Sim nhắn "rác", cuộc gọi "rác" ngày càng phức tạp hơn

18/07/2024 - 19:38

PNO - Đây là thông tin được ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa - quyền Trưởng Phòng Bưu chính - viễn thông, Sở Thông tin – Truyền thông (TT-TT) TPHCM đưa ra tại phiên họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM chiều 18/7.

Ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa cho biết: "Hiện tin nhắn rác, cuộc gọi rác không còn nhiều nhưng lại có xu hướng phức tạp hơn trước đây. Các đối tượng thường nhắn tin, cuộc gọi mạo danh cá nhân, tổ chức nhà nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân”.

Để quản lý sim rác và kéo giảm tình trạng lừa đảo qua mạng, thời gian qua, Bộ TT-TT đã triển khai 6 nhóm giải pháp.

Trong đó, cùng với công tác tuyên truyền để cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, Bộ TT-TT đã phối hợp với Bộ Công an để xử lý và triệt phá một số đường dây lừa đảo trực tuyển thời gian qua. Cùng với đó là triển khai định danh “Brandname" cho Cơ quan Nhà nước khi thực hiện cuộc gọi/nhắn tin cho người dân, tổ chức.

Bộ TT-TT đã chỉ đạo các nhà mạng đầu tư công nghệ nếu cơ quan nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan nhà nước trên máy điện thoại di động hoặc điện thoại cố định có màn hình. Trong trường hợp điện thoại cố định không có màn hình, người dân có thể yêu cầu gọi điện lại qua số di động để xác nhận tên cơ quan nhà nước, nếu không có tên thì người dân không nên tin.

Đồng thời, tăng cường xử lý sim không chính chủ/sim rác từ ngày 15/4 đã cắt toàn bộ những sim thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư cũng như thực hiện xử lý vấn để sim chính chủ.

"Nếu Bộ TT-TT phát hiện hiện sim rác, sim không chính chủ sẽ yêu cầu nhà mạng ngừng kinh doanh phát triển thuê bao mới. Đây là một hình thức xử lý rất nặng đổi với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ trong xử lý sim rác, sim không chính chủ" - ông Đình Hoà nói.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng tin nhắn, cuộc gọi rác ngày càng phức tạp - Ảnh minh hoạ
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng tin nhắn, cuộc gọi rác ngày càng phức tạp - Ảnh minh hoạ

Ông Đình Hoà nói thêm, cùng với xử lý vấn nạn lập các trang web giả mạo của cơ quan nhà nước, Bộ TT-TT cũng đã thiêt lập một đầu mối để tiếp nhận phản ánh về các hành vi lừa đảo trực tuyến để hỗ trợ người dân là tổng đài 156, 5656 để phối hợp Bộ Công an đấu tranh, triệt phá đường dây lừa đảo này.

"Đối với tội phạm lừa đảo qua mạng viễn thông, internet rất khó xác định phạm vi địa giới hành chính trong nước hoặc quốc tế, ở tỉnh hay ở TPHCM. Vì vậy, việc đấu tranh, xử lý triệt để tội phạm này là rất khó khăn đối với thành phố nói chung và ngành TT-TT, ngành Công an của thành phố nói riêng - đại diện Sở TT-TT TPHCM nhìn nhận.

Để kéo giảm tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng viễn thông, internet, ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa lưu ý, trước hết phải làm cho người dân có kiến thức về các hành vi lừa đảo trên mạng.

Bên cạnh đó, Sở TT-TT cũng hướng dẫn và phối hợp cùng UBND TP Thủ Đức và quận, huyện tiền hành kiểm tra, xử lý các cửa hàng mua bán sim đã kích hoạt sử dụng trước (sim rác/sim đăng ký thuê bao không chính chủ).

Đồng thời, tăng cường phối hợp Công an TPHCM, đơn vị nghiệp vụ của Công an TPHCM, Bộ TT-TT để xác minh và xử lý vi phạm các chủ thuê bao có dấu hiệu lừa đảo như giả mạo cá nhân, tổ chức nhà nước. Sở TT-TT phối hợp Công an TPHCM tham mưu, đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Bộ TT-TT tạo lập cơ sơ dữ liệu trực tuyến và chia sẻ, cấp tài khoản tra cứu dữ liệu thông tin thuê bao trên địa bàn TPHCM để thảnh phố chủ động, kịp thời trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm lừa đảo qua mạng viễn thông, internet.

Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI