Sinh viên “đuối ” vì chuẩn ngoại ngữ

12/12/2013 - 14:23

PNO - PN - Sau khi Báo Phụ Nữ phản ánh hiện tượng mua bằng ngoại ngữ để được cấp bằng tốt nghiệp (Bài Bằng thật mà giả - mua bán vô tư đăng ngày 29/11), nhiều giảng viên, sinh viên cho rằng, việc các trường xác định chuẩn ngoại ngữ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhiều SV mất căn bản ngoại ngữ từ những năm học phổ thông, khi học ĐH lại tiếp tục lơ là với tiếng Anh. Đến khi chuẩn bị xét tốt nghiệp, SV lo lắng bị neo bằng nên đã tìm cách “chạy” chứng chỉ hòng được tốt nghiệp đúng kỳ hạn.

Chạy "cửa sau"

Trường hợp SV phải đi “cửa sau” đề giải quyết món nợ bằng ngoại ngữ đang ngày càng trở nên phổ biến và nhiều SV đã phải nhận “quả đắng”. Mới đây, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn đã ra quyết định hủy kết quả thi tốt nghiệp đối với một SV vì sử dụng kết quả thi TOEIC giả để xét tốt nghiệp. Ngoài ra, khi nhờ phía IIG (đại diện của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ - ETS) hậu kiểm, trường còn phát hiện một trường hợp SV nộp kết quả thi TOEIC quá thời hạn.

Tương tự, khi hậu kiểm chứng chỉ ngoại ngữ do SV nộp vào, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng phát hiện một số trường hợp thi hộ, có một trường hợp nghi vấn sử dụng chứng chỉ giả. Những trường hợp gian lận bằng cấp sẽ bị xử lý theo quy chế. Điển hình, ba SV của Trường ĐH Luật bị phát hiện sử dụng kết quả TOEIC giả, ngoài việc bị trường xử phạt còn bị cấm thi TOEIC ba năm. ThS Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết: Thực tế, SV rất khó “qua mặt” khi gian lận. Nhờ người thi hộ, sử dụng bằng giả... không thể thoát khỏi khâu hậu kiểm. Thay vì tìm cách này cách nọ, SV nên chịu khó đi học để có bằng thật, có thêm vốn ngoại ngữ để đi làm.

Sinh vien “duoi ” vi chuan ngoai ngu

Chuẩn ngoại ngữ đang là nỗi lo của nhiều SV - Ảnh: SV Trường ĐH Văn Hiến trong giờ học ngoại ngữ

Mỗi trường mỗi chuẩn

Hiện mỗi trường ĐH-CĐ áp dụng mức chuẩn khác nhau, từ chứng chỉ quốc gia A, B, C đến chứng chỉ quốc tế như TOEIC, B1 theo khung tham chiếu châu Âu... Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM chỉ yêu cầu SV có chứng chỉ B Anh văn nhưng phải do các đơn vị ngoại ngữ lớn hoặc các trường thành viên ĐHQG cấp. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM yêu cầu SV phải có chứng chỉ TOEIC từ 450-550 dành cho SV nhập học từ năm 2009, tuy nhiên, trường này không tổ chức thi mà SV phải thi bên ngoài lấy chứng chỉ nộp về trường.

Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh cho SV hệ chính quy tương đương trình độ B1 trong khung tham chiếu ngôn ngữ chung của châu Âu. Để đạt trình độ này, ngay khi nhập học, SV sẽ trải qua vòng kiểm tra tiếng Anh đầu vào để theo học lớp Anh văn điều kiện (Anh văn 1 và Anh văn 2). Trước khi tốt nghiệp, SV sẽ tham gia kỳ thi do trung tâm ngoại ngữ của trường tổ chức, nhưng không phải cấp chứng chỉ mà chỉ công nhận trình độ tương đương B1.

ThS Phạm Thái Sơn cho rằng, việc trường xác định chuẩn ngoại ngữ với SV bậc ĐH là TOEIC 500 (hoặc chứng chỉ C quốc gia), bậc CĐ là TOEIC 400 (hoặc chứng chỉ B), bậc trung cấp là TOEIC 300 (hoặc chứng chỉ A) thực tế không phải quá cao so với trình độ SV. Những học phần ngoại ngữ trong chương trình học đủ để SV-HS đạt được trình độ tương đương nếu các em chịu học một cách nghiêm túc. Qua khảo sát, SV bậc CĐ-ĐH chính quy sắp tốt nghiệp hầu như đều chuẩn bị điều kiện này. Những em bị nợ thường nằm ở nhóm SV hệ nghề hoặc trung cấp.

Sinh viên: "chuẩn cao quá!"

Trong khi đó, SV lại cho rằng nhiều trường xác định “chuẩn” cao như ngầm khẳng định vị thế, chất lượng trường mình. Tuy nhiên, việc áp dụng chuẩn đầu ra đôi khi chỉ là mong muốn đơn phương của nhà đào tạo, hoàn toàn không phù hợp với trình độ thực tế của SV. Như trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, từ năm 2010, đã xác định chuẩn ngoại ngữ khá “oách” là TOEIC 350 nhưng số SV có thể đáp ứng “chuẩn” này ngày càng ít khiến trường đã phải nhìn lại. Trước thực tế đó, cuối tháng 7/2013, hiệu trưởng trường buộc phải “hạ chuẩn”, thậm chí chỉ cần có điểm TOEIC 200 sẽ được xét tốt nghiệp.

Mới đây, khi công bố tỷ lệ SV tốt nghiệp niên hạn 2012 thấp đáng kể, Ban giám hiệu Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhà trường bắt đầu áp dụng chuẩn ngoại ngữ theo Đề án ngoại ngữ 2020. Do chuẩn đầu ra khá cao, nhiều SV không thể theo kịp nên có ngành tỷ lệ tốt nghiệp chỉ khoảng 7% so với đầu vào.

Một cán bộ phụ trách công tác kiểm định chất lượng cho rằng, việc các trường tự xác định chuẩn đầu ra là đúng nhưng việc thực hiện thì đang... loạn. Nếu áp dụng chuẩn ngoại ngữ quốc tế thì phải do những đơn vị khảo thí uy tín thực hiện. Không phải trường ĐH nào cũng có chuyên ngành ngoại ngữ đủ chuẩn tổ chức thi và đánh giá được quốc tế công nhận. Hơn nữa, việc xác định chuẩn đầu ra phải được thực hiện đồng bộ từ khâu đầu vào và trong quá trình đào tạo. Trong khi đó, hầu hết các trường không xem trọng trình độ ngoại ngữ ở đầu vào.

TIÊU HÀ

Mục tiêu Đề án ngoại ngữ 2020:

Đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể, với các ngành học không chuyên ngữ, sau khi tốt nghiệp sinh viên phải đạt trình độ tối thiểu bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ; đối với các ngành chuyên ngữ, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng phải đạt trình độ bậc 4, tốt nghiệp đại học phải đạt trình độ bậc 5 đồng thời được đào tạo ngoại ngữ 2 đạt trình độ bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI