​Singapore diệt trừ dược phẩm lậu buôn bán trên mạng

02/12/2014 - 08:23

PNO - PN - Cơ quan quản lý khoa học y tế Singapore (HSA) mới đây đã khuyến cáo về tình trạng mua bán tràn lan dược phẩm trên mạng xã hội, gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng như viên...

​Singapore diet tru duoc pham lau buon ban tren mang

Một loại thuốc bị HSA tịch thu - Ảnh: Straits Times

Từ năm 2011 đến tháng 6/2014, HSA đã bắt giữ 122 người bán trái phép các mặt hàng dược phẩm. Đại diện HSA và nhiều bác sĩ (BS) ở Singapore cho biết, lợi dụng xu hướng kinh doanh trực tuyến ngày càng nở rộ trên mạng xã hội Facebook, Instagram hoặc thông qua diễn đàn, blog, các trang web, người dùng dễ dàng tìm được loại thuốc mình cần. Sử dụng thuốc một cách vô tội vạ đồng nghĩa với việc tự mình chuốc lấy rủi ro cho sức khỏe như suy gan, suy thận, thị lực giảm, tim đập nhanh, rối loạn thần kinh…

Một trong những trường hợp đáng tiếc nhất là cô Yu Jing Ni (24 tuổi), tử vong cuối năm 2012 sau khi dùng thuốc giảm cân cấp tốc không nhãn hiệu, mua qua mạng từ một người bán hàng ở Ukraine với giá 300 USD. Nguyên nhân tử vong là ngộ độc hóa chất dinitrophenol (dùng trong sản xuất chất diệt cỏ) có trong thuốc. Năm 2011, Jing Ni từng nhập viện vì dị ứng từ một loại thuốc có chức năng tương tự nhưng cô vẫn mù quáng sử dụng thuốc giảm cân cấp tốc.

BS chuyên về tâm thần học Lee Ee Lian kể, một bệnh nhân ngoài 20 tuổi thường xuyên có ảo giác nghe tiếng nói xung quanh dù đang ở một mình. Từ khi bệnh nhân ngừng uống thuốc giảm cân mua qua mạng, chứng ảo giác cũng tự động biến mất. Một bệnh nhân khác ngoài 40 tuổi của BS Lee Ee Lian thì bị tổn hại gan nghiêm trọng cũng vì thuốc giảm cân.

Hầu hết các loại thuốc giảm cân mà HSA tịch thu được (đều là những loại thuốc được ưa chuộng) có chứa chất sibutramine dễ gây trụy tim hoặc đột quỵ. BS Lee Ee Lian cho biết: “Nếu may mắn, bạn chẳng hề bị gì. Ngược lại, bạn sẽ thấy rõ tác hại của việc dị ứng các thành phần của thuốc. Khi ấy, chính bạn là người đầu độc bản thân”. Với người sử dụng thuốc ngừa thai thì nhiều trường hợp “cười ra nước mắt” khi bất ngờ phát hiện mình đã mang thai chỉ vì dùng… thuốc giả.

​Singapore diet tru duoc pham lau buon ban tren mang

Một vụ kiểm tra và tịch thu dược phẩm giả ở thủ đô Manila, Philippines - Ảnh: Văn phòng truyền thông Manila

Từ năm 2012, HSA kiểm tra và “phá án” nhiều đường dây kinh doanh trái phép dược phẩm. Số tiền mà các cá nhân bị phạt khoảng 6.000 - 20.000 USD. Nhiều người thậm chí không ý thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật, dù thuốc của họ là hàng chính hãng. Họ không hề nghĩ đến việc đăng ký kinh doanh và sản phẩm của họ phải được kiểm chứng.

Đẩy lùi nạn buôn bán thuốc trái phép trên mạng trở thành một cuộc chiến toàn cầu. Tháng 5/2014, gần 200 cơ quan chức năng chuyên trách về chống buôn lậu của 111 quốc gia đã tham gia chiến dịch Pangea VII chống nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái các loại dược phẩm trên toàn cầu.

Đây là chiến dịch lớn, có sự tham gia hỗ trợ đồng bộ của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol), Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Diễn đàn thường trực các tội phạm quốc tế về dược phẩm (PFIPC), Viện An toàn dược phẩm (PSI), Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol), tập đoàn Microsoft cùng các tổ chức thanh toán quốc tế như Mastercard, PayPal, Visa…

Thời điểm đó, các cơ quan chức năng tiến hành 237 vụ bắt giữ các đối tượng kinh doanh dược phẩm giả, tịch thu lượng hàng hóa trị giá 36 triệu USD. Hơn 10.600 trang web kinh doanh thuốc giả cũng bị “đánh sập”, hơn 19.000 mẫu quảng cáo bị xóa khỏi mạng xã hội.

THIÊN ANH (Theo Straits Times, Sunday Times, Network World)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI