Sinh viên chỉ được vay tối đa 2,5 triệu đồng/tháng

11/09/2020 - 07:40

PNO - Năm học 2020-2021, nhiều trường đại học thông báo tăng học phí, có trường tăng gấp nhiều lần so với năm trước do thực hiện tự chủ tài chính. Mức học phí mới quá cao so với thu nhập của nhiều gia đình lao động. Báo Phụ Nữ TPHCM trao đổi với ông Trần Văn Tiên - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM - về nguồn vốn hỗ trợ học tập dành cho sinh viên.

Phóng viên: Năm học này, nhiều trường đại học (ĐH) thông báo mức học phí mới lên đến hàng chục triệu đồng/năm. Như vậy, mức vay tối đa cho học sinh, sinh viên (HSSV) của Ngân hàng Chính sách xã hội có điều chỉnh tăng không, thưa ông?

Ông Trần Văn Tiên: Theo Quyết định số 1656/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/12/2019, mức cho vay tối đa đối với một HSSV được điều chỉnh tăng từ 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Lãi suất cho vay ưu đãi tiếp tục được giữ nguyên là 0,55%/tháng.

ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM
Ông Trần Văn Tiên - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM

* Như vậy, mức cho vay vẫn còn quá thấp để chi phí cho việc học ĐH? 

- Có thể nói Quyết định 1656 là một bước điều chỉnh mức vay khá mạnh trong 12 năm qua. Mặc dù mức vay chưa thể đáp ứng được nhu cầu của HSSV và mức học phí hiện hành nhưng đã thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đối với chương trình tín dụng này. 

Chính sách tín dụng đối với HSSV đang được áp dụng để hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt bao gồm: học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại. Dĩ nhiên, nguồn vốn vay này không thể lo trọn gói 100% chi phí cho HSSV. 

* Đối tượng HSSV được vay vốn hỗ trợ học tập có mở rộng thêm không, thưa ông? 

- Đối tượng được vay vốn chương trình tín dụng HSSV là HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường ĐH (hoặc tương đương ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và cơ sở đào tạo nghề, gồm:

HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động. 

HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật; hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật; HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú; lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, học nghề trong các trường: ĐH, CĐ, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, TCCN.

Bộ đội xuất ngũ theo học tại các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ sở dạy nghề khác theo quy định tại Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Người lao động bị thu hồi đất theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất tham gia đào tạo nghề được vay vốn một lần theo quy định của chính sách tín dụng đối với HSSV. 

HSSV y khoa có hoàn cảnh khó khăn đã tốt nghiệp (không quá 12 tháng kể từ ngày tốt nghiệp) các trường ĐH, CĐ, trung cấp và tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành y, trong thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg ngày 2/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài các đối tượng HSSV được vay như hiện tại, năm học này, chưa có thông tin về việc mở rộng thêm đối tượng. 

* Trường hợp đúng đối tượng vay, HSSV phải làm những thủ tục gì? 

- Nếu thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định, HSSV liên hệ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận, huyện hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi gia đình sinh sống để được hướng dẫn thủ tục. 

Đối với cho vay thông qua hộ gia đình, quy trình và thủ tục vay vốn như sau: người vay viết giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu) kèm giấy xác nhận của nhà trường hoặc giấy báo nhập học, giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (đối với HSSV y khoa sau khi tốt nghiệp vay vốn theo Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) gửi cho Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn khu phố, ấp nơi người vay đang sinh sống. 

Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận được hồ sơ xin vay vốn của người vay, tiến hành họp để bình xét cho vay, kiểm tra các yếu tố trên giấy đề nghị vay vốn, đối chiếu với đối tượng xin vay đúng với chính sách vay vốn của Chính phủ.

Trường hợp người vay chưa là thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn thì Tổ tiết kiệm và vay vốn tại khu phố, ấp tổ chức kết nạp thành viên bổ sung hoặc thành lập tổ mới nếu đủ điều kiện.

Sau đó, lập danh sách hộ gia đình đủ điều kiện vay vốn kèm giấy đề nghị vay vốn, giấy xác nhận của nhà trường hoặc giấy báo nhập học, giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trình UBND cấp xã xác nhận và gửi toàn bộ hồ sơ vay vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để làm thủ tục phê duyệt cho vay.

* Để vay được tiền hỗ trợ học tập, HSSV phải làm không ít thủ tục?

- Về thủ tục đã là quy định chung, thống nhất từ Trung ương, các Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phát vay đúng quy trình, đối tượng. 

* Xin cảm ơn ông. 

Hạnh Chi (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI