Sinh con xong, thấy cuộc sống rối mù

14/11/2021 - 19:00

PNO - Theo thực tế khách quan thì hầu như giai đoạn sau sinh là giai đoạn bận bịu, áp lực nhiều nhất với phụ nữ.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em mới lấy chồng được một năm và sinh em bé được hai tháng. Cuộc sống của em bây giờ có thể được miêu tả bằng hai chữ: rối tung.  

Chồng em đi làm về thì vẫn chăm con phụ vợ. Em có mẹ ruột chăm sóc và phụ giúp. Nói chung cuộc sống chẳng có gì trắc trở, nhưng em vẫn rối và thấy quá sức áp lực với những vai trò mà mình đang gánh vác.

Nào là chuyện mua sắm tã sữa, lo chợ búa, theo sát sinh hoạt của cả hai mẹ con, chưa kể những ngày quan trọng của hai bên gia đình. Đã thế còn thêm những cuộc điện thoại mà mình phải trả lời, thậm chí phải video call để bạn bè/người thân phương xa thăm hỏi.

Phụ nữ sau sinh rất dễ rơi vào stress vì quá nhiều áp lực, bận bịu... - Hình minh họa - XFRAME
Phụ nữ sau sinh rất dễ rơi vào stress vì quá nhiều áp lực, bận bịu... - Hình minh họa - XFRAME

Chừng đó việc thôi mà sao em vẫn rối. Mẹ em bảo em sướng, phụ nữ mấy ai được chồng và mẹ phụ như em. Vậy lẽ nào em có vấn đề, em kém cỏi nên mới thấy rối và thấy stress như thế này hả chị?

Du Ngân (Q.8, TPHCH)

Du Ngân mến,

Hầu hết những bà mẹ sau sinh đều gặp những khó khăn tương tự, và mức độ stress phụ thuộc vào sức khỏe tinh thần và cả kỳ vọng, tính cách của mỗi bà mẹ. Còn thực tế khách quan thì hầu như giai đoạn sau sinh là giai đoạn bận bịu, áp lực nhiều nhất với phụ nữ.

Để dần thoát khỏi cảm giác rối bời, em hãy giữ sự chủ động dù cuộc sống có bộn bề đến mấy. 

Đầu tiên, chủ động tức là có kế hoạch. Hãy lên một kế hoạch chi tiết cho từng việc ứng với từng giờ trong ngày, trong tuần.

Kế hoạch này sẽ ưu tiên thời gian cho những việc quan trọng nhất, để chắc chắn rằng em không vì bận bịu mà bỏ qua những việc quan trọng, cũng không để những việc râu ria làm mất thời gian của em. Kế đến sau đó mới là những việc ít quan trọng hơn...

Tiếp theo, hãy nhớ một nguyên tắc là chỉ làm duy nhất một việc trong một thời điểm. Ta không thể làm tốt nếu cùng một lúc phải làm hai việc, chính vì vậy, hãy giữ nguyên tắc "một việc".

Ví dụ, em có thể vừa tắm con vừa suy tính chuyện chợ búa, thậm chí còn gọi điện để đặt đồ ăn... Điều này tưởng chừng tiết kiệm thời gian nhưng thực thế chỉ làm mọi thứ thêm rối và bản thân em sẽ mệt nhoài vì thấy "chẳng đâu vào đâu". Việc tắm con cũng không trọn vẹn, mà việc chợ búa cũng sẽ sai sót...

Đây chính là gút thắt của sự rối rắm, hãy kiên quyết từ bỏ cách làm này và giữ nguyên tắc "một việc" để tuần tự làm tốt từng việc một, em nhé. Nguyên tắc "một việc" cũng giúp em dứt khoát hơn với những việc không cần thiết hoặc chưa cấp bách.

Ví dụ, nếu đang ăn trưa, em có thể từ chối cuộc gọi thăm hỏi và hẹn gọi lại sau. Tất cả những tin nhắn, cuộc gọi, thậm chí các thông báo từ Facebook... cũng được xử lý trong một khung giờ nhất định, tránh để những việc bất chợt này cuốn mình theo.

Sự căng thẳng, mệt mỏi đôi khi lại đến từ cảm giác không tròn vẹn, không hài lòng. Chính vì quá bận bịu và rối rắm, em sẽ thấy mình làm không tốt, chưa tròn vai...

Rồi đến cảm giác "sao mình đã bận bịu, tất tả thế này mà mọi thứ vẫn không ổn"... Vậy nên, lời khuyên của Hạnh Dung là hãy làm tròn từng việc một chứ không nên cố gắng ôm đồm mọi thứ.

Vai trò quan trọng nhất của em giai đoạn này vẫn là làm mẹ, hãy tập trung vào sức khỏe và tinh thần của bản thân và con, sau đó mới đến những việc khác.

Những ngày này, em có thể giảm bớt kỳ vọng về bản thân trong việc chu toàn nhà cửa, hai bên nội ngoại. Hạnh Dung tin rằng mọi người sẽ hiểu và thông cảm cho bà mẹ mới sinh.

Chúc em an vui!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI