghe"

2 năm trước, 10 trường khối kinh tế đã ký thỏa thuận trao đổi sinh viên song phương và đa phương. Đó là: Trường đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thương mại, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế và ĐH Kinh tế TPHCM. Theo đó, các trường tổ chức khóa trao đổi sinh viên dài hạn (1 học kỳ) hoặc ngắn hạn trong hè (từ 3-8 tuần). Tuy nhiên, đến nay, trên các kênh truyền thông của những trường này vẫn chưa có nhiều thông tin về việc sinh viên tham gia trao đổi.

Sinh viên không muốn chuyển đổi chỗ học vì đã quen với sinh hoạt, môi trường học tập. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tham gia một hội thảo tại trường - ẢNH: T.T.
Sinh viên không muốn chuyển đổi chỗ học vì đã quen với sinh hoạt, môi trường học tập. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tham gia một hội thảo tại trường - Ảnh: T.T.

Cuối năm 2023, ĐH Kinh tế TPHCM thông báo trên website về việc đăng ký tham gia học tập trao đổi chính thức tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong học kỳ đầu năm 2024, dành cho sinh viên năm thứ hai và thứ ba. Thời gian học lý thuyết từ ngày 18/12/2023 - 21/4/2024 và thời gian thi kết thúc học phần từ 22/4 - 12/5/2024. Nhưng đến tháng 1/2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết vẫn chưa có nhiều sinh viên tham gia chương trình.

Tương tự, nhiều năm nay, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng thực hiện công nhận tín chỉ lẫn nhau ở các môn học tương đồng, cho cả bậc ĐH và sau ĐH. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM - cho biết thỏa thuận này cho phép sinh viên, học viên có thể hoàn thành chương trình học dù phải chuyển đổi chỗ ở hoặc đi công tác nhiều tháng liền. Sinh viên cũng được tiếp cận môi trường học thuật mới, mở rộng kiến thức và trải nghiệm văn hóa vùng miền.

Ông nói thêm: “Nhà trường đã thực hiện truyền thông nhưng số lượng sinh viên biết đến và tham gia hoạt động này rất ít”. Khi chúng tôi hỏi một số sinh viên của trường, các bạn đều ngỡ ngàng vì không biết. L.T. - sinh viên năm cuối của trường - nói: “Tôi chưa từng nghe ai nhắc tới hình thức này, cũng không thấy bạn bè ở đây ra Hà Nội học hay ngược lại”.

Tháng 3/2022, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM và Trường ĐH Vinh cũng ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển các chương trình đào tạo ĐH, sau ĐH; công nhận tín chỉ… Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM - thông tin: 2 bên đã thực hiện nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lớn để chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, kiểm định chất lượng, nghiên cứu khoa học. “Việc hợp tác mang lại lợi ích cho giảng viên là nhiều, còn sinh viên thì rất ít nhu cầu tham gia và gần như không khả thi” - ông nói.

4 năm trước, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Thủy lợi và Trường ĐH Xây dựng đã ký kết biên bản hợp tác toàn diện. Đến nay, ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn còn xây dựng nhà máy thông minh để đón sinh viên của 2 trường ĐH bách khoa trong nhóm nhưng chưa thấy trường nào báo có nhu cầu. Còn sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội thì chỉ có nhu cầu trao đổi với các trường nước ngoài hoặc đến các doanh nghiệp để trau dồi kiến thức nghề nghiệp.

Chưa rõ giá trị

Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - sinh viên nước ta chưa ý thức được giá trị mà việc hợp tác công nhận tín chỉ, chương trình đào tạo giữa các trường mang lại nên chưa quan tâm. Trong khi tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, hợp tác công nhận tín chỉ giữa các trường ĐH đã có từ lâu, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập ở nhiều môi trường.

Trước câu chuyện nhiều trường triển khai nhưng số lượng sinh viên tham gia ít ỏi, tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội - nhận định: những khóa trao đổi là cơ hội trải nghiệm cho sinh viên nhưng lại không có sức hấp dẫn. Phía Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng cho rằng, việc các khóa học trao đổi sinh viên thường tổ chức vào dịp hè là một điểm hạn chế, vì lịch học của các trường không giống nhau. Trong 4 năm trở lại đây, sinh viên phải hoàn thành 180 tín chỉ trong 5 năm nên đa phần chọn học thêm trong dịp hè để ra trường đúng tiến độ. Dẫn đến không đủ lượng sinh viên tham gia các khóa học trao đổi.

Ông Nguyễn Đức Trung cũng lý giải: “Sinh viên khi chọn trường ĐH đã chọn luôn các yếu tố có sẵn ngoài chương trình như môi trường sống, cơ hội việc làm. Khi lên năm thứ hai, thứ ba, các bạn hầu như vừa học vừa làm, gắn công việc với địa điểm học tập nên không có nhu cầu dịch chuyển sang một thành phố khác. Về phía chương trình học, nếu giống nhau thì không có cớ để chuyển đổi, nhưng nếu khác nhau hẳn thì lại không thể chuyển đổi được”.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho rằng sinh viên thích học ở đâu là ở yên đó vì đã quen với môi trường, khí hậu, sinh hoạt, công việc. Việc truyền thông để sinh viên nắm rõ, quan tâm và hứng thú là một vấn đề không đơn giản. Nhiều bạn vẫn chưa hình dung và biết được giá trị của việc này. Ông cũng nhấn mạnh: “Việc chọn nơi liên kết cũng rất quan trọng. Trường đối tác có ngang bằng chất lượng đào tạo, giảng viên, phương pháp đánh giá có tương đồng hay không? Ở nước ta chưa có sự định hình rõ ràng về vấn đề này. Nếu chỉ dừng lại ở chuyện học mà không quan tâm đến chuẩn đầu ra thì lại không tốt”.

Uông Ngọc - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI