“Lúc mới bắt đầu dự án, khi chia sẻ với một đơn vị chuyên sản xuất các chương trình dành cho thiếu nhi, họ hỏi lại rằng, sản phẩm của bạn có “xôi thịt” không, có “bựa” không, có nhắng nhít không; nếu có thì mới thu hút được trẻ con” - ca sĩ Bông Mai, người sáng lập Sing Channel - dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi nói.
Tư duy “xôi thịt” ấy khiến con gái của cố nhạc sĩ An Thuyên cảm thấy tổn thương. Kết quả là khi dự án khởi động, nhiều lời mời cộng tác, Bông Mai vẫn chưa nhận lời. Chị bảo đó là tâm huyết của chị, không phải công cụ để kiếm tiền.
Sing Channel được phát triển từ dự án do cố nhạc sĩ An Thuyên chủ biên, như bức tranh toàn cảnh của ca khúc thiếu nhi Việt Nam trong 100 năm qua, đã xuất bản tập 1 - vào năm 2014. Sinh thời, nhạc sĩ An Thuyên cho biết: “Chúng tôi lo thay khi chưa có một công trình khoa học nào, một lộ trình chiến lược nào gióng lên tiếng nói về thực trạng trẻ em hôm nay thiếu trầm trọng "chất dinh dưỡng" về tinh thần”.
Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời vào năm 2015, để lại nhiều dự định dang dở. Dự án được con gái ông tiếp nối, với một diện mạo khác.
* Chị có thể nói rõ thêm một chút về “diện mạo khác” của dự án?
- Sau khi ba tôi mất, tôi làm tiếp tập 2 của bộ Tổng tập. Tôi cũng đã tập hợp đủ văn bản để làm tiếp tập 3, tập 4. Nhưng rồi một ngày, tôi thấy rằng, làm sách không mang lại hiệu quả mạnh. Trong khi đó, chỗ nào cũng kêu thiếu các sáng tác dành cho thiếu nhi. Một kho tàng bài hát thiếu nhi lớn như tôi đang có mà không được phổ biến thì hơi uổng. Tôi quyết định phát triển dự án trên môi trường kỹ thuật số, chạy trên các trang mạng xã hội cũng như các ứng dụng về âm nhạc.
Mặt khác, hiện nay, cách dạy nhạc trong nhà trường gần như không còn phù hợp nữa và quá phụ thuộc vào giáo viên. Tôi và các cộng sự đang soạn đề án sách giáo khoa âm nhạc điện tử, dựa trên những ca khúc thiếu nhi này, hy vọng một ngày được phổ cập trong nhà trường. Ngoài ra, trên mạng, hiện không có kênh chuyên biệt về thiếu nhi. Sing Channel sẽ là một kênh như vậy.
Nhạc thiếu nhi hiện có trên nhiều trang mạng, nhưng đều là sản phẩm đã cũ, như các sản phẩm của “bé” Xuân Mai, vẫn được tìm kiếm và sử dụng. Một số bé từ các cuộc thi sau này cũng chỉ có vài bài hát mới. Tôi có gần 3.000 ca khúc thiếu nhi của các nhạc sĩ sinh từ năm 1930 trở lại đây. Con số vẫn chưa dừng lại vì tôi có thêm nguồn khác từ con cháu của các nhạc sĩ đó. Tôi muốn xây dựng Sing Channel thành kho dữ liệu, để các chương trình truyền hình, các cuộc thi âm nhạc dành cho các bé có thể tìm đến. Trước hết là ủng hộ, tri ân các nhạc sĩ đi trước, hai là thông qua truyền hình, định hướng lại thị hiếu âm nhạc thiếu nhi.
* Hướng đi sẽ là…?
- Khi làm sản phẩm cho thiếu nhi, nhiều người hay mặc định là phải màu mè, hài hước, mới dễ thu hút các bé. Đối tượng mà Sing Channel hướng tới không gò vào độ tuổi nhất định như trẻ em hay người lớn mà là gia đình. Một gia đình có các thế hệ, ngồi với nhau nghe/xem sản phẩm của Sing Channel. Tôi muốn đây là một kênh để gắn kết cả âm nhạc lẫn tình cảm giữa người một nhà.
Trong dự án này, chúng tôi dùng nhiều tiết tấu mới, nhưng không biến chúng thành cái khác. Những sản phẩm Sing Channel đang làm đều phát triển dưới dạng live studio + acoustic - làm mới, nhưng chừng mực và vẫn tôn trọng cảm xúc ban đầu của các nhạc sĩ. Tôi muốn thấy những gì mộc mạc nhất, gần gũi và chân thật nhất khi bắt đầu câu chuyện này và tôi muốn giới thiệu câu chuyện đó tới các em nhỏ cũng như các bậc phụ huynh. Còn sáng tạo gì thêm thì hãy để cho những người tiếp theo tôi. Tôi chỉ giới thiệu những bài hát ở trong kho dữ liệu tới mọi người. Kho dữ liệu của chúng tôi có khoảng 20% bài hát quen thuộc và tới 80% bài hát chưa được phổ biến.
* Sing Channel còn làm cả phần lời bằng tiếng Anh?
- Nói cho cùng, những ca khúc mà thế hệ 7x, 8x chúng ta từng rất quen thuộc cũng chỉ là một phần nhỏ thôi. Tôi muốn đưa những bài hát đó ra thế giới, trước hết là cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Con em họ có quyền được hiểu tiếng Việt thông qua bài hát và có quyền được hát những bài hát của Việt Nam, bằng thứ ngôn ngữ tại nước mà mình đang sống. Tôi nghĩ, đó là cách kéo văn hóa Việt lại gần. Trước mắt là bản lời Anh, sắp tới Sing Channel sẽ tung ra bản lời Pháp, Đức, Nhật…
* Game show đang chiếm sóng nghe nhìn của công chúng, trong đó có nhiều game show dành cho trẻ em. Dự án này liệu có thể cạnh tranh nổi?
- Phải nói rõ rằng, chúng tôi không có những scandal để cạnh tranh với bất cứ game show nào. Tuy nhiên, ở những sản phẩm đầu tiên, các gương mặt được chọn hầu hết là quán quân của các cuộc thi hoặc những giọng hát tốt. Nếu chúng ta hiểu các bạn nhỏ bây giờ, biết được sở trường của các em, biết các em thích gì, cũng như cho các em cơ hội để chứng tỏ khả năng thì ở lứa tuổi nào các em cũng có thể tỏa sáng chứ người lớn không cần cưỡng bức trẻ làm những thứ khiến chúng trở thành “người lùn” trên sân khấu.
* Chị đang đi một con đường hẹp đấy!
- Trái lại, tôi nhìn nó như một mảnh đất đang khai hoang, rộng lớn. Thiếu nhi luôn ở đó; không có lý do gì để nói đây là con đường hẹp, khó làm. Chỉ cần mình kiên định và gu thẩm mỹ của mình nhạy bén với các xu hướng âm nhạc trên thế giới cũng như Việt Nam, nắm được cái cũ và cái mới, tạo ra một thứ ở giữa, phù hợp và hấp dẫn các em nhỏ.
* Chị có đánh cược vào mình nhiều quá không?
- Không. Tôi tin rằng, dự án sẽ thu hút nhiều người quan tâm. Sing Channel sẽ là một nơi để mọi người muốn nghe, muốn hát, muốn học đều có thể tới mà không phải lo ngại liệu địa chỉ này có “sạch” hay không, có ích gì không. Đây là một sản phẩm âm nhạc “sạch” cho mọi người, đặc biệt là thiếu nhi.
* Cảm ơn chị.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên:
Năm 1997, nhà xuất bản Kim Đồng xin phép in 100 ca khúc thiếu nhi của tôi. Tôi rất vui. Mười năm sau, họ bảo vẫn thiếu ca khúc cho thiếu nhi nên hỏi tôi có thêm sáng tác nào mới, để cho tái bản. Tôi lại vui vẻ đưa thêm 100 ca khúc mới và Kim Đồng đã in luôn tập 2, gồm 200 ca khúc.
Đến lần thứ ba, năm 2013, thì tôi không vui. Cách đây không lâu, Kim Đồng lại hỏi có sáng tác nào mới không vì vẫn thiếu ca khúc cho thiếu nhi. Tôi nói, già thế này rồi tôi còn viết gì nữa. Nói ra những điều này để thấy rằng, âm nhạc Việt Nam đương thời nghèo nàn và bị khuyết một lỗ hổng lớn như thế nào. Thế hệ hôm nay đang thiếu những món ăn tinh thần cần thiết. Trong khi đó, khi xem ti vi, tôi thấy có một số chương trình bắt trẻ con làm người lớn nhiều quá. Đây là vấn đề không phải chỉ có các nhạc sĩ mà cả xã hội phải quan tâm.
Thực tế, vẫn có những ca khúc mới cho thiếu nhi, nhưng ít có bài hay và lan tỏa như trước. Cái thiếu lớn nhất là cảm xúc trong ca khúc dành cho các cháu. Nhiều nhạc sĩ sáng tác theo đơn đặt hàng, áp đặt cảm xúc của người lớn vào ca khúc, giai điệu đều đều, ca từ hời hợt, sáo rỗng. Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều nữa, trong khi đó, các em thiếu nhi đang phải chịu biết bao áp lực và thiệt thòi. Mỗi lần nghĩ, tôi thấy rất buồn.
|
Đậu Dung