Sinh viên đi cướp, sao không nghĩ đến tương lai và công lao cha mẹ?

25/02/2025 - 09:10

PNO - Trưa 22/2, Trương Hùng Đức, 22 tuổi, đến cửa hàng điện thoại ở TP Thủ Đức (TPHCM) cầm hung khí đe dọa nhân viên cướp hơn 150 triệu. Đức bị bắt sau vài giờ lẩn trốn.

Làm việc với công an, Đức (quê Phú Yên) khai đang là sinh viên năm 4 trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, đã làm đồ án tốt nghiệp. Do ham mê ăn chơi, Đức lún sâu vào nợ nần, hiện còn nợ 180 triệu đồng. Bị chủ nợ thúc ép, không có khả năng chi trả, cậu cầm dao đi cướp.

Đức lúc bị bắt giữ - Ảnh: Công an cung cấp
Đức lúc bị bắt giữ - Ảnh: Công an cung cấp

Có lẽ từ khi Đức bước vào giảng đường đại học, cậu luôn là niềm hy vọng, tự hào của gia đình ở quê nhà. Nhưng Đức đã tự đặt dấu chấm hết cho tương lai của chính mình, và đạp đổ công lao cha mẹ, làm đau lòng bậc sinh thành.

Đức chỉ còn ít tháng nữa là tốt nghiệp đại học. Vậy mà...

Đức nói: "Em rất hối hận, ước gì không lún sâu vào các tệ nạn, để không vướng nợ nần". Những giọt nước mắt muộn màng của Đức không giúp gì cho cậu được nữa.

Trước khi có kết cục ngày hôm nay, sao Đức không nhìn ra xung quanh, trạc tuổi em, có những bạn trai bạn gái, từ quê lên thành phố học, vừa học vừa đi làm thêm, đi dạy kèm, tự nuôi bản thân. Có em còn đỡ đần cha mẹ. Những bạn trai, bạn gái ấy cũng xa gia đình, cũng đối mặt với rất nhiều cám dỗ, nhưng họ chọn đi vào con đường sáng, dù vất vả, để làm người lương thiện.

22 tuổi, Đức đã đủ khôn lớn, đã đến tuổi phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của mình. Được đi học, có hiểu biết. Khi vướng cảnh nợ nần, em vẫn chưa tỉnh ngộ mà tiếp tục dấn sâu vào con đường lầm lạc. Giờ đây, mọi thứ đã khép lại. Kết cục ngày hôm nay là do em lựa chọn, không phải do hoàn cảnh thúc ép.

Để nuôi 1 đứa con khôn lớn, đi học đến bậc đại học, những người làm cha làm mẹ đã phải làm lụng vất vả, đánh đổi nước mắt, mồ hôi. Hẳn là họ sẽ vô cùng đau xót khi biết rằng, đứa con mà mình yêu thương nâng niu, ráng cho ăn học với rất nhiều kỳ vọng, mong rằng con sẽ có tương lai tươi sáng, cuộc đời hạnh phúc, giờ đây vướng vòng lao lý.

Cảnh Đức vào cửa hàng dùng dao khống chế nữ nhân viên để cướp tiền - Ảnh cắt từ clip
Cảnh Đức vào cửa hàng dùng dao khống chế nữ nhân viên để cướp tiền - Ảnh cắt từ clip

Nhiều sinh viên khi xa quê lên thành phố học, rất dễ bị cám dỗ, rồi sa ngã, đánh mất mình.

Có em nhiễm thói hư tật xấu, ăn chơi sa đọa, sa vào cạm bẫy tín dụng đen, từ đó nợ chồng nợ. Có em lỡ làm mất tiền để đóng học, vì quá sợ, trong khi luôn được tín dụng đen hay các app chào mời, thủ tục vô cùng dễ (nếu không muốn nói là hầu như không phải trải qua thủ tục gì), nhiều em làm liều đi vay, trở thành con nợ.

Rồi trong cơn túng quẫn vì nợ nần, có em dại dột đi cướp, có em sợ hãi tìm đến cái chết. May mắn là trong số đó, có những em chọn cách khai báo sự việc với gia đình.

Các em đáng trách, nhưng vẫn có phần nào đáng thương. Giá như các em có kỹ năng sống, đủ chín chắn và khôn ngoan, biết cách vượt qua cám dỗ, nói không với cái xấu, thì sẽ không có một ngày phải rơi những giọt nước mắt muộn màng.

Từ câu chuyện của Đức, mong rằng, các bậc cha mẹ hãy dạy cho con mình kỹ năng sống, để khi con đối mặt với cám dỗ sẽ không sa ngã. Cha mẹ cũng hãy là chỗ dựa tin tưởng cho con, để nếu con lầm đường lạc lối, thay vì chọn cách giải quyết tiêu cực, thì sẽ về bên gia đình, nói thật mọi chuyện với cha mẹ. Mong các nhà trường, nếu có thể, hãy đẩy mạnh tuyên truyền để sinh viên có thêm kỹ năng, nắm được rủi ro và từ đó không rơi vào "bẫy" tín dụng đen.

Pháp luật luôn khoan hồng với những người sai nhưng biết ăn năn, mong rằng, Đức, và rất nhiều những người trẻ tuổi khác, đang phải vướng vòng lao lý để trả giá cho những hành vi vi phạm của mình, hãy cố gắng sống tốt, làm lại cuộc đời.

Mong rằng, trước khi muốn làm bất cứ điều gì, các em hãy nghĩ đến công lao cha mẹ và cả tương lai của chính mình.

Thanh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI