Sinh viên đâu phải là lao động giá rẻ

30/01/2024 - 06:07

PNO - Các doanh nghiệp và tổ chức thường yêu cầu kinh nghiệm thực tế như một yếu tố quan trọng trong việc tuyển dụng lao động. Vì vậy, rất nhiều người trẻ trên khắp thế giới phải chấp nhận làm những công việc không lương hoặc nhận lương thấp dưới hình thức thực tập, ngoài giờ để có kinh nghiệm và trang trải cuộc sống.

Hình thức bóc lột lao động trẻ
Ban ngày, Lucas là một thực tập sinh không lương. Màn đêm buông xuống, chàng trai 27 tuổi này gấp rút chuyển sang ca thứ hai: làm việc tại một thư viện ở ngoại ô Paris, Pháp để có tiền thanh toán các hóa đơn của mình. Lucas nói: “Bạn làm việc để thực tập và sau đó làm việc để kiếm tiền”. Thực tập thì không được trả lương, còn công việc tại thư viện chỉ đem lại cho Lucas 344 euro mỗi tháng. Rất dè sẻn chi tiêu, anh chua xót: “Mọi người nói bạn thật may mắn vì có nơi thực tập, nhưng tôi đang phải trả giá cho sự may mắn đó khi phải cắt giảm thực phẩm hoặc những thứ khác”. 

Thực tập không lương và việc làm lương thấp gây tổn hại cho sức khỏe và sự hòa nhập xã hội của người trẻ tuổi - Ảnh minh họa: Getty Images
Thực tập không lương và việc làm lương thấp gây tổn hại cho sức khỏe và sự hòa nhập xã hội của người trẻ tuổi - Ảnh minh họa: Getty Images

Tình cảnh của Lucas là một thực tế ngày càng trở nên phổ biến đối với những người trẻ khi việc thực tập không lương và lao động lương thấp phổ biến trên thế giới. Một cuộc khảo sát năm 2016 với 3.800 người Úc cho thấy: 58% số người được hỏi từ 18-29 tuổi và 26% nhóm 30-64 tuổi cho biết đã từng làm việc không lương ít nhất 1 lần trong vòng 5 năm trước đó.

Ngoài ra, dữ liệu năm 2017 cho thấy: 37,4% sinh viên đại học Úc đang tham gia các khóa học yêu cầu họ phải làm việc thực tế nhưng không được trả lương. Tại Liên minh châu Âu (EU), Nghị viện châu Âu (MEP) đã nhiều lần mô tả việc thực tập không lương là “hình thức bóc lột lao động trẻ và vi phạm quyền cá nhân”. Tháng 6/2023, MEP đã bỏ phiếu để giao nhiệm vụ cho Ủy ban châu Âu soạn thảo luật cấm hầu hết các chương trình thực tập không lương trên toàn khối. Việc MEP thúc đẩy cải thiện chất lượng thực tập diễn ra sau nhiều năm vận động của các nhóm xã hội. Họ đã chỉ ra rằng, lĩnh vực này phần lớn vẫn chưa được kiểm soát. 

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy: 78% người trẻ từng tham gia ít nhất 1 lần thực tập. Những trải nghiệm thực tập rất khác nhau, từ các tổ chức đào tạo thực sự và tạo bước đệm cho sự nghiệp, đến những tổ chức chỉ đơn giản là sử dụng người trẻ như một hình thức lao động giá rẻ hoặc không lương. Bà Tea Jarc - Thư ký liên bang của Tổng liên đoàn châu Âu (ETUC) - cho biết: “Không thể đưa ra những đãi ngộ khác biệt đối với người trẻ chỉ vì họ còn trẻ. Bạn không thể buộc họ làm việc không công. Trong nhiều khóa thực tập, chúng tôi nhận thấy khía cạnh đào tạo hoàn toàn bị ngó lơ, không có sự dìu dắt, giám sát hay hướng dẫn”. Thậm chí một số doanh nghiệp còn hạn chế khả năng thăng tiến của người lao động bằng cách liên tục tìm kiếm tuyển dụng thực tập sinh thay vì thuê người mới. 

Mối nguy cho sinh viên quốc tế

Melissa Chirino nhớ lại cảnh những nhà tuyển dụng đến trường trung học của cô ở quốc đảo Curaçao thuộc vùng Caribe và ca ngợi những lợi ích của việc học tập tại Canada. Nhưng khi Chirino bắt đầu học tại Trường cao đẳng Douglas (tỉnh British Columbia, Canada), cô đã phải mất 1 năm ở chung với gia đình người bản xứ, chịu chi phí cao  sau đó mới có thể tìm được nơi thuê trọ vừa túi tiền.

Nhiều sinh viên quốc tế như Chirino bị thu hút vì những hứa hẹn về trường học tốt, tương lai nghề nghiệp vững chắc và cơ hội sống ở Canada. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại rằng sinh viên quốc tế bị các trường chất lượng thấp và những người sử dụng lao động vô đạo đức lợi dụng. Selina Robinson - Bộ trưởng Giáo dục sau trung học và Kỹ năng tương lai của British Columbia - cho biết, chính quyền sẽ đưa ra một “khuôn khổ” mới trong năm 2024, nhằm thực thi các tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với các trường giảng dạy sinh viên nước ngoài, đặc biệt là nhóm trường tư nhân. Jenny Francis - giáo sư địa lý tại Trường cao đẳng Langara - gần đây đã hoàn thành một nghiên cứu kéo dài 3 năm với sinh viên quốc tế và kết luận: họ là nhóm đối tượng thường phải làm việc nhiều giờ với mức lương thấp trong khi cố gắng hoàn thành việc học.

Francis nhận xét: "Về cơ bản, họ là lao động nước ngoài tạm thời kiểu mới”. Bản thân Francis bắt đầu nhận thấy ngày càng nhiều sinh viên phải “lê bước” đến lớp, đôi khi là sau ca làm việc 12 giờ trong nhà kho và các cơ sở kinh doanh khác. Thậm chí có người phải làm việc nhiều đến nỗi họ hầu như không còn thời gian đến trường. Chirino chia sẻ: "Tất cả chúng ta đều muốn rằng sinh viên không cần phải làm việc 40 giờ mỗi tuần để trả tiền thuê nhà, tiền tạp hóa, thực phẩm. Tôi ước điều đó là sự thật. Nhưng khi nhìn vào mức học phí và số tiền họ phải trả, bạn sẽ thấy điều đó đơn giản là bất  khả thi". 

Linh La

 (theo The Guardian, The Conversation, EUobserver)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI