Ngày nay, có lẽ chẳng thầy cô nào còn bất ngờ khi bắt gặp những sinh viên hổng kiến thức cơ bản, mù mờ kỹ năng sống, có thể dành cả ngày để lướt web, shopping, check-in nhưng ngán ngại đọc sách báo, tài liệu chuyên ngành… Các nhà giáo dục ví von những sinh viên dạng này là những chú “gà bông”: học mãi vẫn cứ thiếu cơ bản.
“Quên” cả Quốc ca
Tại buổi chung kết cuộc thi Nét đẹp sinh viên (SV) (Miss and Mr VJIT) của Viện đào tạo Việt - Nhật thuộc Trường đại học (ĐH) Công nghệ TP.HCM, phần thi ứng xử của những SV được đánh giá là “xuất sắc lọt vào vòng chung kết” đã khiến nhiều người bật ngửa.
Nam SV Lâm Tấn T. nhận được câu hỏi có thể nói là… dễ ợt: “Em có nhớ bài Quốc ca nước ta tên gì và do ai sáng tác không?”. Thật khó tin khi sau một lúc ngập ngừng, T. trả lời: “Thưa chị, tên bài Quốc ca của nước Việt Nam là Bài ca tổ quốc Việt Nam”. Cả hội trường lặng phắc. Vị nữ giám khảo phải khỏa lấp bằng cách đề nghị nam sinh này về tìm hiểu thêm.
Theo quy định của trường này, bất kỳ SV nào vào học đều phải qua một tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, để cập nhật các quy định pháp luật, quy định của trường, các kỹ năng và kiến thức cần thiết. Thế nhưng, đến tận ngày tốt nghiệp các bạn SV này vẫn hồn nhiên… như cô tiên.
Chuyện SV không biết Quốc ca được đưa lên trang Cộng đồng SV HUTECH, không ngờ lại được hàng loạt SV khác vô tư bình luận cũng là chuyện... bình thường! Càng giật mình hơn, khi với cùng câu hỏi đó, có SV còn cho đó là Tiến quân ca do… Nam Cao sáng tác (!). Một nam SV còn khẳng định: “Bài này là Tiếng gọi công dân của Lưu Hữu Phước. Lâu quá rồi không nhớ hát sao nữa”…
Tham gia một game show kiến thức, bạn Phạm Thị Q., cựu SV Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã “bí” trước những câu hỏi cứ tưởng... ai cũng biết. Khi được hỏi về El Nino, về một loại dương xỉ, một điệu nhảy, một khu rừng ở châu Phi hay một hiện tượng thời tiết… Q. luôn miệng than khó.
Có lần phỏng vấn một SV có thành tích học tốt của Trường ĐH Kinh tế - Luật, chúng tôi thật sự bất ngờ khi bạn này không biết Bình Thuận thuộc miền nào, Bắc, Trung hay Nam bộ. Thấy chúng tôi tỏ thái độ không tin vào cái sự “không biết” đó, bạn SV này chống chế: “Em từ nhỏ đến giờ chỉ đi học rồi về nhà, ít khi ra khỏi TP.HCM nên không nhớ rõ lắm”.
Phổ thông né, đại học hứng
Các chuyên gia giáo dục thừa nhận, HS - SV hiện nay rất lười đọc những thông tin bổ trợ kiến thức mà chỉ bị cuốn hút bởi những thông tin, hình ảnh tiêu cực. Phim ảnh, truyền hình, các kênh nghe nhìn trực tuyến phát triển rất mạnh, các em bị cuốn vào đó không phải để xem tin tức mà chủ yếu là xem phim, đọc những thông tin lăng nhăng không có tính giáo dục. Vì thế, các em không thể tích lũy được những kiến thức căn bản. “Nếu cha mẹ không có thời gian dạy con những điều đó, chỉ dựa vào việc học ở trường thì con sẽ chẳng biết gì về cuộc sống. Chúng tôi gọi đó là thế hệ “gà bông”.
Các em như nai vàng ngơ ngác trước cuộc sống nhưng lại rất sành các xu hướng thời trang, phong trào. Mặt khác, bị ảnh hưởng từ mạng xã hội, giới trẻ ngày nay chỉ chú tâm vào việc thể hiện phong cách cá nhân, thích check-in “sống ảo”; cạnh tranh với nhau đủ thứ, trừ sự hiểu biết”, một giảng viên tâm lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận xét.
Chị Cao Mỹ Hoa, phụ huynh Trường THPT Võ Thị Sáu, kể: “Con trai tôi học lớp 11, đi học về là chơi game, facebook, xem youtube. Mẹ làm nghề viết lách nhưng con lại không hề đọc sách báo. Khi thi lớp 10, đề văn ra về thông tin thời sự, con tôi bí kiến thức để bình luận, đã bỏ trống phần nghị luận xã hội. Tôi đem vấn đề chia sẻ với bạn bè, mọi người cũng cùng một kết luận là giới trẻ ngày nay gần như không còn thích đọc báo nữa. Kỹ năng sống càng là chuyện xa vời vì trường chẳng dạy gì ngoài học và học”.
|
|
Lý giải về lỗ hổng này, ThS Phạm Thái Sơn - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - nói: “Việc dạy các em yêu gia đình, quê hương, biết những kỹ năng thường thức là nhiệm vụ của giáo dục phổ thông, nhưng lỗ hổng từ bậc học trước đang trút cho bậc ĐH gánh hậu quả. Ở bậc phổ thông, HS không được hướng đến những quan tâm xã hội mà chỉ tập trung vào kiến thức và kỹ năng để đạt mục tiêu thi cử. Gần đây, việc dạy kỹ năng cho HS có được nhắc đến nhưng thực tế thì chưa làm được bao nhiêu. Những giờ học ngoại khóa chỉ triển khai qua loa, sơ sài. Cho nên, HS rất thiếu những kiến thức cần cho cuộc sống”.
Lên ĐH, nếu các trường có quan tâm thì cũng chỉ dồn vào việc làm sao để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp cho các em chứ không thể lo lấp cho đầy những khoảng trống bậc phổ thông để lại.
“Không phải chúng tôi đổ thừa nhưng thật sự là bậc ĐH đang gánh chịu hậu quả của giáo dục phổ thông. Chúng ta không thể đòi hỏi chương trình bậc ĐH phải dạy những kiến thức phổ thông. Bậc ĐH là giáo dục nghề nghiệp, không đủ thời gian để phổ biến những kiến thức cuộc sống thường ngày. Các kỹ năng mà bậc ĐH trang bị cho SV là kỹ năng học tập, trải nghiệm nghề nghiệp, phương pháp nghiên cứu khoa học, thái độ sống tích cực. Cách sống và ứng xử xã hội của các em phải được hoàn thiện từ phổ thông, bậc ĐH không làm nổi!”, ông Phạm Thái Sơn nhấn mạnh.
Các nhà giáo dục khẳng định, cách khắc phục không khó, chẳng qua ngành giáo dục có muốn khắc phục lỗ hổng đó hay không. Đã đến lúc phải thay đổi, không giảng dạy kỹ năng sống theo kiểu tuyên truyền, rao giảng nữa, mà phải dạy những thứ HS cần và thích thú, thông qua các hoạt động vui chơi, trải nghiệm.
Gia Tuệ