Singapore hỗ trợ lao động trẻ trong lĩnh vực ẩm thực đường phố

13/02/2021 - 18:30

PNO - Lim, 25 tuổi, đại diện của nhiều lao động trẻ “bán hàng rong” được cho rằng sẽ là thế hệ mới, tích cực bảo tồn truyền thống ẩm thực đường phố.

 

Người học việc bán hàng rong Lim Wei Keat (giữa) chuẩn bị một món ăn tại một quán cơm gà ở Singapore vào tháng Giêng - Ảnh: AFP-JIJI
Người học việc bán hàng rong Lim Wei Keat (giữa) chuẩn bị món ăn tại một quầy cơm gà ở Singapore vào tháng Giêng - Ảnh: AFP-JIJI

Sau khi bị mất cơ hội làm việc cho một nhà hàng thuộc đẳng cấp Michelin ở New York, Lim Wei Keat phải trở về nơi xuất phát của mình, tức trở thành một đầu bếp nấu các món ăn đường phố dành cho dân bản địa Singapore.

Lim, năm nay 25 tuổi, đang là đại diện của một nhóm nhiều lao động trẻ “bán hàng rong” (“hawkers” - theo cách gọi của người Singapore), được cho rằng sẽ là thế hệ mới, tích cực bảo tồn truyền thống ẩm thực đường phố của đảo quốc sư tử và nhận được nhiều hỗ trợ của chính phủ để theo đuổi lĩnh vực này.

Singapore hiện là quốc gia Đông Nam Á có mật độ quầy hàng ẩm thực đường phố khá cao với đa dạng các món ăn theo phong cách của các sắc tộc chính của nước này, bao gồm Trung Hoa, Ấn Độ và Hồi Giáo. Ngay cả khi Singapore đã phát triển thành một trung tâm tài chính giàu có thì hoạt động bán hàng đường phố vẫn còn phát triển mạnh, trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân nơi đây.

Tháng 12/2020, Liên Hiệp Quốc công nhận truyền thống này là một “di sản văn hóa phi vật thể” với mô tả những trung tâm nơi tụ tập nhiều quầy hàng đường phố như những “nhà ăn cộng đồng”, tạo ra không gian giao lưu và gắn kết quan hệ xã hội cho nhiều người dân thuộc các thành phần khác nhau.

Thế nhưng, Singapore lại đang đứng trước một thực trạng khiến việc gìn giữ di sản văn hóa nói trên trở thành một thách thức. Đó là nhiều chủ quầy hàng rong đang bước vào độ tuổi nghỉ hưu với tuổi đời bình quân là 59, trong khi thế hệ trẻ Singapore thường không muốn chọn lĩnh vực này để khởi nghiệp, vì lo rằng truyền thống ẩm thực đường phố cùng với những món ăn ngon gắn liền với nó rồi sẽ bị mai một.

Trường hợp của Lim là một điển hình. Ban đầu, Lim buộc phải học nghề bán hàng rong vì không còn cơ hội thực tập tại một nhà hàng ở Mỹ hồi năm ngoái do tác động từ sự bùng phát của dịch COVID-19, dẫn đến việc hạn chế đi lại. Nhưng dần dà, Lim cảm thấy mình đã chọn đúng hướng.

“Các món ăn địa phương sẽ có thể mất đi nếu mọi người không còn bán hàng rong hoặc học cách nấu những món này. Tôi thích món cơm gà Hải Nam. Vậy tại sao không nên bắt đầu với điều mình thích thú và đam mê?”, Lim chia sẻ.

Lim Wei Keat bày đĩa cơm gà Singapore - Ảnh: AFP-JIJI
Lim Wei Keat bày đĩa cơm gà Singapore - Ảnh: AFP-JIJI

Cùng với vài chục đầu bếp trẻ Singapore khác, Lim đã được chính phủ hỗ trợ cho tham gia các khóa học nấu những món ăn mà họ yêu thích và muốn mở quầy hàng rong.

Người hướng dẫn Lim là Neo Cheng Leong, một đầu bếp 61 tuổi đã có 30 năm kinh nghiệm nấu món cơm gà Hải Nam, một trong hai món ăn đường phố phổ biến nhất ở Singapore (món còn lại là bún gạo xào). Neo có hai người con ở độ tuổi 20 đều đang học đại học và không có hứng thú nối nghiệp cha, Neo cho biết. “Nếu tôi không dạy lại thế hệ trẻ cách nấu món ăn này thì nó có thể biến mất khỏi Singapore”, Neo giải thích.

Sau khi hoàn tất một khóa đào tạo do chính phủ tài trợ, trong đó có 2 tháng học cùng “sư phụ” Neo, và trải qua một lần kiểm tra tay nghề trước một hội đồng đánh giá, Lim có thể thuê một quầy hàng để khởi nghiệp với giá thuê được hỗ trợ rất thấp trong vòng 15 tháng.

Tất nhiên, kinh doanh ẩm thực đường phố vẫn có những thách thức nhất định như chi phí gia tăng, phải làm việc nhiều giờ, khiến giới trẻ Singapore có thể chọn những công việc văn phòng được trả lương cao hơn. Để cạnh tranh, những người bán hàng rong phải khéo quản lý chi phí để có giá thành đầu ra thấp. Một dĩa cơm gà ngon do quầy hàng của đầu bếp Neo nấu được bán với giá 2,3 SGD (khoảng 40.000 đồng), một mức giá khá “mềm” so với chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại nước này.

Shawn Aw, một đầu bếp phụ người mẹ 60 tuổi là chủ của một quầy bán mì theo hình thức hàng rong, cho biết kiếm được 1.000 SGD (khoảng 17 triệu đồng) mỗi tháng, một con số thấp hơn nhiều so với thu nhập bình quân 4.500 SGD/tháng ở Singapore, cũng không phải là chuyện dễ dàng. “Bạn phải đi sớm, về muộn và làm việc khá vất vả trong ngày”, đầu bếp 32 tuổi chia sẻ.

Nhất Nguyên (theo Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI