Khi Sofia Abdullah (tên của nhân vật đã được thay đổi) bị ông nội lạm dụng tình dục lúc còn nhỏ, cô bé thường tìm đến mặt trăng như một cách để xoa dịu nỗi đau của mình. Sau này, khi ly hôn với chồng, cô cũng lại tìm đến mặt trăng để nguôi ngoai cảm giác bị ruồng bỏ.
|
Số vụ lạm dụng tình dục trẻ em gia tăng ở Singapore trong những năm gần đây |
Năm nay, ở tuổi 40 tuổi, Abdullah đã viết một cuốn sách có tựa đề “Những năm tháng lãng quên” dưới bút danh Sofia Abdullah, kể về những câu chuyện bản thân đã bị xâm hại vào thời thơ ấu và những ảnh hưởng lâu dài của việc này đối với thể xác và các mối quan hệ của mình.
Trong cuốn sách này, cô kể đã có giai đoạn mình biếng ăn vì điều đó giúp cho cô có cảm giác mình có thể phòng vệ bản thân, bù đắp cho sự mất kiểm soát trước các vụ tấn công tình dục mà cô từng phải chịu đựng khi còn nhỏ.
“Khi mới vào đại học, tôi có một người bạn trai. Và khi anh ấy hôn tôi hoặc chạm vào tôi, tôi run rẩy như một chiếc lá. Tôi tự hỏi anh ấy có phải là người yêu của mình hay không và liệu mình có thích anh ấy không”, Abdullah chia sẻ với CNA.
Khi lớn lên, Abdullah cũng sống khá khép kín, cô không tâm sự với bất kỳ ai về việc bị lạm dụng ngoại trừ mẹ, và mãi sau này mới chia sẻ với các anh em trai của mình.
Theo CNA, câu chuyện của Abdullah là một điển hình của nhiều gia đình ở Singapore khi có con em là nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục mà hung thủ lại chính là “người nhà”. Họ thường khá bị động trong việc giúp đỡ các em quay về với cuộc sống bình thường. Họ không biết bắt đầu từ đâu, liên hệ với với ai để được giúp đỡ.
Nhiều tổ chức vào cuộc
Người phát ngôn của Bộ Phát triển gia đình và xã hội Singapore (MSF) cho biết, các chuyên gia - trong các lĩnh vực y tế, dịch vụ xã hội và giáo dục - nếu gặp các tình huống nghi ngờ có hành vi xâm hại trẻ em, thì có thể thông báo cho Dịch vụ Bảo vệ trẻ em (CPS) - một tổ chức thuộc bộ này.
Theo MSF, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi lạm dụng và phân tích của Lực lượng Cảnh sát Singapore (SPF) về sự việc, các em có thể được phép tiếp tục sinh sống trong cùng một gia đình, “với điều kiện gia đình thực hiện các biện pháp an toàn”.
“Khi nạn nhân còn nhỏ và hung thủ được cả gia đình biết đến, các em thường bị người lớn bác bỏ những câu chuyện kể về việc các em đã bị chính người thân trong gia đình lạm dụng”, Harsharan Kaur - một quản lý tại CPS - chia sẻ.
|
Hung thủ xâm hại trẻ em thường là người thân, được nạn nhân tin tưởng |
Bà Kaur cũng cho biết thêm hầu hết các trường hợp mà CPS phải xử lý đều liên quan đến lạm dụng trong gia đình, để lại “một trải nghiệm gây nhiều xáo trộn về tâm lý” ở trẻ. Thủ phạm có thể là cha mẹ, người chăm sóc chính hoặc anh chị em của các em.
Theo bà Kaur, giải pháp của CPS là trang bị cho đứa trẻ những “hành vi bảo vệ”.
“Khi sự việc xảy ra, các gia đình không nên giữ bí mật, nhưng cũng không nên để cho nạn lạm dụng lại tiếp diễn và càng không nên khuyên trẻ không được chia sẻ việc này với bất kỳ ai. Mục tiêu của CPS là có những cuộc trò chuyện với các em để giúp các em ứng phó sáng suốt trong những tình huống này”, bà Kaur chia sẻ.
Song song với giải pháp nói trên của CPS, Phòng Điều tra tội phạm tình dục nghiêm trọng (SSCB) thuộc Cục Điều tra Hình sự của SPF cũng sẽ tiến hành các cuộc điều tra về cáo buộc lạm dụng, thông qua các cuộc phỏng vấn và khám nghiệm pháp y được thực hiện tại Bệnh viện Phụ nữ và trẻ em KK theo hình thức “một cửa”.
“Điều này giúp hạn chế làm tổn thương các nạn nhân trong việc chuyển các em đến nhiều địa điểm khác nhau và yêu cầu các em kể đi kể lại câu chuyện về việc bị lạm dụng cho các chuyên gia”, SPF giải thích.
“Chúng tôi còn có một phòng chơi với nhà búp bê và đồ chơi để các nạn nhân nhỏ tuổi cảm thấy thoải mái. Chúng tôi cũng sử dụng búp bê mô hình trong các cuộc phỏng vấn để giúp các nạn nhân nhỏ tuổi chứng minh và tái hiện sự việc”, SPF cho biết thêm.
Trong khi đó, các công tố viên ở Singapore cũng cố gắng giảm thiểu những tổn thương cho trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại khi các em phải dự các phiên tòa xét xử các vụ án này.
“Các công tố viên cho phép nạn nhân mang theo những vật dụng giúp các em bình tĩnh hơn, chẳng hạn như đồ chơi mềm. Chúng tôi cũng tạo điều kiện để các nạn nhân được ở trong một môi trường mà các em cảm thấy thoải mái, để các em có thể dễ dàng thuật lại những gì đã xảy ra”, người phát ngôn của Văn phòng Tổng chưởng lý Singapore (AGC) chia sẻ.
Nhưng khó tránh các hậu quả lâu dài
Dharma Jayaram - một luật sư của gia đình - cho rằng “không có chiến thắng” trong các vụ kiện về lạm dụng tình dục trẻ em, bởi ngay cả khi thắng kiện tại tòa, thì những hậu quả để lại cho các em và các gia đình đôi khi cũng “không thể cứu vãn được”.
“Nó có thể hủy hoại các mối quan hệ, làm cho các cặp vợ chồng tan vỡ và đứa trẻ lại bị kẹt ở giữa. Trong trường hợp kẻ bị cáo buộc lạm dụng đứa trẻ là người cha thì hậu quả lại càng nghiệt ngã hơn. Người phụ nữ có thể chọn cách ly hôn. Sau đó, người đàn ông vẫn luôn có thể là chồng cũ của cô ấy, nhưng anh ta không bao giờ có thể là cha cũ của đứa trẻ”, bà Jayaram nói thêm.
Nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần ở Singapore cũng cảnh báo rằng những tác động lâu dài của nạn lạm dụng tình dục trẻ em có thể bao gồm rối loạn chức năng quan hệ giữa các cá nhân, chứng trầm cảm, lo âu. Trong một số trường hợp, nạn nhân cũng có thể bị “tê liệt tâm lý” khi bị mất trí nhớ về các sự kiện đau buồn, hoặc bị triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) vốn có thể kéo dài đến khi các em trưởng thành.
“Lạm dụng tình dục có liên quan đến các mối quan hệ. Trong các mối quan hệ mà sự tin tưởng được đặt không đúng chỗ và những người trưởng thành (hoặc thậm chí là thanh thiếu niên) sử dụng trẻ nhỏ như một đối tượng để thỏa mãn nhu cầu tình dục, thì điều đó sẽ tạo ra những lệch lạc trong khái niệm yêu thương”, Phó giáo sư Daniel Fung - Giám đốc điều hành của Viện Sức khỏe tâm thần Singapore - chia sẻ.
“Chưa hết, các nạn nhân của lạm dụng tình dục trẻ em nếu không vượt qua được vụ xâm hại từ thời thơ ấu có thể quay lại lạm dụng những đứa trẻ khác khi chúng lớn lên, như một cách để giải tỏa những nỗi đau mà các em đã từng phải chịu đựng”, ông Fung cảnh báo thêm.
Về phần Sofia, may mắn đã đến khi cô tìm ra một giải pháp hồi phục sức khỏe tâm thần hữu hiệu cho bản thân mình, đó là môn leo núi. “Chính việc leo núi buộc tôi phải hợp nhất tâm trí và cơ thể. Trong môn leo núi, cần có sự quyết tâm cao. Nếu bạn không quyết tâm di chuyển, cơ thể của bạn sẽ căng thẳng và bạn sẽ ngã xuống. Sự quyết tâm đã giúp tôi vượt qua trong nhiều tình huống thử thách mà tôi phải đối mặt”, Sofia chia sẻ.
Nhất Nguyên (theo CNA)