Singapore: Số ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày tăng kỷ lục, vượt mốc 5.000

28/10/2021 - 12:41

PNO - Hôm 27/10, Singapore đã ghi nhận 5.324 ca nhiễm COVID-19 mới - đạt kỷ lục về số ca nhiễm mới trong ngày - và có thêm 10 ca tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia của nước này cho rằng tỷ lệ người bị nhiễm có diễn biến bệnh nặng mới là con số đáng quan ngại.

 “Số ca nhiễm mới trong ngày này đã tăng cao bất thường, chủ yếu là do nhiều trường hợp dương tính với COVID-19 đã được các phòng xét nghiệm phát hiện trong vòng vài giờ vào buổi chiều”, Bộ Y tế Singapore (MOH) cập nhật tình hình trong bản tin tối hàng ngày hôm 27/10 và cho biết thêm “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ xu hướng lây nhiễm dịch trong vài ngày tới”.

Số ca nhập viện
Số ca nhập viện do COVID-19 tăng nhanh  tại Singapore trong những ngày gần đây

Tính đến 26/10, Singapore có có 1.777 trường hợp nhiễm COVID-19 phải nhập viện, trong đó có 308 ca cần bổ sung oxy tại khoa ngoại tổng quát, 76 bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng và đang được theo dõi trong các khu chăm sóc đặc biệt (ICU), giảm so với con số 79 của ngày hôm trước, và 66 bệnh nhân bị bệnh nặng được đặt nội khí quản trong ICU, giảm 1 ca so với hôm 26/10.

Trong số 357 giường bệnh trong khu ICU của Singapore, 285 giường đã có bệnh nhân, trong đó bệnh nhân COVID-19 là 142 người, đưa tỷ lệ sử dụng giường ICU lên mức gần 80%. MOH cho biết họ đang lên kế hoạch tăng cường thêm giường ICU.

Tiến sĩ Alex Cook, một chuyên gia mô hình dịch bệnh tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho rằng “nếu số ca nhiễm mới hàng tuần tăng lên dưới mức 1 trong một thời gian dài, thì đó là một tín hiệu tốt, cho thấy dịch đang thu hẹp lại”.

“Nhưng điều quan trọng hơn là số ca nhiễm có diễn tiến bệnh nghiêm trọng cũng giảm xuống với tốc độ nhanh hơn. Mọi người không nên nhìn thấy mức tăng số ca nhiễm mới hàng tuần giảm xuống dưới 1 mà buông lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thay vào đó nên xem xét một loạt các tiêu chí khác, nhất là khả năng chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân đã bị nhiễm COVID-19”, tiến sĩ Cook cảnh báo.

Tương tự, ông Leong Hoe Nam - một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena - cũng cho rằng số trường hợp cần được chăm sóc đặc biệt và bổ sung oxy là một chỉ số quan trọng để đưa ra cân nhắc về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế.

“Tôi cho rằng, đây chính là các chỉ số quan trọng nhất, bởi vì số ca bệnh nặng phải nhập viện giảm xuống thì sẽ giảm áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Một bệnh nhân trong khu ICU thường phải ở lại đó trong vài tuần hoặc lâu hơn để hồi phục”, ông Leong giải thích.

Nhất Nguyên (theo CNA, the Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI