SIM “rác”, đặc điểm của loại SIM này là cứ ra điểm mua bán SIM Card bất kỳ, bốc đại một cái, bẻ rời khỏi khung nhựa, lắp vào máy, là gọi vi vu. Sau đó, hết tiền thì nạp thêm vào mà dùng.
Thậm chí, một thời, các nhà mạng cực kỳ đẩy mạnh việc khuyến khích người dân sử dụng SIM "rác". Rõ nhất là họ cho tiền vào tài khoản gọi lớn hơn số tiền bỏ ra mua SIM. Cụ thể, bạn chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng, mua cái SIM "rác", thì trong tài khoản gọi lại có tới 100.000 đồng, 150.000 đồng. Như vậy, không phải chính nhà mạng đã ồ ạt bung SIM "rác", thúc đẩy sử dụng SIM "rác" là gì?
Khi người dân mua SIM, lắp vào máy, gọi được, và hơn nữa là sau này hết số tiền ban đầu có sẵn trong SIM, lại nạp thẻ cào vào gọi tiếp. Giao dịch dân sự giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ đã hoàn thành.
Các bạn hãy nhớ cho rằng, nói miệng cũng là một hợp đồng dân sự. Do đó, khi nhà mạng phát hành SIM ra, người dân gắn SIM vào là dùng được ngay, tức hai bên đã thực hiện một hợp đồng (HĐ) dân sự.
Trong HĐ dân sự này, vì hoàn toàn không viết ra chữ nào và không hề có bất cứ quy định, thông báo nào kể cả trên website của nhà mạng, nên có thể hiểu là người dùng SIM “rác” hoàn toàn không bị bắt buộc phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ gì kể từ khi mua SIM và đến mãi về sau. Hoàn toàn không có điều khoản nào quy định là sau này khách hàng phải bổ sung thông tin hay ảnh chân dung hay điều gì khác nữa.
Chính nhà mạng phải chịu trách nhiệm về việc không hề đưa ra quy định nào này. Nguyên tắc đời sống và sản xuất kinh doanh, là đơn vị cung cấp sản phẩm hay dịch vụ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm, dịch vụ của họ, và trách nhiệm chăm sóc khách hàng của họ. Bởi sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp (DN) mà chính DN không đưa ra quy định nào, thì đó là DN tự xác định chịu rủi ro xảy ra với chính họ.
Do đó, nếu hiện nay nhà mạng gọi mà khách hàng không đến chụp ảnh, mà nhà mạng cắt điện thoại, thì đó là nhà mạng đã vi phạm cam kết trong HĐ dân sự (dù cho cái “hợp đồng” này không hề được viết ra chữ nào).
Không thể nào, một hãng sản xuất hay đơn vị dịch vụ sau khi đã bán hàng xong, không có yêu cầu gì, người dùng đã dùng sản phẩm bao nhiêu năm, nay bỗng nhiên gọi điện thoại bảo “Anh phải đem nộp các thứ giấy tờ ABCD tôi mới cho dùng, nếu không tôi sẽ thu hồi sản phẩm”, ngang xương thế được!
Mà nếu chính sách của DN thay đổi, thì chính DN đó phải đàm phán thỏa thuận lại với khách hàng.
Không thể có lối đối xử quan cách kiểu DN ngồi tại chỗ vẫy tay bảo khách hàng chạy lại thực hiện nhu cầu của DN.
Do đó, khi nhà mạng có nhu cầu bổ sung hình ảnh mà không đến với khách hàng để thỏa thuận lại, mà ngồi tại chỗ ra lệnh, sau đó cắt liên lạc, là nhà mạng đã vi phạm cam kết giao dịch dân sự trên.
Và người dùng SIM “rác” vẫn hoàn toàn kiện được.
Giả sử tòa án yêu cầu chứng minh đây là số điện thoại của bạn thì mới thụ lý đơn kiện, thì điều đó không khó lắm. Bạn hãy nhờ bạn bè, đối tác đang dùng điện thoại đã từng liên lạc với bạn hãy in (sao kê) các cuộc liên lạc với bạn. Cái này do chính nhà mạng phải cung cấp khi chủ thuê bao có yêu cầu. Hãy nhờ các chủ thuê bao khác cung cấp danh bạn có số điện thoại lưu tên của bạn, các bản tin nhắn qua lại với đối tác bạn bè còn lưu trong máy. Nói chung, để chứng minh số bị cắt là số của bạn, không khó lắm.
Chính vì nhà mạng không có quy định ràng buộc nào thì người dân mới mua SIM “rác”. Mà mua SIM “rác” chưa chắc đã dùng 1 lần hết tiền trong tài khoản rồi bỏ. Có những người dùng rồi sau đó liên lạc nhiều, bạn bè đối tác người quen nhiều, không bỏ được nữa, và dùng luôn, thành số giao dịch chính thức. Đây là công cụ liên lạc, làm ăn của chủ thuê bao.
Do đó khi nhà mạng cắt số điện thoại của bạn thì đối tác kinh doanh của bạn cũng bị ảnh hưởng. Đối tác không liên lạc với bạn được, hợp đồng làm ăn bị ngưng trệ. Như vậy, đối tác kinh doanh của bạn cũng có thể kết hợp cùng bạn kiện nhà mạng, vì nhà mạng là nguyên nhân gây ra sự ngưng trệ trong công việc làm ăn này.
Riêng tôi, tôi cho rằng, giả sử dù kiện có không thắng, thì ta vẫn kiện, cho các DN Nhà nước chừa cái thói làm ăn cửa quyền đi!
Đặng Vỹ