Singapore trước nguy cơ thành "đảo quốc siêu già"

08/10/2023 - 18:31

PNO - Trước tình trạng già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ chưa từng có, chính phủ Singapore đã và đang thực hiện những bước đi cụ thể cùng kế hoạch thực thi chi tiết để giải quyết vấn đề bức thiết này.

Nguy cơ trở thành "quốc gia siêu già"

Tỷ lệ người già ở Singapore đang gia tăng ở mức chưa từng thấy - Ảnh: Roslan Rahman/AFP
Tỷ lệ người già ở Singapore đang gia tăng ở mức "chưa từng thấy" - Ảnh: Roslan Rahman/AFP

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong một phát biểu hồi tháng 4/2020 cho biết, cứ 6 người dân ở “đảo quốc Sư tử” thì có 1 người thuộc độ tuổi trên 65. Đây được xem là “một bước nhảy vọt đáng lo ngại” khi so với tỷ lệ cứ 10 người thì có 1 người ở độ tuổi trên 65 được xác định vào năm 2010. Theo dự báo, tỷ lệ này càng giảm sâu hơn vào năm 2030 khi cứ 4 người dân ở Singapore thì có 1 người trên 65.

Điều này càng được khẳng định khi Liên hợp quốc mới đây đưa ra nhận định, Singapore đang trên lộ trình chuyển đổi từ một "quốc gia già" - có ít nhất 14% dân số từ 65 tuổi trở lên - sang một "quốc gia siêu già", với ít nhất 21% dân số 65 tuổi trở lên, trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2028.

Tốc độ già hóa nhanh chóng ở Singapore được cho là do tác động của hai yếu tố chính: tổng tỷ suất sinh giảm mạnh và tuổi thọ trung bình tăng nhanh.

Theo đó, Singapore đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về tỷ lệ sinh, từ 5 con/cặp vợ chồng xuống dưới mức 2,1 chỉ trong 14 năm. Trong khi đó, Nhật Bản mất khoảng 30 năm, Hoa Kỳ mất 60 năm và Úc mất một thế kỷ để đạt đến ngưỡng này.

Mặc dù chính phủ Singapore đã thực hiện nhiều chính sách nhằm khuyến khích tăng tỷ lệ sinh sản như hỗ trợ tài chính, trợ cấp nhà ở, giảm thuế, tăng thời gian nghỉ thai sản, hỗ trợ chi phí nuôi con… thế nhưng, năm 2022, Singapore vẫn chứng kiến tỷ lệ sinh là 1,04 - thấp nhất từ trước đến nay ở cả phạm vi quốc gia lẫn thế giới. 

Một thách thức khác mà chính phủ Singapore phải giải quyết chính là việc tìm kiếm lao động có tay nghề cho các dịch vụ chăm sóc chất lượng dành cho người già. Thuê nhân viên được đào tạo từ nước ngoài là một giải pháp ngắn hạn, nhưng các giải pháp dài hạn đòi hỏi phải xây dựng năng lực địa phương và làm cho nhóm nghề này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt thị trường lao động nội địa.

Bài học tham khảo từ Singapore

Singapore đi đầu trong áp dụng giải pháp số chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Ảnh: Chinnapong/iStock
Singapore đi đầu trong áp dụng giải pháp số chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Ảnh: Chinnapong/iStock

Singapore bắt đầu áp dụng các giải pháp dựa trên công nghệ để cải thiện việc chăm sóc sản phụ, người cao tuổi và giải quyết tình trạng thiếu lao động lành nghề, bao gồm các sáng kiến như thúc đẩy việc người cao tuổi sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh để quản lý sức khỏe, tích hợp robot vào quy trình chăm sóc sức khỏe…

Để có thể giải bài toán nguồn lực tài chính trang trải chi phí cho các chính sách hỗ trợ sinh sản, mở rộng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, Singapore đã quyết định tăng thuế hàng hóa và dịch vụ từ 7% lên 8% vào năm 2023 và có kế hoạch tăng thêm 1% vào năm 2024.

Bên cạnh đó, Singapore cũng đã áp dụng cách tiếp cận tổng thể bằng cách huy động sự tham gia của "toàn chính phủ" và "toàn xã hội" để giải quyết các thách thức của già hóa dân số một cách kịp thời và toàn diện.

Theo đó, kể từ năm 1982, đảo quốc này đã thành lập Uỷ ban liên bộ đầu tiên về các vấn đề liên quan đến già hóa dân số khi thời điểm đó chỉ mới có 5% dân số từ 65 tuổi trở lên.

Năm 2007, Ủy ban các Bộ trưởng về Người cao tuổi, bao gồm nhiều bộ ngành, đoàn thể và các bên liên quan trong cộng đồng cũng được thành lập, tạo nền tảng cho việc thực hiện thành công hàng loạt chính sách và sáng kiến ​​mới trong hai giai đoạn 2015 và 2023.

Có thể thấy, cách tiếp cận toàn diện của Singapore đối với vấn đề già hóa dân số là những bài học quan trọng mà các quốc gia có thể tham khảo.

 

Nguyễn Thuận (theo The Star, 360info)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI