Singapore hướng đến việc học sinh học 4 ngày/tuần

19/11/2022 - 14:17

PNO - Giữa những áp lực ngày càng tăng đối với giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh, việc rút ngắn thời gian học trong tuần là cần thiết. Tính khả thi của đề xuất này đang được bàn luận tại đảo quốc sư tử.

Giáo viên với học sinh tại Trường tiểu học First Toa Payoh (ảnh: Bộ Giáo dục Singapore)
Giáo viên với học sinh tại Trường tiểu học First Toa Payoh (Ảnh: Bộ Giáo dục Singapore)

Áp dụng “tư duy linh hoạt”

Theo khảo sát của Milieu Insight với 1.000 người lao động hồi tháng Chín, có đến 81% cho biết muốn làm việc 4 ngày/tuần, 78% cho rằng lợi ích chính của việc giảm thời lượng lao động là giúp họ cân bằng 
cuộc sống.

Tháng Mười tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore Gan Siow Huang kêu gọi các doanh nghiệp áp dụng “tư duy linh hoạt” về đề xuất sắp xếp làm việc 4 ngày/tuần. Theo bà, việc cắt giảm ngày làm việc có thể hiệu quả hoặc không, bởi nó tùy thuộc vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác nhau.

Với ngành giáo dục, giáo viên đã phải đối mặt với những áp lực nặng nề hơn kể từ đại dịch. Một số trường hợp khối lượng công việc đã tăng gấp đôi. Vào đầu thập niên 1960, Singapore từng buộc học sinh đi học 6 ngày/tuần. Nhưng đến tháng 9/1962, mỗi tuần học sinh chỉ còn đến trường 5 ngày cộng thêm các hoạt động ngoại khóa vào sáng thứ Bảy. Mục đích là để giảm tải cho giáo viên.

Theo Jason Tan - phó giáo sư Học viện Giáo dục quốc gia - trong thời phong tỏa vì COVID-19, các trường đã chuyển sang hình thức học tập 100% tại nhà (HBL). Kinh nghiệm đó giờ đây cho phép ngành giáo dục có nhiều chọn lựa tốt hơn nhằm triển khai học tập hiệu quả, kết hợp giữa học trực tiếp tại trường và trực tuyến.

Bộ Giáo dục nước này đã bắt đầu giới thiệu hình thức học xen kẽ như thế với cứ hai tuần có một ngày HBL tại các trường THCS và cao đẳng. Tại Học viện Raffles, học sinh lớp Năm và Sáu đã được nghỉ vào mỗi thứ Tư kể từ đầu năm 2021. Thay vì các tiết học thông thường ở lớp, các em có thể lựa chọn các hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện, tham vấn với giáo viên, hoặc thậm chí chỉ là dành thời gian để nghỉ ngơi.

Nhiều phụ huynh còn băn khoăn

Sức khỏe tinh thần của giáo viên, học sinh phải là mối quan tâm hàng đầu, đó là lập luận mạnh mẽ của những người ủng hộ việc học 4 ngày/tuần. Trở lại Học viện Raffles, mục tiêu chính để sắp xếp lại thời khóa biểu của trường là nhằm thay đổi trải nghiệm giáo dục của người học, giúp trở nên thú vị hơn và ít căng thẳng. Khảo sát nhanh cho thấy, những lợi ích chính của rút ngắn thời lượng học một tuần là học sinh kiểm soát thời gian tốt hơn, có thêm thời gian nghỉ ngơi, bắt kịp chương trình học hoặc theo đuổi sở thích riêng.

Trong khi đó, mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh là với sự thay đổi như vậy, kết quả học tập của con cái họ sẽ như thế nào? Học viện Raffles tuyên bố kết quả A-Level của học sinh vào năm 2021 được cải thiện so với năm trước. Trường khẳng định hầu hết học sinh đều “có động lực cao hơn”. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ vẫn lo ngại về việc thời lượng học một tuần ngắn có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh.

Nhất là với trường hợp trẻ tiểu học chưa có ý thức tự giác học trong ngày HBL. Một số đã cho con đi học thêm nhằm đảm bảo việc học hành của trẻ sẽ không bị ảnh hưởng xấu vì HBL trong đại dịch. Nhiều bậc phụ huynh muốn có biện pháp giám sát việc học của con ở nhà trong khi họ phải đi làm. 

Một vấn đề khác là không phải học sinh nào cũng có môi trường học tập thuận lợi ở nhà. Ngoài ra còn có những lợi ích liên quan chẳng hạn bữa ăn miễn phí tại trường… Nhiều vấn đề vẫn đang được xem xét, nhưng việc Singapore hướng đến rút ngắn thời gian học mỗi tuần vì sức khỏe tinh thần của học sinh và giáo viên là một hướng đi đáng ghi nhận. 

Nam Anh (theo CNA, TST)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI