Siêu thị, bếp ăn nhập ít thực phẩm VietGAP, GlobalGAP nhưng bán ra rất nhiều

22/09/2022 - 15:25

PNO - Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM - cho biết tình trạng nhập nhằng nguồn gốc thực phẩm khá phổ biến.

Người tiêu dùng chọn mua rau tại một cửa hàng tiện lợi (Ảnh: Nguyễn Cẩm)
Người tiêu dùng chọn mua rau tại một cửa hàng tiện lợi - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM - trong quá trình kiểm tra, Ban ATTP phát hiện có một số siêu thị, bếp ăn tập thể chỉ ký hợp đồng với công ty sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... nhưng thực tế lại mua hàng của công ty rất ít. Lực lượng kiểm tra phải yêu cầu siêu thị, bếp ăn trình hóa đơn để xem xét số lượng mua bán thực tế. Đồng thời xem xét liệu có sự nhập nhằng, giả mạo trong quá trình cung cấp, mua bán hàng hay không.

Trước đây, Ban ATTP cũng kiểm tra vùng trồng rau củ của một số chuỗi bán lẻ nhưng thực tế số lượng trồng rất ít, không đủ cung cấp và họ ký hợp đồng với nhà cung cấp.

Theo bà Lan, mặc dù luật chỉ quy định rau, củ được kinh doanh, sử dụng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chưa bắt buộc phải đạt các tiêu chuẩn cao, nhưng TP khuyến khích các siêu thị, bếp ăn trường học, nhà hàng dùng thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlabalGAP hay thực phẩm thuộc chuỗi an toàn. Trách nhiệm của siêu thị là phải có hệ thống quản lý chất lượng, lấy mẫu hàng kiểm nghiệm hàng đêm, hàng tuần, hàng tháng. Nếu phát hiện sản phẩm không đạt chuẩn, siêu thị trả lại cho nhà cung cấp.

“Ban ATTP cũng thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu, giám sát chất lượng thực phẩm được bán tại siêu thị, cửa hàng, chợ. Dù sản phẩm đạt chuẩn gì thì cũng phải có kiểm nghiệm của cơ quan quản lý và theo quy định, tối thiểu hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hơn nữa là sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hoàn toàn không có sự gian lận. Tình trạng nhập nhằng rau gắn mác VietGAP bán trong siêu thị thuộc trách nhiệm của nhà cung cấp và siêu thị, siêu thị cam kết với Ban Quản lý ATTP chỉ mua hàng đạt chuẩn. Đây là vấn đề gian lận thương mại và lực lượng quản lý thị trường đang tăng cường kiểm tra, ai vi phạm thì sẽ bị xử lý”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, ngoài kiểm soát tình trạng giả mạo chuẩn VietGAP, Ban Quản lý ATTP còn tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá thực phẩm có đảm bảo an toàn chất lượng hay không, từ đó có cơ sở xử lý đối tượng vi phạm. Các siêu thị phải lựa chọn nhà cung cấp kỹ lưỡng, theo quy định, nhà cung cấp phải có giấy tờ chứng minh đủ điều kiện ATTP. Siêu thị không thể nói là "không biết". 

Nguyễn Cẩm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI