Sinh tử vô thường

09/08/2013 - 16:17

PNO - PN - “Cuộc sống kỳ lạ lắm. Anh nhớ chuyện bé Thiện Nhân ở Núi Thành không?” - BS Nguyễn Văn Sách, Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi như vậy.

BS Sách là trưởng kíp trực tối 4/8, “nhân vật trung tâm” của chuyện cháu bé nặng 700g sinh ở Tam Xuân, Núi Thành, chết rồi nhưng khi gia đình sắp mai táng thì phát hiện còn sống, khiến dư luận xôn xao mấy ngày qua. “Đó, Thiện Nhân bây giờ đang sống ở Hà Nội, mạnh khỏe, dù mất một chân và bộ phận sinh dục. Tôi nhớ lúc đó đưa vào cấp cứu, tôi được mời hội chẩn, tôi dám nói bé đã sinh không phải ba ngày mà phải là gần 10 ngày. Điều vô cùng kỳ lạ là bị bỏ ngoài rừng, mất hẳn một chân và cơ quan sinh dục, vẫn sống. Mất chân đến sát háng, nếu không cấp cứu kịp sẽ chết bởi mất máu vì đứt động mạch chân, nhưng cháu bé không chết. Chính Khoa Sản chúng tôi nuôi, tổ chức đầy tháng cho bé, tôi nhớ tôi cắm hoa còn BS Tố Trinh, Trưởng Khoa chụp ảnh, bàn tới bàn lui, cuối cùng thống nhất đặt tên là Thiện Nhân, bởi chúng tôi nghĩ số phận nó kỳ lạ, mong nó sau này lớn lên làm người lương thiện…”.

Rồi ông bật cười: “Đó, khoa học giải thích đi, vì sao nó sống?”. “Vậy, trường hợp bé 700g hôm nọ thì sao?”. “Sản phụ đó, từ 22/6 đến 2/8, điều trị động thai ở Khoa Sản. Có mấy ai biết mẹ đã sinh bé ngay trên đường đi đến bệnh viện không? Sinh ngay trong quần, đưa vào khoa, chúng tôi chỉ việc cắt rốn. Tình trạng cháu bé lúc đó là lúc trắng, lúc tím. Chúng tôi cho hồi sức, tim cháu lúc đập lúc dừng, rời rạc lắm”. “Anh đánh giá bé chết, là đúng hay sai?”. “Đánh giá vậy là sai, nhưng trong công thức là đúng. Sai ở chỗ, với tôi thì bé đã chết lâm sàng, đưa về thì sống lại, gia đình hỏi: Sao nói con tôi chết, nhưng nó sống đây? Còn đúng công thức, vì thai 22 tuần, bị sẩy, nặng 700g, về lý mà nói, chúng tôi có quyền không hồi sức, nhưng lương tâm nghề nghiệp không cho phép chúng tôi bỏ. Quy định nếu hồi sức 30 phút mà không được, thì bỏ, nhưng chúng tôi đã hồi sức gần một giờ. Báo chí dẫn lời gia đình là sau 30 phút khi sinh, được yêu cầu đưa về vì chết, nói vậy là không đúng”.

“Lúc trao cho gia đình, đứa bé chết chưa?”. “Chết rồi”. “Có ý kiến nói tại sao không chuyển bệnh viện Nhi ngay?”. “Muốn chuyển, tôi chỉ cần ba phút ký tờ giấy chuyển, nhưng tôi sẽ chuyển nếu hồi sức có tiến triển tốt, đằng này không phải vậy”. “Nhưng nó đã sống…”. “Đúng, bây giờ ai chửi tôi 30 năm trong nghề mà ngu, tôi cũng chấp nhận, vì nói thiệt tôi không hiểu vì sao cháu sống. Tim cháu ngừng đập, về lý thuyết tim ngừng đập hơn 10 phút là chết não, nhưng trường hợp này kéo dài rất lâu mà không chết. Năng lượng dự trữ ở đâu để nó sống, tôi chịu".

Sinh tu vo thuong

"Ba mươi năm trong nghề, nói thật tôi không hiểu vì sao cháu bé vẫn sống... Tim cháu đã ngừng đập...".  Bác sĩ Nguyễn Văn Sách - Ảnh: Linh Nhi (Vnexpress)

Một bác sĩ chuyên về nhi khoa nói với tôi: Chết đi sống lại như trường hợp trên, khá nhiều. Cháu bé đó, có thể do được quấn ấm, đưa về, quá trình đi lại, tim như được nhồi bóp, thế là sống. Nhưng, nói làm sao cho đúng, cho công bằng, cho đạt đến độ thống nhất giữa lý thuyết và thực tế, giữa bác sĩ và gia đình, là chuyện không dễ dàng gì.

Ông Sách gật đầu: “30 năm trong nghề, tôi chứng kiến bao nhiêu chuyện sống, chết, đến giờ tôi vẫn nói rằng, khoa học không là gì so với cuộc sống mênh mông, bí ẩn. Những cái chết vô lý, những tai biến lạ lùng, những khoảnh khắc sống lạ kỳ. Tôi nhớ có một bà vào bệnh viện, sinh ra đứa bé bị gãy một tay, nữ hộ sinh bị quy trách nhiệm tắm cho bé gây ra sự cố, bị kỷ luật. Bốn năm sau, cũng sản phụ đó vào đẻ, sinh ra cháu bị gãy một tay. Tôi cho mời bác sĩ ngoại chấn thương. Anh này phát hiện cháu gãy thêm một chân. Mời phó giám đốc chuyên về nhi xuống, lại phát hiện gãy một tay. Kết luận: Trẻ bị bệnh bất toàn, tương tự như xương thủy tinh ấy. Đó, nếu không kết luận chính xác có phải chúng tôi bị oan không? Kết luận đó đưa ra khi chị hộ lý kia đã về hưu, mang nỗi oan, ai hiểu cho?

BS Sách phân trần: “Trong trường hợp cháu bé kia, tôi tin người mẹ sẽ hiểu, rằng chị bị sẩy thai, chúng tôi đã cố gắng, không chỉ cứu con mà còn cứu mẹ, bởi sẩy thai thì nhau chưa bong ra hết, nếu sót nhau sẽ dẫn đến tai biến. Trong vòng 30 phút chúng tôi vừa cứu mẹ vừa cứu con. Nếu mẹ chết, chúng tôi sẽ ra sao? Sẩy thai tại ngay cơ sở y tế thì khác, còn sẩy trên đường đi thì khác, bởi phương thức đẻ khác nhau sẽ dẫn đến kết quả khác nhau. Đánh giá một cháu bé sinh ra sống hay chết phải căn cứ vào tuổi thai, trọng lượng và cách đẻ. Đa số người thì chỉ biết sống hay chết mà thôi. Còn như anh hỏi làm sao để đạt đến độ thống nhất giữa bệnh viện và gia đình trong tai biến sản khoa, thì đó là chuyện của giáo dục truyền thông, mà việc này ở ta quá kém”.

Nếu sinh tử là vô thường, thì nơi chứng kiến đầu tiên sự vô thường ấy chính là phòng sinh của khoa sản. Có gì thiêng liêng hơn chuyện một con người chào đời. Họ sẽ sống với gia đình, nhưng người chứng kiến họ chào đời là y bác sĩ chứ không phải cha mẹ. Tôi nhắc những tai biến sản khoa được kết luận là do vô trách nhiệm, chuyên môn và y đức của thầy thuốc kém, rồi chuyện muốn đẻ đỡ đau, muốn chăm bé cho tốt, thì phải “phong bì”… Tất cả trở thành “điểm đen” và như thế, không trách gì truyền thông đặc biệt chú ý đến bên trong cánh cửa khoa sản.

Ông lắc đầu mệt mỏi: “Anh hỏi tôi có vô cảm, trơ lì cảm xúc với chuyện sinh đẻ không ư? Tôi thề với trời đất, là không. Chứng kiến sự ra đời của một con người, kỳ diệu lắm, dù mệt mỏi, bận bịu bao nhiêu nữa cũng phải gạt qua một bên và đón nhận. Có điều tôi muốn nói rằng, làm nghề y, nhất là sản khoa, là phước họa đi kèm, lắm khi không hiểu nổi. Bộ Y tế cho phép nếu thai 25 tuần, tiền sản giật nặng, được phép bỏ con cứu mẹ, vậy họa hay phúc? Họ đưa phong bì khi mẹ tròn con vuông, tôi nhận chứ, nhưng tôi sẽ không nhớ đâu. Nhưng tôi thề rằng tôi nhớ hai người, một bà ở Tiên Phước, sáu tháng sau khi sinh bà mang xuống tặng tôi một bao khoai, bòn bon, chôm chôm rừng, nếu bán hết số đó thì không bằng giá tiền xe đò đi xuống đây. Người thứ hai là một bà ở Thăng Bình, đẻ xong bà nói mùa dưa tháng Sáu năm tới tôi sẽ gặp bác sĩ, vì lúc đó mới bán được dưa và có tiền. Người ta quý mình như thế, sao mình không quý chính nghề mình?”.

“Tôi mong mọi người, xã hội hiểu cho chúng tôi, sự giới hạn của khoa học và sự kỳ lạ, vô cùng của đời sống. Bây giờ tôi chờ kết luận của cấp trên, ai sai thì nấy chịu, minh bạch, rõ ràng, nhưng tôi vẫn mong hãy hiểu cho chúng tôi, còn nếu không hiểu thì thôi, đời này biết bao nhiêu số phận oan khuất không giải oan được” - ông thở hắt một tiếng. Như có cơn gió chạy vút qua hành lang. Đằng sau cánh cửa khoa sản, ở đó những chớp nháy số phận là thăm thẳm cả một lộ trình…

 Lê Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI