Sinh con gái được thưởng tiền: Tiền có thay đổi được nhận thức của con người?

07/07/2016 - 12:55

PNO - Sau 3 năm, đề xuất sinh con gái được thưởng tiền đi vào quên lãng mặc dù đã đưa vào dự thảo Luật Dân số.

Khoét sâu tình trạng mất bình đẳng giới

Chiều ngày 6/7, TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, đề xuất sinh con gái được thưởng tiền thất bại là chuyện đương nhiên. Nguyên nhân là do không nhận được sự đồng tình của xã hội.

“Rõ ràng đề xuất này là phân biệt con trai, mà con trai không có lỗi gì cả. Việc thưởng tiền sẽ khiến con người có suy nghĩ “chắc con gái có sự thiệt thòi, yếu kém nào đấy nên mới phải có sự đền bù”. Cũng từ đây gây ra hiểu lầm không đúng về giá trị con gái”, bà Hồng chia sẻ.

Theo bà Hồng, trong xã hội hiện nay, chuyện sinh con không bị chi phối nhiều bởi tiền bạc. Với gia đình có điều kiện thì tiền không phải là vấn đề, còn với gia đình nghèo thì dù con trai hay con gái, người ta vẫn cần nhận được hỗ trợ. Bà Hồng nói: “Sinh con gái được thưởng tiền là đề cao giá trị con gái, làm cho gia đình có con trai tỵ nạnh”.

Sinh con gai duoc thuong tien: Tien co thay doi duoc nhan thuc cua con nguoi?
Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (Ảnh: Vietnamnet).

Bà Hồng bày tỏ: “May là đề xuất này không được thực hiện, nếu được thực hiện thì chắc chắn dư luận xã hội sẽ có nhiều vấn đề hơn nữa. Làm như thế khiến người ta hiểu rằng có con gái là thiệt thòi, không may mắn nên phải bù đắp. Như thế, cách làm không phù hợp”.

Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Đức Mạnh – Viện trưởng Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng: “Dù có thừa tiền cũng không nên thực hiện chuyện đó, về mặt nhân văn đề xuất đã tạo ra sự bất bình đẳng giới. Nếu có sử dụng biện pháp ưu tiên cho gia đình sinh con gái thì không nên thưởng tiền vì biết bao nhiêu tiền cho đủ? Mà gia đình sinh con có nhận tiền cũng khiến người khác cười chê...”.

Ông Mạnh nói thêm, không phải cứ học nước ngoài đem về Việt Nam thực hiện là đã thành công bởi nền văn hóa, hệ tư tưởng khác nhau. Ngoài ra, yếu tố tâm linh của người phương Đông cũng khiến đề xuất này thất bại từ trong trứng nước.

Tiền không biết… cúng

Nói về chuyện Việt Nam lọt danh sách 14 nước có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất thế giới, ông Mạnh cho hay, văn hóa có ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề dân số Việt Nam. “Ở mình thì có suy nghĩ “tiền nào bằng thằng cu chống gậy thờ cúng tổ tiên”? – Đó là tiềm thức của con người, cũng có người bất chấp cả tương lai, danh tiếng để sinh cho được người con trai…”, ông Mạnh nói.

Sinh con gai duoc thuong tien: Tien co thay doi duoc nhan thuc cua con nguoi?
Con trai - con gái đều có giá trị như nhau (Ảnh minh họa)

Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước ta hiện nay, ông Mạnh cho rằng không nên đặt nặng vấn đề siêu âm. Thực tế mấy chục năm nghiên cứu khoa học, ông Mạnh thấy nhiều nơi người dân không sử bất cứ biện pháp siêu âm, nạo phá thai gì mà họ vẫn đạt được mong muốn sinh con trai của mình.

“Khoa học kỹ thuật hiện đại, con người biết được khẩu phần ăn ảnh hưởng tới giới tính thai nhi nên họ áp dụng ngay từ khi phôi thai mới hình thành. Cũng có một địa phương ở Huế, các gia đinh toàn sinh con trai mà không rõ nguyên nhân vì sao, cứ mang bầu là sinh con trai”, ông Mạnh nói.

TS. Khuất Thu Hồng cũng cho rằng, việc ngăn cấm không được lựa chọn giới tính thai nhi như nạo hút thai, siêu âm công bố giới tính khó thực hiện vì ở Việt Nam thường thực hiện luật không nghiêm. Hoặc nếu có nghiêm quá thì cũng sẽ dẫn đến tình trạng nguy hiểm hơn như nạo thai chui, một số phần tử lợi dụng kiếm lợi bất chính. Bất ổn xã hội, tình trạng tội phạm gia tăng.

Bà Hồng đề xuất: “Biện pháp bền vững nhất là giáo dục, ý thức người dân hiểu được con trai - con gái đều có giá trị như nhau. Cải thiện về chính sách hỗ trợ người già để người ta yên tâm không có người thân, con trai chăm sóc thì vẫn có xã hội trợ giúp lúc hoạn nạn”.

Song Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI