Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín

Sinh một đứa con không khỏe mạnh, người phụ nữ phải chịu áp lực vô hình

13/01/2024 - 07:59

PNO - Đối với một số dị tật tim mạch, nếu có thể can thiệp được từ bào thai sẽ có lợi hơn chờ trẻ sinh ra mới tiến hành.

 

Các bác sĩ đang tiến hành quá trình thông tim cho thai nhi - Ảnh do bác sĩ cung cấp
Các bác sĩ đang tiến hành quá trình thông tim cho thai nhi - Ảnh do bác sĩ cung cấp

Bào thai là tế bào gốc, nếu dị tật được chỉnh sửa về đúng với sinh lý tự nhiên thì cơ thể thai nhi sẽ có cơ chế tự chữa lành. Điều này không chỉ giúp thai nhi tránh được nguy hiểm mà tương lai trẻ cũng có chất lượng sống tốt hơn những trẻ được phẫu thuật, can thiệp tim mạch sau khi chào đời. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đỗ Nguyên Tín - Đơn vị Can thiệp tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, người vừa trực tiếp thực hiện ca thông tim bào thai đầu tiên thành công tại Đông Nam Á - để giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tâm  lý của thai phụ, gia đình thai phụ rất quan trọng 
Phóng viên: Ca thông tim bào thai do Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ vừa tiến hành thành công đã được lãnh đạo TPHCM khen thưởng đột xuất ngay tại hội nghị Triển khai hoạt động trọng tâm 2024 của ngành y tế TPHCM ngày 5/1. Xin bác sĩ chia sẻ những thời khắc ông cảm thấy đặc biệt nhất từ lúc chuẩn bị tới khi tiến hành can thiệp cho mẹ con thai phụ?
Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín: Chị D.D.L. (26 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng) là một người mẹ rất dũng cảm. Trước đó, thai kỳ của chị L. vẫn khỏe mạnh, bình thường. Mãi tới tuần thai thứ 26 chị mới biết con bị dị tật tim bẩm sinh và được bệnh viện địa phương chuyển vào TPHCM tiếp tục theo dõi, xử trí. Thai nhi được phát hiện không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải, nguy cơ tử vong trong bụng mẹ.

Các đồng nghiệp tại Bệnh viện Từ Dũ và chúng tôi đã nhiều lần hội chẩn, cân nhắc. Không phải tự dưng mà chúng tôi trì hoãn tới lúc thai kỳ vào tuần thứ 32 mới can thiệp. Can thiệp tim mạch bào thai có thể thực hiện ở tuổi thai sớm hơn. Tuy nhiên, vì đây là ca bệnh hết sức phức tạp nên chúng tôi dự phòng chẳng may lúc thực hiện xảy ra sự cố ngoài ý muốn thì có thể mổ lấy thai. Bé sinh non ở tuần 32 vẫn có cơ hội sống sót. 

Khi tiếp xúc với thai phụ, chúng tôi nhìn thấy sự khát khao, hy vọng. Chính sự quyết tâm của người mẹ đã truyền cảm hứng để bác sĩ chúng tôi “phiêu” lúc tiến hành. Áp lực cái gì “đầu tiên” cũng rất lớn. Đây là ca can thiệp thông tim trên bào thai đầu tiên chúng tôi làm. Bởi vậy tâm lý của thai phụ, gia đình thai phụ đóng vai trò rất quan trọng. Đối mặt với bao nhiêu nguy cơ, vậy mà người phụ nữ ấy không chút do dự, quyết định dứt khoát sẽ trải qua quá trình can thiệp chưa có tiền lệ này. Sự dũng cảm đó đã thay đổi “cuộc chơi”.

Từ thế chờ đợi bị động, người phụ nữ ấy đã chuyển sang chủ động để cứu con mình. Trước khi ca can thiệp thông tim bào thai diễn ra, tôi đã nắm tay người mẹ, động viên chị cố gắng vững tin, làm chỗ dựa vững chãi cho con.

Làm trong lĩnh vực tim mạch trẻ em lâu năm, tôi rất xót xa khi bắt gặp ánh mắt những người mẹ có con bị bệnh tim bẩm sinh. Người phụ nữ sinh ra một đứa con không khỏe mạnh phải chịu áp lực vô hình. Tiếp xúc với họ, tôi cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng. Họ có thể chấp nhận hy sinh tất cả, chỉ cần đổi lại sự bình an cho con mình.

Bác sĩ phải có kinh nghiệm qua vài  ngàn ca thông tim trẻ em 
* Một ca can thiệp thông tim bào thai sẽ đối mặt với những rủi ro và nguy cơ nào, thưa bác sĩ? Để tiến hành can thiệp thông tim bào thai cần thỏa những điều kiện gì?
- Rủi ro rất nhiều nhưng nếu cân nhắc với mạng sống của thai nhi, ta vẫn phải đối mặt. Trước tiên, kỹ thuật này được chỉ định trên thai nhi bị dị tật tim mạch nếu không can thiệp sẽ tử vong hoặc khi chào đời tình trạng cũng rất nặng nề, khó duy trì sự sống lâu dài. Tuy nhiên, người mẹ phải có sức khỏe tốt, không có bệnh nền mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn, tiền sử rối loạn đông máu. Thai nhi sức khỏe vẫn ổn định, cơ hội sống và hồi phục cao. 

Khi can thiệp thông tim, bác sĩ cần xuyên cây kim nhỏ qua da, vào thành bụng, tử cung người mẹ. Em bé nằm trong bọc nước ối. Do đó, nguy cơ bể ối, tràn ối, kích thích cơn chuyển dạ, xuất huyết vẫn có thể xảy ra. Bác sĩ sản khoa sẽ kiểm soát điều này bằng thuốc để giảm thiểu khả năng dọa sinh sớm. Tác động vào tim nên thai nhi có nguy cơ ngưng tim, chảy máu màng tim. Đó còn chưa kể chẳng may đặt bóng nong sai vị trí hoặc rút bóng không ra sẽ làm rách cơ tim, tràn máu trong tim.

Vì vậy, để tiến hành kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, bác sĩ phải có kinh nghiệm thao tác qua vài ngàn ca thông tim trẻ em. Cách đâm kim, luồn ống, đặt bóng như thế nào phụ thuộc vào độ nhạy cảm của từng bác sĩ. Đây là điều không trường lớp nào dạy được mà đúc rút từ trải nghiệm thực tế, qua nhiều bài học xương máu. 

Riêng tôi, vào giờ nghỉ trưa hoặc mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi thường ngồi hàng giờ, cầm dụng cụ thông tim (ống luồn và kim) thực hiện demo vài chục lần. Tôi nhập tâm, tưởng tượng mình đang trực tiếp đâm kim xuyên qua thành bụng, tử cung người mẹ, kim bắt đầu chạm vào ngực thai nhi. Hình ảnh trái tim em bé như trái dâu tây nhỏ xíu hiện ra trong tâm trí tôi. Những lúc ấy, tôi như nhìn rõ các tình huống có thể xảy đến để tính toán. Nếu mình đâm kim không qua thì sao, đâm được kim qua nhưng không luồn được ống đúng hướng thì như thế nào hay bóng đặt như vậy đã đúng vị trí chưa…

Rất may mắn, quá trình can thiệp cho mẹ con chị L. diễn ra suôn sẻ. Khoảng 9g ngày 4/1, ê kíp sản - nhi chúng tôi bắt đầu tiến hành ca thông tim bào thai này. Cả quá trình diễn ra trong 40 phút. Dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm, tôi đã dùng một cây kim để đi xuyên từ thành bụng vào thành tử cung, qua buồng ối, thành ngực của thai nhi rồi vào thẳng buồng tim. Cây kim tiếp tục đi tới thất phải, tìm đúng vị trí van động mạch phổi. Cây kim tiếp tục được luồn để đục van động mạch phổi đang bít chặt.

Khi xác định đã tới đúng vị trí, bóng được đưa vào, bơm lên bằng dung dịch đạt kích thước 2,5mm để nong động mạch phổi bị hẹp ra. Sau đó, tôi rút bóng ra và nhận thấy máu đã chảy thông, không còn hiện tượng tắc hẹp nữa. Đến nay, sức khỏe thai phụ và thai nhi đều ổn định. Có thể chị L. đã tránh được nguy cơ xuất huyết, chuyển dạ sớm. Em bé cũng không gặp tai biến nguy hiểm như ngưng tim, chảy máu màng tim. Điều cần làm bây giờ là theo dõi xem sau khi động mạch phổi được nong ra thì trái tim thai nhi sẽ phát triển như thế nào. Chị L. được yêu cầu mỗi tuần đến bệnh viện siêu âm để kiểm tra tình trạng tim thai nhi.

* Sắp tới, bệnh viện có kế hoạch đầu tư gì để phát triển kỹ thuật can thiệp tim mạch bào thai, thưa bác sĩ?
- Tỉ lệ trẻ sinh sống bị dị tật tim bẩm sinh là 1/1000, còn những trường hợp thai nhi bị dị tật tim tử vong ngay trong bụng mẹ thì ta chưa thể thống kê đầy đủ. Bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi năm phẫu thuật và can thiệp tim mạch cho khoảng 1.300 bé. Tỉ lệ thành công khi phẫu thuật và can thiệp tim mạch cho trẻ em cũng cao nhưng dự hậu thế nào mới là quan trọng. Nếu có thể phát triển, đẩy mạnh kỹ thuật can thiệp tim mạch bào thai thì sẽ mở ra cơ hội sống nhiều hơn nữa cho những em bé kém may mắn.

Đối với một số dị tật tim mạch, nếu can thiệp được khi trẻ còn là bào thai sẽ có lợi hơn chờ trẻ sinh ra mới tiến hành. Bào thai là tế bào gốc, nếu dị tật được chỉnh sửa về đúng với sinh lý tự nhiên thì cơ thể thai nhi sẽ tự chữa lành. Điều này không chỉ giúp thai nhi tránh được nguy hiểm mà tương lai bé cũng có chất lượng sống tốt hơn những trẻ được phẫu thuật, can thiệp tim mạch sau khi chào đời. Hiện nay, có 3 bệnh lý tim mạch bẩm sinh can thiệp được từ bào thai. Đó là: hẹp van động mạch phổi (tim phải), teo hẹp van động mạch chủ (tim trái), thiếu luồng thông trong tim. 

Vào thời điểm này, ê kíp can thiệp tim mạch bào thai của chúng tôi là lứa đầu tiên bao gồm 3 bác sĩ chính của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ. Một bác sĩ chẩn đoán, một bác sĩ sản và tôi là bác sĩ can thiệp tim mạch. Chúng tôi dự kiến trong năm nay sẽ tiến hành những bước chuyển giao kỹ thuật này cho lớp bác sĩ kế thừa. 

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI