Singapore: Tấm lòng người mẹ nuôi dạy 3 con khuyết tật thành vận động viên quốc gia

12/05/2019 - 14:58

PNO - Ngay cả khi đứng trước nghịch cảnh, người mẹ vẫn tận tâm, yêu thương, dìu dắt không chỉ một, mà là cả ba người con trở thành những vận động viên đại diện cho quốc gia, giành lấy tấm huy chương danh giá tại đấu trường thế giới.

Bị bạn học xa lánh, bị người thân phớt lờ, bị giáo viên hiểu lầm; trong một xã hội đã quá quen với sự đồng nhất, Siti Nurhamizah trở nên rất khác biệt.

Mẹ của Nurhamizah, Cô Rosmawati Rusli nhớ lại: "Một người bạn hỏi tôi rằng liệu có loại thuốc nào để chữa khỏi 'căn bệnh' của con bé không. Tôi trả lời rằng đó không phải là một căn bệnh, đó là một thứ gì đó mà con bé luôn có trong mình”.

"Trở thành mẹ của ba đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt khiến tôi mạnh mẽ hơn, để đối mặt vớimọi khó khăn trước mắt, nhất là sự đánh giá của mọi người dành cho tôi và các con".

Cùng với hai người em Muhammad Hakim, 19 tuổi và Siti Nurhazimah, 17 tuổi, Nurhamizah, 21 tuổi, cùng mắc hội chứng chậm phát triển trí tuệ (GDD), làm ảnh hưởng đến các khía cạnh phát triển như nhận thức, lời nói và kỹ năng vận động. 

Dù đã quen với việc người khác bàn tán về con mình, người phụ nữ 46 tuổi thường nói với chồng: “Anh không đẹp trai, em cũng không xinh, nhưng những đứa trẻ của chúng ta thì thật hoàn hảo”.

Nurhamizah là một đứa trẻ rất năng động, nhưng khi bắt đầu đi nhà trẻ, cô bé vẫn không thể nói tốt. Tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK, cô bé được chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ.

Singapore: Tam long nguoi me nuoi day 3 con khuyet tat thanh van dong vien quoc gia
Rosmawati Rusli và ba người con bị thiểu năng trí tuệ.

Món quà trời ban

Chẩn đoán của Nurhamizah không khiến Cô Rosmawati gục ngã, người mẹ quyết định bỏ công việc của mình để chăm sóc cô con gái toàn thời gian: "Tôi cảm thấy rằng con bé là phước lành Trời ban. Tôi trở thành một người mẹ và có những điều bạn phải từ bỏ, chẳng hạn như công việc".

Gia đình của Rosmawati không thể gửi Nurhamizah đến trường học dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt vì cô bé chưa hoàn thành nhà trẻ và mẫu giáo. Người mẹ đành phải gửi con gái mình đến một trường học chính thống.

Rosmawati kể: "Một số giáo viên tiếp tục phàn nàn, nói rằng: 'Con cô không thể làm điều này, không thể làm điều đó'. Nhưng ngay cả khi những cuốn sách không giúp ích gì, tôi vẫn nghĩ miễn là con bé có thể học cách tương tác với người khác”.

Thế nhưng trong khi Nurhamizah vui mừng làm quen với các bạn học, những đứa trẻ khác không thật sẵn sàng để tương tác với cô bé.

“Tôi chẳng hề thất vọng”

Khi cậu con trai Hakim cũng bắt đầu có dấu hiệu chậm phát triển hơn bình thường, Cô Rosmawati nghi ngờ rằng Hakim cũng mắc GDD.

"Khi bước đi, cậu bé dường như chẳng để ý đến xung quanh. Chúng tôi đưa Hakim đến một nhà tâm lý học, kết quả cho thấy, cậu bé chậm hơn bình thường về kỹ năng vận động và lời nói cũng như trong sự hiểu biết và làm theo hướng dẫn".

Nhưng những gì có thể là sự tuyệt vọng đối với người khác chỉ càng khuyến khích Cô Rosmawati tiếp tục chặng đường nuôi dạy con cái: "Đó không phải là một sự hy sinh, mà là một món quà trong cuộc sống. Tôi có thể là một người rất khác nếu không có chúng".

Cô Rosmawati, người đứng đầu nhóm hỗ trợ phụ huynh tại Trường Trung học Delta, cũng gặp gỡ các giáo viên của con mình để hiểu rõ hơn về phương pháp dạy trẻ, vì vậy cô có thể tự giúp đỡ các con của mình.

"Tôi không thể dạy chúng như với một đứa trẻ bình thường. Tôi dạy chúng toán học bằng que kem màu ...để khiến chúng thích thú và hiểu, tôi phải tận dụng màu sắc".

Singapore: Tam long nguoi me nuoi day 3 con khuyet tat thanh van dong vien quoc gia
Chủ tịch của Trung tâm hỗ trợ người tự kỷ (Singapore) Denise Phua phát biểu tại buổi lễ "Cảm ơn mẹ" vào ngày 4/5 vừa qua.

Sức mạnh của thể thao

Trong một chiếc tủ kính tại căn hộ nhỏ của gia đình, là bằng chứng cho niềm tự hào của Rosmawati về năng lực thể thao của các con.

Nurhamizah và Hakim là những vận động viên bowling, trong khi Nurhazimah vừa là vận động viên điền kinh vừa là vận động viên hockey trong nhà.

Mẹ của bộ ba luôn có mặt trong các buổi tập, trong khi người cha phụ trách đưa đón vào cuối tuần.

Cô Rosmawati nói: "Tôi rất vui khi được ở đó, để xem liệu tôi có làm tốt công việc của mình khi chúng học cách kiểm soát bản thân, ý thức trách nhiệm và kỷ luật".

Chủ tịch của Trung tâm hỗ trợ người tự kỷ (Singapore) Denise Phua nói với CNA."Mẹ của các vận động viên đặc biệt mà tôi từng gặp đều là những người đặc biệt. Nhiều người trong số họ luôn thể hiện sự kiên trì để tiếp tục, bất chấp mọi thách thức".

Tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật gần đây, Nurhamizah đã giành được huy chương bạc bowling đầu tiên cho đoàn Singapore.

Nhớ lại khoảnh khắc con gái chiến thắng, Cô Rosmawati, rưng rưng kể: “Con bé đã hỏi tôi: 'Ibu (mẹ), tại sao mẹ lại khóc?’.

“Tôi nói rằng đây là những giọt nước mắt của niềm vui ... Trong suốt cuộc thi, tôi đã thấy con bé tương tác và kết bạn với các vận động viên khác. Tôi luôn nói với các con rằng lúc thi đấu, điểm số hay thời gian không phải là điều khiến chúng tôi tự hào, mà đó là hành vi và thái độ".

Hai ngày sau tại Trung tâm Bowling Khalifa, Nurhamizah cũng giành được một huy chương đồng.

Một lần nữa, có vài người bật khóc.

Cô Rosmawati mỉm cười nhớ lại: "Chồng tôi không khóc nhưng anh ấy rất xúc động. Việc con bé góp mặt ở Thế vận hội giống như tôi đã vượt qua bài kiểm tra. Tôi đã làm được điều này! Đó không chỉ là tấm huy chương.".

Đứng trên bục trao huy chương, cô gái từng bị xã hội từ chối, bạn bè bỏ rơi và hiểu lầm giờ trở thành người chiến thắng trong mắt thế giới. Nhưng trong mắt Rosmawati, cả ba đứa trẻ luôn là người chiến thắng.

Singapore: Tam long nguoi me nuoi day 3 con khuyet tat thanh van dong vien quoc gia
Siti Nurhamizah (phải), Siti Nurhazimah (giữa) và Mohammad Hakim (trái) cùng những huy chương mà họ đã giành được.

Ngọc Hạ (Theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI