Sinh rơi con trên đường về quê

09/10/2021 - 10:06

PNO - Hai vợ chồng tính toán nếu chạy xe máy về quê mất 3 ngày thì sẽ vừa kịp thời gian sinh con. Song khi mới đi được 2/3 chặng đường thì người vợ chuyển dạ, sinh rơi con ngay bên lề đường.

Sáng 9/10, anh Và Bá Sao (22 tuổi, quê xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) cho biết, vợ anh là chị Thò Ý Dũng (21 tuổi) cùng con gái vừa chào đời đã ổn định sức khoẻ nhờ được các bác sĩ chăm sóc kịp thời. Hiện cả gia đình 4 người cũng đang được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng (Quảng Trị) hỗ trợ ăn uống, các vật dụng cần thiết cho trẻ sơ sinh.

Sao kể, 6 tháng trước, vợ chồng anh mang theo cậu con trai mới hơn 1 tuổi vào Bình Phước cạo mủ cao su thuê. Khi công việc còn chưa kịp ổn định, người vợ phát hiện đã mang thai được 3 tháng. Không lâu sau đó, người chồng cũng thất nghiệp vì dịch bệnh. 

Mẹ con chị Dũng được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng sau khi sinh rơi bên đường
Mẹ con chị Dũng được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng sau khi sinh rơi bên đường

“Làm thuê tháng được 5 triệu đồng, vừa đủ chi tiêu, chẳng còn đồng nào nữa. Giờ nợ nhiều quá rồi, em không thể ở lại được nữa” - Sao nói và cho hay sau khi vợ chồng tính toán  nếu chạy nhanh thì sẽ có thể kịp về nhà để sinh con. Bởi vậy, 3 ngày trước, cả hai gói ghém đồ đạc, vay mượn được một ít tiền làm lộ phí rồi chở theo cậu con trai gần 2 tuổi theo đoàn chạy xe máy về quê.

Người bố hai con này cho hay, con trai còn nhỏ, vợ lại bụng bầu đã vượt mặt nên không dám chạy xe nhanh. “Nhất là khi gặp mưa, đường trơn nên sợ lắm. Cũng may dọc đường chúng tôi được nhiều người giúp đỡ, tặng sữa, tặng xôi ăn tạm” - Sao nói.

Hơn 22g30 ngày 8/10, vợ chồng Sao chạy xe tới địa phận huyện Hải Lăng. Lúc này trời mưa lớn, anh cùng một số người khác trong đoàn đành phải xin tá túc vỉa hè của một người dân bên đường để ngủ tạm. Trời mưa, vợ chồng Sao cùng cậu con trai nằm sát vào nhau trong chiếc chăn mỏng để giữ ấm cho cơ thể.

“Gần 4g sáng, chúng tôi dậy tiếp tục hành trình. Lúc này vợ vẫn còn bình thường. Nhưng chạy xe được một đoạn thì cô ấy nói đau bụng, sắp sinh rồi. Chưa biết phải làm sao cả, khi tôi dừng xe bên đường thì vợ sinh con luôn. Cũng may lúc sinh trời đã hết mưa, có nhiều người trong đoàn dừng xe giúp đỡ” - Sao kể và cho biết, sẵn có cây kéo cắt tóc mang theo, anh lấy ra nhờ một người trong đoàn cắt rốn cho con gái.

Gia đình 4 người được bố trí nghỉ ngơi tại Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng
Gia đình 4 người được bố trí nghỉ ngơi tại Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng

Cả 2 mẹ con sản phụ này sau đó được hỗ trợ đưa đến Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng để chăm sóc sức khoẻ. Không có đồ sơ sinh, nhân viên y tế của trung tâm đã gom góp áo quần từ các sản phụ khác để cho cháu bé mặc. 

Sao nói phần vì hết tiền, phần nghĩ rằng phải ít ngày nữa vợ mới sinh nên cả 2 tính về tới nhà sẽ nhờ người thân mua đồ sơ sinh. Không ngờ lại vỡ kế hoạch trên đường về như vậy. “Vợ con không bị chi là vui rồi. Giờ chỉ mong sớm được về nhà thôi” - Sao nói.

Không còn cách nào khác

Những ngày đầu tháng 10, Nghệ An đón hàng ngàn người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về quê, trong đó có nhiều người dân ở tận các tỉnh phía Bắc. Trên hành trình trở về quê, nhiều người mang theo đồ đạc chất lên xe máy lỉnh kỉnh, thậm chí nhiều trẻ nhỏ mới vài ngày tuổi cũng phải theo bố mẹ vượt ngàn cây số hồi hương. Trải qua hành trình hơn 1.000km cực nhọc về quê hương, nhiều gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi vì mưa, nắng, thiếu ngủ…

Nhiều đứa trẻ còn nhỏ bất đắc dĩ phải theo chân bố mẹ đi xuyên Việt để về quê
Nhiều đứa trẻ còn nhỏ bất đắc dĩ phải theo chân bố mẹ đi xuyên Việt để về quê

“Nghĩ lại thấy mình liều quá, may vợ con chẳng sao, nếu không ân hận cả đời. Nhưng mà thực sự là em đã hết cách” - Xồng Bá Xò (21 tuổi, trú xã Tam Hợp, huyện Tượng Dương, Nghệ An) nói và cho hay quyết định trở về đối với Xò là một quyết định cân não, bởi không thể kiếm đâu được một chiếc vé xe ô tô. Đi bằng xe máy vượt chặng đường cả nghìn cây số, liệu người vợ và con trai mới sinh mổ được 5 ngày có về tới đích? Nhưng ở lại thì không trụ nổi bởi số tiền 2 vợ chồng chắt bóp lâu nay đã tiêu hết cho kỳ sinh nở.

Tối 7/10, chị Nguyễn Thị Hiền (29 tuổi, trú TX. Thái Hoà, Nghệ An) cùng cậu con trai 15 ngày tuổi về tới trạm dừng chân ở núi Dũng Quyết (TP. Vinh) sau 3 ngày đêm ròng rã chạy xe từ Bình Dương về quê. Vừa xuống xe, người mẹ này ngồi bệt xuống vỉa hè cho con bú để cậu con trai thôi quấy khóc. 

“Hết cạn tiền rồi nên vợ chồng phải về quê. Đi dọc đường, lúc nào con khóc, đói bụng thì phải dừng xe nghỉ để cho con bú. Cháu còn nhỏ quá, lại gặp mưa nên chồng tôi cũng chạy rất chậm, không thể chạy theo xe trong đoàn được” - chị Hiền kể.

Chị Hiền
Chị Hiền tranh thủ cho con bú khi tới điểm dừng chân ở Nghệ An để tiếp tục di chuyển về quê

Tối 8/10, đoàn 28 người xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An) đã về đến Nghệ An sau hành trình dài đi bộ từ Nam ra Bắc. Họ là người dân tộc thiểu số Đan Lai, vào Bình Dương làm việc. Do dịch nên đã thất nghiệp từ nhiều tháng qua.

Ngày 4/10, họ rời nhà trọ, mang theo hành trang là xoong nồi, nước lọc cùng mì gói… đi bộ về Nghệ An. Chiều cùng ngày, sau khi đã đi được hơn 70km, đến Bình Phước, cả nhóm gom tiền định hỏi mua xe máy cũ nhưng không đủ tiền. 

Biết hoàn cảnh khó khăn, một số người đã giúp đỡ để cả đoàn đủ tiền mua 15 chiếc xe máy cũ, mỗi xe 2,5-3 triệu đồng để tiếp tục hành trình.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI