“Siêu xe” của ông nội

16/12/2024 - 16:19

PNO - Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy

Đây là loại xe của Nhật, nhỏ, gọn và dễ sử dụng. Chiếc xe được chú tôi mang từ Vũng Tàu ra Quảng Trị cho ông từ tận 15 năm trước. Lúc đầu, chú chỉ nghĩ đơn giản là để ông đi lại cho thoải mái, hư thì thôi; ấy vậy mà nó gắn bó, đồng hành với ông bao lâu nay. Cứ hễ bước chân ra khỏi nhà là ông lại cưỡi chiếc xe này.

Ông thường chở bà đi thăm hỏi bà con, xóm giềng; rồi chở bà đi chợ bán vài bó chè, mấy lá trầu già. Thỉnh thoảng, có người trêu đôi vợ chồng già nhưng tình cảm quá. Bà ngại ngùng bảo: “Thôi, ông đi đâu thì đi một mình, đừng chở tui nữa, mọi người nhìn vào không hay”. Ông cười đáp: “Người ta ước có ông có bà còn chẳng được. Ở đó mà lo”. Nói rồi, ông nhìn bà cười trìu mến.

Ông nội chở bà nội đi chơi - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ông nội chở bà nội đi chơi - Ảnh do nhân vật cung cấp

Những ngày rảnh rỗi không phải làm việc nương vườn, ông lại đi đánh cờ tướng cùng bạn bè, các cụ trong thôn. Có những hôm, ông đánh cờ xuyên trưa mới về nên bà cằn nhằn: “Ông đi vậy không biết mệt à?”. Ông cười đáp: “Xe chạy, tôi đến nơi ngồi chơi rồi về, làm gì mà mệt”. Bà cũng hay giả bộ cằn nhằn ông đi gì mà lắm thế. Vậy mà, nhà vừa hết chai nước mắm, gói gia vị là bà lại: “Ông ơi, đi mua cho tôi cái này”, rồi “Ông ơi, đi mua cho tôi cái kia”. Chỉ chờ có vậy là ông lại dắt xe ra, không quên ngoái đầu lại nói với bà: “Tại bà kêu tui mới đi đó nghen”.

Còn nhớ, hồi cuối năm học cấp III, thấy tôi đã lớn, có thể đi xe máy 50 phân khối để đi học thêm, thế là ông dạy tôi chạy xe máy. Ông ngồi phía sau hướng dẫn, chỉ tôi cách vào số, vặn ga. Nhờ vậy, những chuyến đi học thêm xa nhà cách 5 - 10km, tôi đã có thể đi lại bằng xe máy của ông cho đỡ vất vả.

Ngoài ra, tôi cũng còn khá nhiều kỷ niệm với chiếc “siêu xe” của ông. Có đợt hè năm tôi học lớp Tám, khi ấy, dưới thị trấn có gánh hát lô tô; ông chở 2 chị em tôi đi chơi. Chẳng may lúc về thì xe hết xăng, cả 3 ông cháu dắt bộ đến cây xăng gần đấy để đổ. Cũng vào thời điểm ấy, em trai than đói bụng; thế là 3 ông cháu vào ngay quán bún gần đó ăn sạch 3 tô bún rồi nhìn nhau cười. Ông nói to: “Xăng đầy bình, bụng đã no. Ông cháu ta về kẻo bà ở nhà trông”. Những câu chuyện hằng ngày diễn ra, dường như chiếc xe rất có “liên quan” và gắn bó.

Có những hôm trời chuyển gió, ông đổ bệnh nằm trên giường. Chiếc xe buồn đến cô đơn mà… chết máy. Sau khi khỏe lại, ông huy động cả con trai, cháu trai để sửa. Sau khi xe nổ máy được, ông lại chạy đi vòng vòng mấy nhà hàng xóm. Ông bảo: “Nằm trên giường riết người yếu thêm chứ chẳng khỏe lên tí nào”.

Chiếc xe tuy tuổi đời đã lâu nhưng được ông chăm sóc, lau chùi thường xuyên nên nhìn vẫn khá mới. Cứ 2-3 năm, dàn máy lại được ông đem ra thợ tu sửa nên vẫn chạy tốt. Đến nay nó vẫn bên cạnh ông, như người bạn tri kỷ, đồng hành cùng ông trên mọi nẻo đường; gắn liền với bao kỷ niệm vui vẻ của ông, bà, gia đình và những người yêu thương.

Vân Trình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI