Singapore nỗ lực đối phó Zika

31/08/2016 - 11:42

PNO - Mỗi công nhân Singapore ở khu vực phát hiện vi rút Zika được phát một chai dầu đuổi côn trùng, họ sẽ sử dụng dầu này mỗi giờ. Ngoài ra, hàng ngày công nhân còn được cấp thuốc viên vitamin C để tăng sức đề kháng.

Nhà chức trách cũng thiết lập 500 thùng bắt muỗi tại các nơi công cộng và những điểm có nguy cơ lây nhiễm Zika cao. Đó là các biện pháp bổ sung mới được Bộ trưởng Nhân lực Teo Ser Luck đưa ra khi ông đến thị sát điểm nóng Zika tại Singapore sáng 30/8.

Bộ Y tế Singapore (MOH) xác nhận có thêm 15 trường hợp lây nhiễm vi rút Zika, nâng tổng số người nhiễm tại Singapore lên con số 56. Thông báo của Bộ Y tế nước này cho biết, trong 41 bệnh nhân trước đó, ngoài bảy người vẫn còn triệu chứng bệnh và có khả năng lây nhiễm, hiện được điều trị tại Bệnh viện Tan Tock Seng, 34 bệnh nhân còn lại hoàn toàn bình phục.

Singapore no luc doi pho Zika
Pa nô hướng dẫn cách diệt muỗi Aedes, nguồn lây lan của vi rú t Zika tại một điểm dân cư ở khu phố Aljunied Crescent, Singapore - Ảnh: CNN/GETTY IMAGES

Hầu hết bệnh nhân Zika là công nhân xây dựng nước ngoài thuộc Công ty bất động sản GuocoLand làm việc ở Aljunied Crescent, miền nam Singapore. Họ từng đến các khu vực gần đây bị ảnh hưởng Zika và phát bệnh khi về Singapore. Ngày 30/8, MOH hoàn tất việc xét nghiệm toàn bộ công nhân làm việc tại một công trường xây dựng (nơi phát hiện triệu chứng sốt và phát ban), cũng như sàng lọc số công nhân sống trong ký túc xá. Ngày 27/8, chính quyền Singapore thông báo một phụ nữ Malaysia (47 tuổi) sống ở khu vực Đông Nam nước này là trường hợp nhiễm Zika đầu tiên do lây truyền trong nước.

Mặc dù tất cả trường hợp nhiễm Zika đến nay đều tập trung ở Aljunied Crescent, nhưng MOH cảnh báo vi rút có thể lan ra khu vực khác ở Singapore. Từ ngày 28/8 Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) đã sàng lọc khoảng 3.600 căn nhà trong số ước tính 6.000 căn thuộc khu Aljunied Crescent để kiểm tra địa điểm sinh sản của muỗi.

Đến nay, NEA phá hủy 36 môi trường sống của muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) truyền vi rút Zika. Người dân Singapore chứng kiến nhân viên NEA đeo mặt nạ xịt thuốc diệt muỗi khắp các nhà cao tầng và nhà cũ, kiểm tra từng chậu cây cảnh, cũng như nhà bếp, phòng tắm của nhà dân, cung cấp cho dân thuốc chống côn trùng. Nhà chức trách Singapore kêu gọi những người sống và làm việc ở địa điểm có trường hợp nhiễm bệnh, đặc biệt là phụ nữ mang thai, theo dõi sức khỏe và đến bệnh viện nếu cảm thấy không khỏe.

Theo WHO và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC), Singapore trở thành địa điểm bùng phát mới của Zika, ngoài 58 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện diện loại vi rút này. Ở Đông Nam Á, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines đã ghi nhận việc lây nhiễm vi rút Zika do muỗi truyền trong năm 2016.

Malaysia và Indonesia cũng tăng cường phòng ngừa sau khi dịch Zika bùng phát tại Singapore, như siết chặt kiểm tra những người đến từ Singapore, triển khai nhiều máy quét nhiệt độ tại sân bay và các trạm kiểm soát biên giới.

Đến nay vẫn chưa có vắc-xin, thuốc đặc trị điều trị vi rút Zika do muỗi truyền, được xác nhận là nguyên nhân gây ra dị tật “đầu nhỏ” (microcephaly) và tổn thương não ở trẻ em sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm bệnh. Vi rút này cũng liên quan đến các chứng bệnh mù lòa, điếc, động kinh và các dị tật bẩm sinh khác. Tiến sĩ khoa học Arturo Reyes-Sandoval, chủ trì phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Nghiên cứu Y khoa Nufi eld, Đại học Oxford (Anh), cho biết, có thể trong tháng 10 năm nay sẽ công bố những lô vắc-xin chính thức chống vi rút Zika.

Thanh Hiền (Theo CNA, Straits Times, Reuters, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI