Giảm 5% không giải quyết được khó khăn
“Em mong nhà trường cân nhắc lại vấn đề học phí, do tình hình COVID-19 quá phức tạp nên bố mẹ em không đi làm được và trường giảm 5% học phí của một học kỳ thì tính ra là giảm mấy trăm ngàn đồng không giúp gì được đâu ạ”, là ý kiến của sinh viên Trường đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng chia sẻ trên trang Sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng, khi hay tin nhà trường giảm 5% học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 để hỗ trợ người học.
Sinh viên T.M. chia sẻ: “Vấn đề mà em muốn trình bày là mong được giảm học phí một cách đáng kể. Vì tình hình dịch bệnh, gia đình em chủ yếu thu nhập từ lao động không có hợp đồng. Em là sinh viên chương trình chất lượng cao nên học phí 18 triệu đồng/học kỳ. Mong nhà trường hỗ trợ giảm học phí cho sinh viên từ 10% trở lên”.
|
Người học mong muốn được giảm học phí vì ảnh hưởng dịch bệnh chỉ học online, không còn các hoạt động ngoại khóa hay thực hành trong phòng thí nghiệm… |
T.M. nêu lý do: “Thời gian qua, chúng em đã học online bốn tháng. Sắp tới cũng học online có thể hết năm, không sử dụng cơ sở vật chất, cụ thể là thư viện, nhà vệ sinh, thang máy, hầm xe, hồ bơi, sân tập, nhà thi đấu. Em đang ở TP.HCM là tâm dịch, nhà em đã phong tỏa 42 ngày. Ngoài ra, nguồn thu của người bảo hộ, cụ thể là ba mẹ em có ảnh hưởng. Em rất hy vọng nhà trường có thể thấu hiểu và cảm thông cũng như giúp đỡ để chúng em yên tâm trong năm học tiếp theo…”.
Theo các sinh viên, người học cũng là khách hàng. Lúc bình thường, khách hàng đã lựa chọn gắn bó với nhà trường thì khi khó khăn mong là trường cũng đừng bỏ rơi khách hàng.
H.Q., sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Hoa Sen, cho biết: “Em mong nhà trường xem xét lại mức học phí học kỳ này. Nguồn thu nhập chính của gia đình em là ba và chị em nhưng hiện tại chị em thất nghiệp vì công ty đã nghỉ. Đối với việc giảm 5% học phí học kỳ I không giải quyết được gì. Em nghĩ không riêng gia đình em mà rất nhiều gia đình khác cũng khó gồng nổi mức học phí khá cao của trường ở thời điểm hiện tại”.
Dù vậy, sinh viên các trường này vẫn còn may mắn hơn nhiều trường khác vì đến thời điểm này có rất ít trường ĐH thông báo giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người học trong tình hình dịch bệnh. Hầu hết các trường chỉ giữ nguyên mức học phí để chia sẻ. Điều này vấp phải sự phản ứng lớn từ phía người học, bởi gần như hai năm nay quá khó khăn.
Không gồng nổi với mức học phí cũ
Một phụ huynh của Trường dân lập Quốc tế Việt Úc cho biết, chị đang xin chuyển con về trường công học tiếp lớp Bảy dù con đã gắn bó và yêu thích môi trường với bạn bè nhiều năm nay. Lý do đơn giản là gia đình không kham nổi mức học phí hơn trăm triệu đồng ở thời điểm dịch bệnh khó khăn, cửa hàng của gia đình phải đóng cửa hơn hai tháng. Và trong thời gian tới, con phải học online dài hạn nên mong muốn chuyển về trường công học để giảm chi phí.
Ghi nhận cho thấy, xu hướng này đang diễn ra khá nhiều tại TP.HCM. Bởi hầu hết các trường tư, trường có yếu tố nước ngoài bậc phổ thông tại TP.HCM đều ghi nhận mức học phí năm học 2021 - 2022 tăng so với năm trước, mức tăng thấp nhất cũng vào khoảng 8% so với năm học 2020 - 2021. Trong khi sau hai năm chống chọi với dịch bệnh, kinh tế của nhiều gia đình đã gần như cạn kiệt. Vì thế, để đi đường dài, họ bắt buộc phải tìm đường chuyển con về những trường tư thục thuần Việt Nam hoặc trường công lập để giảm nhẹ gánh nặng kinh tế.
Hơn nữa, theo nhiều phụ huynh, lâu nay phụ huynh chọn trường tư vì ưu điểm của trường tư so với trường công nằm ở các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, ngoại ngữ tăng cường và các dịch vụ chăm sóc người học, cơ sở vật chất khang trang. Mà dịch vụ này chỉ thực hiện được khi học sinh đến trường. Trong tình hình dịch kéo dài thì học sinh loại hình trường nào cũng chỉ ngồi nhà học online, như vậy quá lãng phí khi phải tốn hàng trăm triệu đồng học phí mỗi năm. Giá như các trường hỗ trợ mức học phí online khoảng bằng 50% học phí học bình thường thì phụ huynh sẽ thấy sự sẻ chia và thông cảm, cùng nhau vượt khó.
Trường công dễ, trường tư khó
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết, nhằm chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính với phụ huynh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của sở về giữ nguyên mức thu học phí của năm học 2020 - 2021 thực hiện cho năm học 2021 - 2022. Sở cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo năm học 2021 - 2022 đến năm học 2025 - 2026…
Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, buộc năm học 2021 - 2022 phải dạy học trực tuyến, sở cũng đề xuất UBND TP.HCM giãn thời gian thu học phí, tạm không thu học phí học kỳ I. Đồng thời, đề xuất miễn học phí học kỳ I như một chính sách hỗ trợ cho phụ huynh và học sinh từ mầm non đến phổ thông và đang chờ chỉ đạo từ Thường trực UBND.
Trước đó, khi nhiều trường quốc tế liên tục thông báo tăng học phí theo lộ trình, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có văn bản đề nghị các trường ngoài công lập ổn định mức thu học phí năm học 2021 - 2022.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành và các cơ sở giáo dục và đào tạo, yêu cầu giữ ổn định học phí năm học mới để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh.
Một lãnh đạo trường ĐH tư thục tại TP.HCM cho biết, theo quy định, mỗi năm trường sẽ điều chỉnh học phí trong khoảng 6%. Tuy nhiên, năm nay trường quyết định không tăng học phí. Về thời gian đóng học phí, vì tình hình dịch bệnh nên khó hoàn thành một lần nên trường có chính sách gia hạn hỗ trợ sinh viên. Hiện nhiều sinh viên cũng đang thực hiện việc đóng học phí theo khả năng, tình hình mà gia đình đáp ứng được. Học kỳ I năm học 2021 - 2022, trường áp dụng dạy trực tuyến, ngoài các học liệu điện tử, trường thực hiện chính sách gửi tài liệu giấy đến tận nhà cho sinh viên…
Tuy vậy, không phải trường tư nào cũng làm được điều này. Theo lãnh đạo các trường, trường công dễ dàng thực hiện nhưng trường tư thì khó. Thực tế, trường có khó khăn của trường, lương thầy cô không dám giảm, mà giảm thì trên cơ sở nào? Như mới đây, Trường ĐH Hoa Sen lấy ý kiến giảm lương, thầy cô phản ứng rất nhiều.
Còn các trường phổ thông tư thục thì cho rằng dù đã tính toán đến phương án không tăng học phí để chia sẻ với người học nhưng trường tư như một doanh nghiệp, thu ít nhất phải đủ bù chi. Các chi phí đầu ra như chi phí bản quyền chương trình, mặt bằng, thuế, lương… không giảm, thậm chí là tăng lên vì trượt giá quá lớn.
Tiêu Hà