Singapore tìm cách “sống chung” với dịch, nhiều hướng dẫn viên du lịch Thái Lan tự tử vì tuyệt vọng

10/09/2021 - 20:56

PNO - Tuy số ca nhiễm COVID-19 mới vẫn đang tăng mạnh do biến thể Delta, Singapore vẫn quyết định hạn chế áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, tiến đến thực hiện chiến lược “sống chung” lâu dài với dịch.

Singapore loay hoay tìm cách “sống chung” với dịch

“Trước tình hình gia tăng nhanh chóng và theo cấp số nhân của các ca nhiễm mới hàng ngày trên thế giới, tôi nghĩ rằng đến một thời điểm nào đó, các nước cũng phải tìm cách “sống chung” với dịch COVID-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore (MHS) - Ong Ye Kung - nhận định tại một cuộc họp báo hôm 10/9.

Người dân đi dạo và tập thể dục tại Marina Bay vào tháng 5/2021
Người dân đi dạo và tập thể dục tại Marina Bay, Singapore vào tháng 5/2021

Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên toàn cầu, với 81% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu của MHS. Bộ này cho biết, số ca nhiễm mới ở Singapore đã tăng nhanh chóng, từ mức trung bình 76 ca/ngày trong 2 tuần trước lên 288 ca/ngày trong tuần qua, và dự kiến con số này có thể lên đến 1.000 ca/ngày trong những ngày tới.

Tuy nhiên, số ca bệnh nặng ở nước này vẫn ở mức thấp. Theo MHS, tính ngày 9/9, chỉ có 26 trường hợp bệnh có diễn biến nghiêm trọng phải thở oxy và 7 ca nguy kịch trong các khu chăm sóc đặc biệt.

Tuy nhiên, chính quyền Singapore cũng muốn hạn chế số ca tử vong và tránh gây sức ép lên các bệnh viện, nên vẫn chưa mở cửa thêm nền kinh tế ở giai đoạn này, ông Ong Ye Kung giải thích.

Từ tháng 5, Singapore đã nhiều lần thắt chặt và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội khi biến thể Delta đẩy số ca nhiễm mới tăng nhanh. Vào tháng trước, nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp, trong đó có việc cho phép các nhóm có nhiều người hơn hơn tụ tập và ăn uống tại các địa điểm ẩm thực.

Nhưng đến đầu tuần này, chính phủ Singapore đã công bố lệnh cấm tập trung tại nơi làm việc và tăng cường xét nghiệm để nhanh chóng “phát hiện và ngăn chặn” các ca nhiễm mới, đồng thời khuyến khích người dân hạn chế giao lưu xã hội trong vài tuần tới.

Hôm 10/9, chính phủ Singapore cũng cho biết sẽ cho phép những người đã được tiêm chủng đầy đủ khi bị nhiễm bệnh vẫn có thể tự điều trị tại nhà, nếu chỉ có các triệu chứng nhẹ và phải cách ly với những người còn lại trong gia đình.

Nước này cũng sẽ giảm thời gian cách ly tại địa phương đối với các trường hợp có tiếp xúc gần với người đã bị nhiễm bệnh, do thời gian ủ bệnh của biến thể Delta ngắn hơn.

Theo số liệu của MHS, từ đầu năm ngoái, Singapore đã ghi nhận hơn 70.000 ca nhiễm và 57 trường hợp tử vong.

Hướng dẫn viên du lịch Thái Lan tự tử vì tuyệt vọng

Đại dịch COVID-19 cũng đã làm cho ngành du lịch, vốn là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng và đóng góp 1/5 GDP của Thái Lan, bị suy thoái nghiêm trọng và kéo dài, khiến cho nhiều người từng làm nghề hướng dẫn viên du lịch ở nước này phải tự tìm đến cái chết để thoát khỏi cảnh tuyệt vọng.

Theo Witthaya Sae Lim - cựu chủ tịch của một hiệp hội hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp ở tỉnh Songhkla, tại Hat Yai - một thành phố phía nam Thái Lan giáp biên giới với Malaysia - 9 hướng dẫn viên du lịch đã tự tử kể từ khi nước này đóng cửa đối với du khách nước ngoài vào tháng 3/2020. Witthaya cũng cho biết thêm, từ đầu năm ngoái, có khoảng 600 hướng dẫn viên ở Hat Yai đã bị thất nghiệp.

Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2020, ít nhất 800.000 người Thái, trong đó có nhiều người làm các công việc liên quan đến du lịch, đã rơi vào cảnh nghèo đói.

Hàng trăm ngàn người khác ở nước này cũng sẽ có nguy cơ lâm vào cảnh nghèo đói trong năm nay khi nền kinh tế tiếp tục suy thoái do tác động kéo dài của dịch COVID-19, khiến hơn 1,3 triệu người bị nhiễm bệnh và hơn 13.000 người tử vong.

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan mong muốn chính phủ nước này sẽ mở cửa đón du khách nước ngoài và miễn áp dụng thời gian cách ly 2 tuần vào tháng Giêng sang năm, nhằm phục hồi nhanh ngành du lịch của đất nước. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào khả năng đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng của Thái Lan, trong khi hiện chỉ mới 15% trong số 69 triệu dân cửa nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.

Hiện, các quan chức Thái Lan đang có kế hoạch cho Bangkok mở cửa đón khách du lịch nước ngoài trở lại vào tháng 11 theo một dự án thử nghiệm, vì hầu hết người dân của thủ đô 10 triệu người này sẽ có khả năng đã được tiêm chủng đầy đủ vào thời điểm đó.

Nhất Nguyên (theo CNBC, CNA, Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI